Trẻ đòi bế nhiều có thể là cách trẻ muốn bày tỏ mong muốn của con. Bố mẹ cần quan sát và tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời đáp ứng cho con.
- Con hay đòi bế hay vì con quá cần hơi ấm từ mẹ?
- Bế bé mang lại cho con nhiều lợi ích
- Bế bé ở mức độ nào thì được xem là phù hợp?
- Cách giảm tình trạng trẻ đòi bế nhiều, giúp con tự chơi ngoan hơn
Con hay đòi bế hay vì con quá cần hơi ấm từ mẹ?
Rất nhiều mẹ lên các diễn đàn nuôi con than thở trẻ đòi bế phải làm sao. Sao từ hồi sinh con đến giờ, trẻ đòi bế nhiều. Nếu đặt xuống cho tự chơi là con lại khóc váng lên. Nhưng nếu tình trạng này cứ diễn tiếp thì các mẹ sẽ cảm thấy đuối sức. Nhưng trước tiên mẹ cần hiểu bản chất của vấn đề bé sơ sinh thích được bế ẵm, ôm ấp.
Trong bụng mẹ, bé được bao bọc bởi dung dịch nước ối, không gian nhỏ hẹp cho bé tha hồ đạp mẹ. Dù mẹ làm gì, sáng hay đêm thì bé vẫn được an toàn với bọc nước ối này trong suốt 9 tháng dài.
- Bé sơ sinh thích được bế ẵm, ôm ấp. (Nguồn ảnh: pexels.com)
Bế bé mang lại cho con nhiều lợi ích
Khi còn nhỏ, trẻ chưa có khả năng nói chuyện hay thể hiện được mình đang gặp vấn đề. Việc con hay khóc đòi bế là hành động duy nhất bé có thể làm để ra hiệu cho mẹ là bé đang cần giúp đỡ. Hầu hết các trẻ đều thích được âu yếm, vỗ về khi bé quấy khóc. Những em bé hay rời xa cha mẹ còn quấy khóc nhiều hơn khi được gặp lại. Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ chấm dứt khi bé được 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi.
Hành động bế tưởng chừng như đơn giản lại là một cách để bốmẹ biểu lộ tình yêu thương tới trẻ. Nhờ đó mà trẻ có được những cảm xúc tích cực cũng như lớn lên trở thành người có lòng nhân ái, biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người khác.
Với các bé sơ sinh, đặc biệt là 3 tháng đầu đời của con, việc mẹ bế bé áp sát lại gần cơ thể, để bé nghe được tiếng tim mẹ đập có thể giúp xoa dịu và trấn tĩnh bé từ các cơn quấy khóc khó chịu.
- Những lần bố mẹ bế bé có thể xem như cách để bé nạp “năng lượng tinh thần” cho chính bản thân. (Nguồn ảnh: pexels.com)
Bế bé ở mức độ nào thì được xem là phù hợp?
Trẻ sơ sinh khóc nhiều đòi bế? Thông thường, các bé sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi sẽ biểu đạt nhu cầu của mình chủ yếu thông qua tiếng khóc. Tuy vậy, khóc như thế nào và tiếng khóc đấy có ý nghĩa gì lại là điều mà nhiều mẹ chưa để ý và tìm hiểu kĩ.
Phần lớn các mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi con cứ thấy trẻ khóc là chạy vội đến bế con lên. Trong khi đó các chuyên gia trẻ em khuyên mẹ nên thực hiện những điều sau:
- Vừa đến gần bé vừa nói nhẹ nhàng để trấn an khi bé quấy khóc đòi bế. Ví dụ: “Cu con của mẹ đang khóc à? Bình tĩnh nhé. Để mẹ kiểm tra xem nào”.
- Tiếp xúc với tay, chân bé và thực hiện kiểm tra xem bé đói hay ị hay trên người bé có gì bất thường không. Từ đó đáp ứng theo nhu cầu của bé.
Hai bước này sẽ giúp bé biết chờ đợi và không hình thành phản xạ cứ khóc là được bế. Sau khi bé đã được giải quyết các nhu cầu ăn, ị căn bản mà bé vẫn khóc thì lúc đó mẹ có thể bế bé như một cách trấn an cho bé.
Cách giảm tình trạng trẻ đòi bế nhiều, giúp con tự chơi ngoan hơn
Làm gì khi trẻ đòi bế? Con hay đòi bế sẽ trở nên khó khăn hơn với mẹ nếu tần suất đó quá thường xuyên và mẹ không thể làm được việc gì khác. Do đó, nếu mẹ tập cho bé thói quen tự chơi càng sớm mẹ sẽ càng được nhàn và cũng luyện cho bé tính tự lập cần thiết.
Điều cần thiết để giảm thiểu tình trạng con hay đòi bế và giúp con tự chơi ngoan hơn là:
- Dừng lại để hiểu xem con đang khóc vì điều gì trước khi vội vàng bế con.
- Đừng vội bế bé ngay khi bé thức dậy. Nếu bé không khóc hãy để bé tự khám phá nơi ngủ của mình.
- Rèn cho con một thói quen sinh hoạt cố định, tập cho bé tự chơi từ ít đến nhiều. Ban đầu có thể là 5-10 phút rồi dần dần kéo dài ra.
Tập cho trẻ sơ sinh chơi tự lập
- Rèn cho con một thói quen sinh hoạt cố định, tập cho bé tự chơi từ ít đến nhiều (Nguồn ảnh: pexels.com)
Từ 0-3 tháng: Hãy chọn thời gian chơi tự lập trong ngày cho bé, thường là sau khi bé ngủ dậy, được cho ăn no và được ợ hơi kỹ, mẹ tập cho con chơi tự lập với khoảng thời gian:
- 5-10 phút cho bé 0-1 tháng tuổi
- 10-15 phút cho bé 1-2 tháng tuổi
- 15-30 phút cho bé 3 tháng tuổi.
Con có thể nằm ngắm đồ chơi treo cũi, chơi tự lập trên đệm với các trò chơi như ngắm mình trong gương, nhìn các thẻ màu, xem tranh con vật hoặc thú bông .
Từ 3-6 tháng: Bé đã có thể lật lẫy thành thạo, trườn và bắt đầu tập ngồi, tập bò. Con cũng thức được dài hơn giữa các giấc ngủ ngày nên có thể tự chơi được lâu hơn. Thời gian chơi tự lập ở tuổi này có thể kéo dài từ 20-40 phút trong mỗi chu kỳ thức, ngủ.
Dạy bé tự ngủ không cần bế ru
6-8 tuần tuổi là thời điểm mẹ có thể dạy bé tự ngủ.
Mẹ nên đặt bé vào nôi hay giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Mẹ hãy chọn một hay một vài “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc êm dịu, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu… Bạn có thể bế bé trên tay và đặt xuống khi con đã thiu thiu ngủ chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống. Nếu không bé sẽ hình thành thói quen mè nheo, phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.
Với bé sơ sinh, mọi thứ luôn đòi hỏi mẹ cần kiên nhẫn để tập cho bé. Nếu con hay đòi bế, mẹ cần lựa theo tháng tuổi cũng như đặc điểm phát triển của con để chọn cách xử lý phù hợp nhất.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!