Rèn luyện tính kiên nhẫn, giúp con biết chờ đợi, không gào khóc khi mọi thứ không theo ý mình là không hề đơn giản. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Cha mẹ sinh con, trời sinh tính?
- Sai lầm của cha mẹ khi con mè nheo
- Dưới đây là 5 cách có thể giúp cha mẹ rèn cho con biết kiên nhẫn, chờ đợi
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính?
Làm cha mẹ, chắc hẳn ai cũng từng nghe đến câu “Nuôi con thế nào thì con sẽ trở thành người như thế”. Tính cách khi con chào đời, cha mẹ không thể là người quyết định. Nhưng nuôi dưỡng và để con nên người, có được những đức tính tốt đẹp là điều mọi ông bố bà mẹ hoàn toàn có thể thực hiện ngay khi bé còn nhỏ.
Tuy vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần hiểu được sự phát triển về hành vi, tâm lý của con qua từng giai đoạn trước khi dạy bé kiên nhẫn. Chẳng hạn khi qua 1 tuổi, bé thường bắt đầu hình thành cái tôi, con có chính kiến của mình nên dễ ăn vạ khi không được như ý, đồng thời bé chưa thể tự mình kiểm soát cảm xúc và nhu cầu của mình.
Bạn có thể chưa biết:
Bé 3 tuổi ăn vạ – 4 cách này sẽ giúp cha mẹ hết đau đầu vì các cơn gào khóc của con
Do đó để rèn luyện tính kiên nhẫn cho con, cha mẹ cần giúp con giải quyết nhu cầu đó đồng thời vẫn phải dạy con tự chờ đợi bằng các cách đơn giản như:
– Hãy nhắc con bình tĩnh và cho con biết nhu cầu của con là gì.
– Không vội dỗ dành mà dùng lời nói nhẹ nhàng để động viên con.
– Đáp ứng nhu cầu của bé sau khi con đã biết chờ đợi từ 1-2 phút.
– Tập cho bé các bước này từ khi chào đời, bé sẽ hiểu được rằng, hãy chờ đợi và con sẽ được đáp ứng nhu cầu của mình.
Các chuyên gia nuôi dạy trẻ cho rằng, phần lớn bé không kiên nhẫn, động một tí là la hét, dằn dỗi, ăn vạ thường do các nguyên nhân sau:
– Cha mẹ không tập cho con biết chờ đợi từ nhỏ.
– Sợ con quấy khóc, không chịu được tiếng khóc của con
– Cha mẹ lo con khổ sở, thiếu thốn.
– Không có thời gian để chờ đợi, dạy con học cách kiên nhẫn
– Thiếu tính quyết đoán với tính cách tiêu cực của con ngay từ khi còn bé.
Sai lầm của cha mẹ khi con mè nheo
Phản ứng thường gặp của các phụ huynh trước cơn mè nheo của con nhỏ là mắng và chỉ ra lỗi lầm của con. Đó không phải là một giải pháp hay. Theo nhà trị liệu về gia đình và hôn nhân Carrie Krawiec từ phòng khám Birmingham Maple, Michigan (Mỹ), nếu bố mẹ hành động như vậy thì sẽ vô tình khuyến khích những hành xử xấu của trẻ. Bà cho rằng khi đang giải thích về lỗi sai của con, bố mẹ cũng chính là đang trò chuyện trực tiếp, mắt đối mắt và tập trung vào con. Đây là lúc bố mẹ nên tận dụng để trò chuyện với con về những cách cư xử đúng, dạy cho con những điều tốt bởi nếu chỉ nói về những điều sai sẽ chỉ thúc đẩy trẻ tiếp tục mè nheo mà thôi.
Thay vì tập trung vào việc trẻ đã làm sai điều gì, bố mẹ nên để ý hơn gấp 5 lần đến những gì con đã làm đúng.
Dưới đây là 5 cách có thể giúp cha mẹ rèn cho con biết kiên nhẫn, chờ đợi
1. Hãy để con tự mình thử sức trước mọi việc
Hầu hết cha mẹ nào cũng từng mắc lỗi này. Khi thấy trẻ đang làm một điều gì đó, ngay lập tức cha mẹ sẽ cho rằng việc đó là quá sức đối với con. Kết quả là “việc lo lắng cho con hơn mức bình thường” đã khiến cha mẹ lao ngay đến giúp con hoặc làm thay cho con. Điều này dẫn đến một hệ quả là, khi con gặp việc gì khó khăn hay không có cha mẹ ở bên, con trở nên mất bình tĩnh và nóng nảy. Do đó, cha mẹ hãy thử chậm lại một chút. Chờ con hoàn thành công việc hoặc chỉ cho con cách làm việc đó. Hãy để con tự cố gắng hết sức mình. Khi thành công con sẽ có cảm xúc tích cực và từ đó dần dần hình thành tính kiên nhẫn trong con.
2. Đôi khi hãy để con không được đáp ứng thứ con muốn để rèn luyện tính kiên nhẫn
Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp nhất dành cho con cái. Khi con muốn điều gì, không cha mẹ nào lại ngần ngại trao hay mua cho con thứ đó. Về lâu về dần điều này có thể phản tác dụng và hình thành tính cách xấu trong con. Vì vậy, thay vì đáp ứng mọi thứ, hãy giải thích cho con nghe nếu đó là đòi hỏi vô lý. Với trẻ nhỏ, đánh lạc hướng và thu hút bé bởi những điều hấp dẫn ở môi trường xung quanh sẽ giúp bé quên đi điều bé đang muốn.
Lớn hơn một chút, cha mẹ có thể trao đổi với con để đề ra khoảng thời gian và cách thức hợp lý đáp ứng điều bé muốn. Chẳng hạn con muốn mua đồ chơi. Hãy thử nói với bé về việc làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ để tích điểm. Mỗi lần con làm được việc tốt, hãy cho bé 1 ngôi sao, miếng dán, … Khi nào bé đủ 10, 20, 30, … điểm bé sẽ được thứ đồ chơi đó. Cách này vừa giúp con biết được nếu con làm việc chăm chỉ con sẽ được thưởng xứng đáng với nỗ lực của con, đồng thời con cũng biết kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi có được thứ mình muốn. Đây là cách rèn tính kiên nhẫn hiệu quả.
Bạn có thể chưa biết:
Nuôi dạy con kiểu Pháp giúp Mẹ không còn gào thét với con nữa
3. Hãy chậm lại nếu con khóc lóc, ăn vạ vì thứ gì đó
Trên thực tế, điều này hoàn toàn có thể tập được ngay từ khi bé chào đời. Khi con thức dậy khóc tìm mẹ, con đói sữa, … việc đầu tiên là hãy lên tiếng nói với con về sự việc đang xảy ra rồi hãy từ từ đến bên con. Chính từ thói quen nhỏ nhặt này mà khi lớn lên con sẽ có tính kiên nhẫn rất tốt.
Lớn lên một chút, nếu bé ăn vạ, hãy giúp bé bình tĩnh và cân bằng lại cảm xúc (ôm con, nắm tay con, cho con ngồi một góc yên tĩnh, …). Sau đó mới hỏi con về nhu cầu và mong muốn của trẻ. Từ đó giải thích và cho con tự đưa ra cách giải quyết hợp lý dưới sự gợi ý của cha mẹ.
4. Tìm hiểu tính cách con để cắt nguồn những cơn ăn vạ không cần thiết
Bé sẽ đòi mua kẹo bằng được khi đi siêu thị cùng mẹ? Con nhất quyết muốn ăn sữa chua ngay trước gì ăn cơm? v.v. Những tình huống như thế này cha mẹ hoàn toàn có thể tránh được các cơn ăn vạ khủng khiếp của trẻ nếu hiểu được tính cách và thói quen của con. Cha mẹ không cần thiết phải nói “không” với bé. Điều này sẽ càng dễ kích động cảm xúc trong con. Có thể xử lý bằng các cách khác như:
- Thay vì đưa con đi mua sắm cùng hãy thử đi một mình.
- Thay vì từ chối con điều đó hãy nói với con rằng con có thể làm sau khi thực hiện điều này. Ví dụ nếu con muốn ăn sữa chua, con được phép cầm nó lên bàn ăn. Sau khi con ăn cơm xong con hoàn toàn có thể ăn nó. v.v.
Đây là cách thức để trì hoãn hoặc giảm thiểu các tình huống ăn vạ hữu ích và rèn luyện tính kiên nhẫn cho con.
5. Nếp sống, thói quen sinh hoạt cố định và tính kỉ luật tốt sẽ giúp con biết kiên nhẫn trong mọi tình huống
Đặc điểm của trẻ là con sẽ cảm thấy an toàn và không đòi hỏi nếu con biết trước điều gì sắp xảy ra với con. Do đó, việc duy trì nếp sinh hoạt theo những giờ giấc cố định cũng như sự thiết lập kỉ luật nghiêm túc cho con ngay từ nhỏ sẽ tránh được những cơn ăn vạ không cần thiết. Chẳng hạn như con chỉ được uống sữa nếu đã ăn cơm xong, con sẽ được mua đồ chơi nếu con đã tích đủ điểm, con được phép xem phim hoạt hình 15 phút mỗi ngày vào buổi chiều sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, … Chỉ cần giữ vững được các quy tắc rõ ràng trong sinh hoạt của gia đình thì bé hoàn toàn có thể nhận thức được rằng các cơn ăn vạ, dằn dỗi là vô ích.
Xem thêm
- Trẻ ăn vạ: Tuyệt chiêu xử lý dành cho cha mẹ trong những tình huống oái ăm
- TRÍ TUỆ CẢM XÚC EQ- làm sao để phát triển cho con?
- XỬ LÝ ĂN VẠ CỦA CON – Bốn tuyệt chiêu sẽ giúp bố mẹ xử lý triệt để các cơn ăn vạ và hình thành quy tắc