Cúng đầy tháng hay còn được gọi là lễ cúng Mụ không chỉ là nghi thức truyền thống quan trọng trong các gia đình có con nhỏ mà còn được xem là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, tâm linh được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Tùy theo mỗi vùng miền mà nghi thức cúng Mụ sẽ có 1 vài khác biệt. Vậy nếu sắp đến ngày đầy tháng bé trai miền Trung, bố mẹ cần phải chuẩn bị những gì để nghi thức cúng lễ được thực hiện chu đáo và trọn vẹn nhất?
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ cúng Mụ đầy tháng
Người xưa thường có câu “Cầu cho mẹ sinh, mẹ độ”. Đó là bởi theo quan niệm dân gian, mỗi đứa trẻ từ khi bắt đầu được thụ thai, thành hình cho đến lúc bình an ra đời đều nhận được sự che chở, bảo vệ bởi các vị Đại Tiên (Bà Chúa đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 Bà Mụ). Ngoài Đại Tiên và các bà Mụ có công nhào nặn, còn có Đức Ông được xem là vị thần đã chở che, mang đứa trẻ đến nhà, giúp mẹ tròn con vuông và ban cho bé những điều may mắn, tốt lành, khỏe mạnh.
Vì vậy, lễ cúng đầy tháng bé trai miền Trung hay bất cứ lễ cúng đầy tháng ở vùng miền nào đều là một nghi lễ quan trọng đối với những đứa trẻ mới sinh ra. Đây được xem là thời điểm để cha mẹ, người thân cúng cáo và cảm tạ tổ tiên, thiên địa về sự có mặt của đứa bé, đồng thời bảy tỏ lòng thành đối với các vị ơn trên và cầu mong cho bà Mụ, Đức Ông sẽ ban phước lành, may mắn, giúp con có được 1 sự khởi đầu thuận lợi trong đời.
Với ý nghĩa đó, lễ cúng đầy tháng cho bé trai hay bé gái tiếp tục được lưu truyền và nhiều gia đình Việt vẫn thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống này.
Cách tính ngày, chọn giờ cúng mụ cho bé
Cũng giống như ở các vùng miền khác, ngày cúng đầy tháng bé trai miền Trung được tổ chức theo lịch âm, đúng như tín ngưỡng thờ cúng trong phong tục của người Việt. Tuy nhiên, theo tục lệ của người xưa, “Gái lùi 2 trai lùi 1” nên khác với cách tính thông thường, lễ cúng Mụ sẽ không được làm vào ngày em bé tròn 1 tháng tuổi mà được chọn tùy vào giới tính của đứa trẻ. Hiểu 1 cách đơn giản, lễ cúng đầy tháng cho bé trai được làm sớm hơn 1 ngày và đầy tháng bé gái thì làm trước 2 ngày.
Cũng theo quan niệm tâm linh “Năm tốt không bằng tháng tốt, tháng tốt lại không bằng ngày tốt, ngày tốt thì không bằng giờ tốt” nên nhiều gia đình cũng rất chú trọng giờ cúng đầy tháng cho con trẻ. Nếu không quá cầu kì, giờ cúng tốt nhất có thể lựa chọn vào buổi sáng (7-11h) hoặc chiều mát (15 – 19h). Muốn kĩ càng hơn nữa, bố mẹ có thể lựa chọn giờ cúng đầy tháng theo tuổi của con để tránh xung khắc với cung mệnh.
- Tuổi Tý nên chọn giờ Ngọ
- Tuổi Sửu chọn giờ Tý
- Bé sinh tuổi Dần nên chọn giờ Sửu và giờ Mùi
- Tuổi Mão chọn giờ Thìn và giờ Tuất
- Tuổi Thìn chọn giờ Hợi
- Cúng đầy tháng cho bé tuổi Tỵ chọn giờ Dậu
- Tuổi Ngọ chọn giờ Thân
- Tuổi Mùi chọn giờ Tý
- Chọn giờ Mão cho trẻ tuổi Thân
- Tuổi Dậu chọn giờ Dần
- Tuổi Tuất chọn giờ Hợi
- Chọn giờ Tỵ khi bé sinh tuổi Hợi.
Lễ vật cúng đầy tháng bé trai miền Trung
Vì lễ cúng Mụ dựa theo những quan niệm của thế hệ trước nên 1 mâm cúng đầy tháng bé trai miền Trung cần được chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ đúng theo phong tục Việt.
Lễ vật cúng 12 bà Mụ
Tương truyền rằng, từ lúc người mẹ thai ngén đến ngày “khai hoa nở nhụy”, 12 bà mụ mỗi người sẽ làm một công việc riêng. Vì vậy lễ vật cần chuẩn bị cũng phải đầy đủ cho các Mụ bà, gồm:
- 12 bát chè nhỏ
- 12 đĩa xôi nhỏ
- Chuẩn bị 12 bát cháo nhỏ
- 12 đĩa bánh hỏi
- 12 đĩa bánh kẹo dành cho trẻ con
- Thịt lợn quay: 12 đĩa
- Bộ tam sên (thịt, trứng, tôm hoặc cua)
- Rượu hoặc nước: 12 ly
- Nhang, hương, đèn, trà
- Trầu têm cánh phượng
- 12 bộ váy áo, 12 đôi hài xanh
- 12 nén vàng xanh
- Hoa tươi (nên chọn hoa cát tường, đồng tiền hoặc hoa ly)
- Muối và 1 bộ đồ hình thế bằng giấy theo giới tính, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của bé. Sau khi nghi lễ cúng đầy tháng kết thúc sẽ đốt đi để giải hạn cho bé.
Đối với phong tục miền Trung, các lễ vật này đều phải chuẩn bị thêm 1 phần lớn hơn để dành riêng 1 mâm cúng đầy tháng cho bà Chúa đồng thời không thể thiếu 1 đôi đũa hoa vì theo quan niệm dân gian, bà Chúa chỉ thích dùng đũa này.
Khác với 2 miền Bắc, Nam, xôi, chè cúng đầy tháng bé trai miền Trung hay bé gái đều nấu bằng chè và xôi đậu xanh hoặc dùng xôi gấc. Những gia đình có điều kiện có thể thêm vào mâm cúng đầy tháng bộ tam sên nhưng lễ vật đều để sống chứ không luộc chín. Tùy theo quan niệm từng địa phương mà số lượng tam sên có thể chọn theo vía con trai là 7 món mỗi loại hoặc cúng mỗi loại 12 phần.
Mâm cúng Đức Ông
Lễ vật dùng để cúng Đức Ông gồm thánh sư, tiên sư, tổ sư là những người truyền dạy nghề nghiệp cho trẻ sẽ bao gồm:
- 1 con gà luộc cánh tiên
- 1 bát cháo lớn
- 3 đĩa xôi lớn
- 1 bát chè lớn
- 1 miếng thịt quay.
- Hoa quả, gồm đủ 5 loại quả bày trên 1 đĩa, theo quan niệm ngũ quả cuả ông bà xưa
- Trầu têm cánh phượng
- Rượu trắng hoặc trà
- Nhang, đèn, gạo, muối, vàng mã
Bên cạnh những lễ vật trên, các gia đình cũng nhớ chuẩn bị mâm cúng đầy đủ cho ban thờ Gia tiên, ban thờ Phật và ban thờ Thổ Thần Thổ Địa (nếu có). Mỗi mâm thường cần có:
- 1 đĩa trái cây ngũ quả
- 1 bát chè
- 1 đĩa xôi
- 3 ly nước
- Hương, hoa
- 1 bộ tam sên gồm thịt, trứng, tôm hoặc cua (tôm, cua phải còn nguyên vẹn, chỉn chu)
Riêng ở phần lễ mặn, nếu miền Bắc chỉ cúng bằng gà trống luộc, miền Nam có thể cúng cả gà luộc hay vịt quay thì trong mâm cúng đầy tháng của miền Trung sẽ chọn cúng gà luộc nhưng không phân biệt gà trống hay gà mái. Bên cạnh đó, người miền Trung thường hay chọn những đồ chay tịnh để cúng cáo nên lễ đầy tháng thường đơn giản, nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ, bày vẽ.
Cách sắp đặt mâm cúng đầy tháng
Theo cách sắp xếp mâm cúng đầy tháng miền Trung thì các món lễ sẽ được gia đình bày trên 2 bàn, 1 bàn nhỏ và 1 bàn lớn.
- Bàn nhỏ được đặt ở phía trước, thấp hơn để sắp xếp các lễ vật cúng Đức Ông
- Bàn lớn ở phía sau, cao hơn để xếp các món lễ vật cúng 12 bà Mụ và Bà Chúa
2 chiếc bàn này được đặt cách nhau 10 cm. Các món lễ vật cúng được bày xếp trên bàn tùy ý sao cho hợp lý nhất. Thông thường, mọi người thường xếp các đĩa xôi, chén chè và chén cháo dọc 2 bên bàn theo 2 hàng cân xứng, còn gà được đặt ở giữa mâm.
Ngoài ra, trong cách bày mâm đồ cúng đầy tháng còn quy định về việc đặt mâm cúng và đặt bình hoa. Theo đó thì mâm cúng sẽ được đặt ở phía Tây còn ở phía Đông là hướng để đặt bình hoa theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả – hoa Đông quả Tây”. Lưu ý, bình hoa và mâm lễ cũng nên được sắp xếp 1 cách cân xứng, hài hòa trong không gian cúng.
Nghi lễ cúng đầy tháng bé trai miền Trung
Theo phong tục, người miền Trung thường rất chú trọng tới các nghi thức nhỏ trong lễ cúng đầy tháng. Ngoài nghi thức cúng cáo, tạ ơn, mỗi gia đình sẽ phải thực hiện 2 nghi thức bắt buộc khác là nghi thức khai hoa và nghi thức xin keo. Cho đến bây giờ, các nghi lễ này vẫn được thực hiện đầy đủ, trang trọng, thành kính mà không hề có sự tối giản nào. Điều này càng cho thấy những nét đẹp văn hóa trong phong tục cúng đầy tháng của người miền Trung.
Cách khấn cúng đầy tháng
Sau khi các lễ vật đã được sắp xếp cẩn thận, chỉn chu, ông bà hoặc bố mẹ sẽ là người làm lễ cho bé. Chủ lễ nên là những người lớn tuổi nhất trong gia đình, ăn vận chỉnh tề, đứng trước bàn thờ hoặc mâm cúng thắp 3 nén nhang rồi bế bé ra đứng phía trước mâm lễ và bắt đầu khấn vái theo bài cúng đầy tháng, cầu cho các vị ơn trên nhận được tấm lòng thành và sự đáp lễ này.
Tuỳ mỗi địa phương, bài khấn cúng bà Mụ có thể khác nhau đôi chút miễn sao dễ dàng cho việc ghi nhớ. Chủ lễ thường bắt đầu bằng việc kính cẩn xưng danh các bà Mụ, Thần Phật, ngày tháng cúng, tên của cả 2 vợ chồng và tên đứa con. Ngoài ra còn có nơi ở của gia đình, lý do tổ chức lễ cúng…
Trong suốt quá trình làm lễ, không chỉ chủ lễ mà cả gia đình có con nhỏ đầy tháng phải thực sự thành kính, thiện tâm, trong sáng, không có các chấp niệm xấu xa. Cha mẹ và người thân trong gia đình cần bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bà Mụ, bà Chúa và Đức Ông đã mang trẻ tới nhà. Đồng thời, thông qua lễ cúng đầy tháng, mọi người trong gia đình có thể tập trung cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất đến với trẻ.
Nghi thức khai hoa
Sau nghi thức cúng đầy tháng là nghi thức khai hoa hay còn gọi là “bắt miếng”. Em bé sẽ được đặt ngay ở giữa bàn, chủ lễ rót trà, thắp hương và xin phép khai hoa. Sau đó, người cúng bế bé trên tay và cầm một nhánh hoa (thường là hoa điệp) vừa quơ qua, quơ lại quanh miệng bé vừa đọc những lời cầu chúc mang ý nghĩa tốt đẹp:
“Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”
Nghi thức xin keo
Sau lễ khai hoa, chủ lễ sẽ làm đến nghi thức xin keo – đặt tên cho bé. Người cúng sẽ khấn với tổ tiên 1 tên họ đầy đủ của bé mà cha mẹ và gia đình đã chọn sẵn. Sau đó gieo 2 đồng tiền cổ bằng bạc vào 1 chiếc đĩa sâu lòng. Nếu 1 úp, 1 ngửa nghĩa là cái tên định đặt cho con đã được tổ tiên chấp nhận. Nếu 2 mặt đều úp hoặc ngửa thì phải làm lại và tuân thủ quy tắc quá tam ba bận. Sau ba lần gieo quẻ mà không được thì chọn tên khác cho con.
Cuối cùng gần hết một cây hương, gia chủ rót trà, khấn vái cảm tạ ơn trên, mang vàng mã đi đốt, vẩy rượu, vãi gạo muối xung quanh nhà. Sau khi kết thúc lễ cúng Mụ cho con, cả gia đình, nội ngoại, anh chị em và bạn bè cùng thụ lộc, trao quà mừng đầy tháng cũng như chúc cho bé mọi điều tốt lành.
Tạm kết
Cách cúng đầy tháng bé trai miền Trung tuy không quá phức tạp nhưng có đôi chút khác biệt so với những vùng miền trong cả nước. Vì vậy các gia đình nên chuẩn bị mọi thứ thật đầy đủ, kỹ càng và theo đúng phong tục. Việc tiếp nối và duy trì những nghi lễ này không chỉ thể hiện những hi vọng, ước mong tốt đẹp của thế hệ đi trước dành cho con cháu mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam. Chúc các bé ra tháng ăn giỏi, ngủ ngoan, vui cười và bình an, khỏe mạnh!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!