Dạy con nên người luôn là nỗi niềm của các bậc làm cha, làm mẹ. Thương cho roi cho vọt. Nhưng liệu đánh con nhiều có khiến con nên người hay không?
Việc dạy dỗ con chưa bao giờ là đơn giản cả. Có những người rất thành đạt, rất giỏi giang nhưng cuối cùng lại thất bại trong việc dạy dỗ con. Có những gia đình rất giàu có. Của ăn của để nhiều vô kể. Nhưng cuối cùng cũng hết vì có phá gia chi tử. Họ thường kêu gào, than khóc và đổ tại “cha mẹ sinh con trời sinh tính”.
Nhưng ai cũng hiểu, tính nết của con cái như thế nào, phần lớn là do ảnh hưởng từ việc giáo dục. Nói cách khác, cha mẹ chính là tấm gương của trẻ. Nếu cha mẹ nhân từ, trẻ sẽ ngoan ngoãn. Nếu cha mẹ chuẩn mực, con sẽ ngoan.
Cùng theAsianparent tìm hiểu về các bước dạy con nào!
4 bước dạy con nên người từ những bài học đạo đức
Những bài học về đạo đức mà trẻ học từ khi còn bé sẽ ảnh hưởng đến nhân sinh quan, cách nhìn của con về cuộc đời, thế giới lẫn hành vi, cách cư xử sau này khi con lớn lên. Trong khi rất khó để giải thích cho con tầm quan trọng của tính trung thực hay lòng trắc ẩn, chỉ ra cho con thấy cái cách mà những đức tính tốt ấy biểu hiện và ảnh hưởng ra sao đến người khác lại là cách dễ tác động đến trẻ và bé sẽ dễ dàng thấu hiểu hơn.
Cùng con nói về những bài học đạo đức
Đạo đức là thứ khá mơ hồ. Những bài học đạo đức nhanh nhất chính là từ bố mẹ truyền đạt. Trẻ còn non nớt. Do vậy, trẻ hoàn toàn tin vào lời của cha mẹ. Do vậy, muốn con trung thực, tốt bụng, thật thà, có trách nhiệm và tử tế thì cha mẹ là nhân tố tác động quan trọng nhất. Hãy giúp con hiểu về giá trị của những đức tính này.
Những bài học đạo đức bé học được từ cha mẹ
Bạn cần đưa ra danh sách các giá trị đạo đức theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới. Nhớ dạy trẻ chỉ một đức tính tốt cho một khoảng thời gian nhất định hay trong một lần nhất định. Trẻ con rất hay quên và bị quá tải nếu phải tiếp nhận quá nhiều điều trừu tượng khó hiểu. Ví dụ, mỗi tháng, bạn chọn một chủ điểm về đạo lý và tạo cơ hội thích hợp để trẻ học hỏi được tầm quan trọng của khía cạnh đạo đức đó.
Nên lấy thêm những ví dụ cụ thể. Hoặc đơn giản nhất là bạn thực hành cho con xem.
Khuyến khích con tự giải quyết tình huống là cách dạy con nên người
Bạn cần tạo cơ hội để trẻ dùng chính suy nghĩ, cảm xúc, trách nhiệm của mình trước mỗi sự việc trong đời sống. Chẳng hạn, đưa ra tình huống bạn lấy đồ chơi của trẻ nhưng không nói gì, thì con sẽ phải làm sao? Hay chứng kiến cảnh một bạn của con bị bắt nạt, con sẽ xử trí thế nào? Việc tự trẻ đưa ra quyết định sẽ giúp con nhớ lâu hơn bài học về những đạo lý làm người vì chúng do chính con tạo nên.
Hãy phân tích thiệt hơn cho con
Nếu như thấy bé chưa đi đúng hướng, cha mẹ hãy cố gắng giúp con định hướng. Gợi ý chứ đừng giải quyết giúp bé nhé.
Phân tích được mất về những quyết định của con
Điều này sẽ dạy trẻ biết nhìn nhận lại sự việc. Sống có trách nhiệm cho mỗi hành động mình đã gây ra. Con thấy được hệ quả nhận được sau mỗi hành vi của mình. Người lớn có thể hiểu đó gọi là “luật nhân quả” nhưng đối với trẻ, khái niệm trừu tượng đó con ắt hẳn sẽ không thể hiểu được.
Hãy để con tự ra quyết định
Thay vì giảng giải lý thuyết, hãy chỉ cho bé thấy điều thực tế. Ví dụ, nếu con tiếp tục cãi nhau hay gây chiến với bạn một cách vô lý, một ngày nào đó bạn sẽ rời bỏ và không còn chơi với con nữa. Hay sẽ ra sao nếu con bị phát hiện mình đã nói dối và sau này bạn bè không còn ai tin con nữa?
Cách dạy con nên người tốt nhất là làm một tấm gương tốt cho bé
Trẻ em là độ tuổi mà con học hỏi và bắt chước rất nhanh những gì chúng nhìn thấy mỗi ngày. Nếu bản thân bạn làm những điều sai trái trong khi lại dạy con những đạo lý làm người thì trẻ khó học hỏi. Hoặc bạn đưa ra những thông điệp không rõ ràng, mập mờ thì trẻ cũng khó có thể tiếp thu và hiểu.
Người lớn thường thất hứa với trẻ và nghĩ rằng con không biết điều đó. Nhưng sự thật lại ngược lại. Trẻ con hiểu rõ và ghi nhớ rất nhanh. Khi đó, con sẽ hiểu rằng, thất hứa cũng sẽ không sao. Vì vậy, bạn cần giữ lới hứa với trẻ. Đặc biệt, thể hiện lòng trắc ẩn và tình thương bằng cách dành thời gian mỗi ngày để lắng nghe con, lắng nghe mọi người trong gia đình. Trẻ sẽ học hỏi từ bạn và đối đãi với những người xung quanh như cách mà bạn đã làm với trẻ.
6 bí quyết giúp cha mẹ dạy con nên người mà không cần roi vọt
Dạy trẻ là một quá trình dài. Bạn cần thực hiện với sự kiên trì, nhẫn nại. Không thể nào uốn con ngay được. Phải dần dần và nhẹ nhàng.
Nhất quán trong việc giáo dục trẻ
Muốn dạy con biết vâng lời, cha mẹ cần phải thể hiện được sự nhất quán. Hôm nay, bạn nhắc trẻ không được chạy chơi dưới lòng đường. Những tuần sau đó yêu cầu này vẫn phải được tiếp tục thực hiện cho đến khi bé quen. Với những yêu cầu khác, bạn cũng phải thực hiện điều tương tự. Sự nhất quán của bố mẹ sẽ dạy con biết vâng lời.
Hãy động viên khi bé vâng lời
Đặc biệt, khi mẹ nói A, bố không được nói B và ngược lại. Bởi nếu trẻ thấy ai bênh, con sẽ theo người đó. Điều này là cấm tuyệt đối!
Hãy nhẹ nhàng với trẻ
Trẻ em không thể tiếp thu khi bố mẹ tức giận. Khi giải quyết một vấn đề gì đó với con, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Điều tốt nhất bạn cần phải làm là nhẹ nhàng với bé. Hiểu được cảm nhận của bé là điều quan trọng để bố mẹ thông cảm cho hành động của con. Bằng sự cảm thông của bố mẹ, việc dạy con biết vâng lời không quá khó.
Giúp con hiểu rõ hậu quả khi không vâng lời
Hướng dẫn con những gì có thể
Trước khi áp dụng một quy định nào đó, hãy nói chuyện với bé về việc bé sẽ bị phạt thế nào khi vi phạm. Sau khi bé đã được thông báo, bạn mới thực hiện. Khi bé vi phạm nguyên tắc, bạn sẽ buộc phải áp dụng hình thức phạt theo quy định. Bạn có thể mềm lòng khi bé tỏ ra hối lỗi hay khóc lóc. Nhưng hãy kiên định và áp dụng hình phạt. Hãy nhớ rằng, hình phạt là cách để bố mẹ dạy con rằng, khi con làm điều gì đó sai sẽ có một cái giá phải trả.
Khuyến khích con
Một cách rất tuyệt vời để dạy con biết vâng lời chính là sự động viên, khuyến khích của bố mẹ. Khi con bạn tuân thủ tốt các quy định đã đặt ra, hãy khen ngợi bé. Hãy nói với bé, bạn tự hào và hạnh phúc thế nào khi bé hoàn thành tốt. Trẻ em giống như những cái cây, khi được nuôi dưỡng và chăm sóc, bé sẽ phát triển tốt.
Giải thích rõ những yêu cầu của bạn với con
Không ai thích bị bắt buộc phải làm điều gì đó mà không được giải thích tại sao. Bạn không bao giờ được nói với con “con phải làm việc này vì bố/ mẹ bảo như vậy”. Thay vào đó, hãy giải thích lý do. Để dạy con biết vâng lời, hãy cho trẻ biết mục đích đằng sau mệnh lệnh đó. Bé sẽ thực hiện yêu cầu. Nếu bé biết tại sao bạn muốn bé làm vậy.
Thưởng cho bé
Tất cả chúng ta đều sẽ làm tốt hơn nếu có một chút khích lệ. Một trong những cách tuyệt vời dạy con biết vâng lời là dành cho bé những phần thưởng khi bé đã làm tốt. Một viên kẹo, một món đồ chơi mới. Nhỏ thôi nhưng sẽ mang lại điều kỳ diệu. Tuy nhiên, không nên áp dụng nó thường xuyên. Bạn muốn trẻ biết vâng lời vì đó là việc đúng đắn chứ không phải là sự thết đãi.
Lời kết
Gia đình là nơi vun đắp và xây dựng tính cách cho trẻ
Nên nhớ, con trẻ là tờ giấy trắng. Mọi hành động của con đều bắt nguồn từ cha mẹ. Môi trường dạy dỗ cũng rất quan trọng. Bố mẹ nên kiên nhẫn. Đừng dùng roi vọt để con sợ hãi. Hãy yêu con bằng cả trái tim nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!