Mang thai lần 2, mẹ bầu nên lưu ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ kẻo nguy hiểm

Mang thai lần 2 sau khi sinh mổ dù một thời gian thì vẫn cần có sự chú ý. Đặc biệt mẹ bầu cần nắm rõ dấu hiệu đau vết mổ cũ khi mang thai hay các triệu chứng đau vết mổ cũ để có thể xử lý và can thiệp kịp thời.

Những vấn đề xảy ra với vết mổ cũ khi bầu lần 2

Vết mổ đẻ cũ hoàn toàn có thể gây đau trong lần mang thai thứ 2

Mổ đẻ là một trong những phương pháp sinh con tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sau nếu không chăm sóc đúng cách, trong đó đau hay nứt vết mổ cũ ở lần mang thai thứ 2 là hoàn toàn có thể xảy ra. Các bác sĩ cũng cảnh báo rằng nguy cơ nứt vết mổ luôn có cho dù lần mổ trước có cách lần mang thai này bao nhiêu năm.

Đau hay nứt vết mổ cũ có thể xảy ra từ rất sớm trong thai kỳ, khi bé lớn lên, tăng kích thước và trọng lượng hay lúc gần chuyển dạ, vì sẹo mổ chủ yếu ngay tử cung rất khó trở về hiện trạng ban đầu. Vùng da xung quanh vết mổ đẻ có xu hướng dày hơn nhưng cấu tạo xơ hoá vì thế không co giãn được nhiều, dễ bục. Khi mẹ bầu mang thai lần 2, thai phát triển lớn lên, tử cung căng ra, co bóp khiến vết mổ bị kéo căng gây đau, thậm chí nứt, vỡ khi chuyển dạ nếu không cẩn thận hoặc có biện pháp giảm tổn thương.

Thực tế có đến 80% các mẹ bị đau vết mổ khi mang thai lần 2. Mẹ bầu bị đau vết mổ cũ là dấu hiệu cho thấy có khả năng xảy ra vài nguy cơ khác như:

  • Nhau thai phát triển bám vào vết sẹo mổ hoặc ăn sâu vào cổ tử cung, có thể gây chảy máu nhiều buộc phải cắt bỏ tử cung.
  • Nguy cơ mẹ bị nhau cài răng lược gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung thậm chí là các cơ quan nội tạng khác như bàng quang, ruột…

Dấu hiệu đau vết mổ cũ khi mang thai

Khi thấy đau nhói vùng bụng dưới, mẹ bầu không nên chủ quan

Để nhận ra có phải bị đau vết mổ cũ hay không, mẹ nên chú ý các dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện cảm giác đau ngang trên xương mu, khu vực xung quanh vết mổ cũ.
  • Cảm giác đau liên tục không dứt, có khi âm ỉ, ấn vào khu vực này sẽ thấy đau nhói lên.
  • Một số mẹ thấy chóng mặt, khó thở là triệu chứng đau đã nặng hơn.

Khi bị đau vết mổ cũ lúc mang thai, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng như bục vét mổ, vỡ tử cung với dấu hiệu là chảy máu âm đạo bất thường, đau bụng dữ dội, tim đập nhanh, hình dạng bụng bầu hay tử cung không còn như ban đầu, thai gò mạnh. Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào mẹ bầu cũng nên lập tức đến bệnh viện để được thăm khám.

Làm gì nếu bị đau vết mổ cũ khi mang thai lần 2?

Mang thai lần 2 sau khi mổ, mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng

Tuy dấu hiệu đau vết mổ cũ khi mang thai có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nhưng không phải lúc nào cũng cực kỳ nguy hiểm. Nếu như mẹ nhận thấy vết mổ cũ có dấu hiệu bị đau thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa kiểm tra càng sớm càng tốt, nhưng bên cạnh đó cũng không nên quá lo lắng, bởi tâm lý bất ổn cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng lên thai nhi.

Song song đó, mẹ bầu hãy lưu ý những nguyên tắc sau :

  • Cần có chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát cân nặng suốt thai kỳ, cần thực hiện các bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để vết mổ mau lành nhưng tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng cân quá nhanh khi mang thai.
  • Thực hiện thăm khám đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, nếu vết mổ bị ngứa hay có biểu hiện đau tuyệt đối không được gãi hay dùng thuốc bôi lên sẹo tùy tiện.
  • Tăng cường vận động nhưng phải chọn những hình thức, động tác thật nhẹ nhàng, không được làm các động tác gây ảnh hưởng cho vùng bụng như cúi gập người xuống quá thấp, với tay lên cao hay các môn thể thao cường độ mạnh như chạy nhảy. Chú ý hạn chế làm việc nặng, mang vác.
  • Trong những tuần thai cuối, mẹ nên nhập viện trước ngày dự sinh để thực hiện các xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá tình trạng vết mổ và chọn hình thức sinh.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

hienpham