Có nên cho trẻ sơ sinh uống thêm sữa ngoài không? Theo các chuyên gia nhi khoa, mẹ chỉ nên cho bé ăn sữa ngoài trong những trường hợp bất khả kháng như dưới đây.
Có phải mẹ đang băn khoăn có nên cho trẻ sơ sinh uống thêm sữa ngoài?
Vì một vài lý do nào đó, có rất nhiều các bà mẹ luôn cảm thấy lo sợ về việc không đủ sữa cho con bú. Lúc này giải pháp sữa ngoài tưởng chừng như tiện lợi và dễ dàng hơn thường trở thành lựa chọn ưu tiên.
Tuy nhiên, tâm lý là một người mẹ, hẳn bạn vẫn muốn được nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong năm đầu đời, đặc biệt là 6 tháng đầu tiên.
Lý do chính là vì sữa mẹ chứa tất cả các dưỡng chất như chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất, và các yếu tố vi lượng mà con bạn cần để phát triển khỏe mạnh, với lượng cần thiết cho nhu cầu của từng độ tuổi của bé.
Cũng như việc cho con bú thể hiện tình cảm thiêng liêng, gắn kết giữa mẹ và bé.
Khi nào thì nên cho trẻ sơ sinh uống thêm sữa ngoài?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu có thể trẻ vẫn nên được bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
Trừ các trường hợp bất khả kháng như dưới đây thì mẹ mới nên cho trẻ ăn sữa công thức:
Mẹ bị bệnh nặng
Người mẹ ốm đau nặng không thể hoặc rất khó cho con bú; nhiễm HIV; đang dùng các thuốc như iốt phóng xạ, an thần mạnh, một số thuốc kháng thyroid, các thuốc gây nhiều tác dụng phụ…
Nếu mẹ bị herpes ở vú thì nên ngừng cho bú tạm thời cho đến khi khỏi. Nếu bị các nhiễm trùng khác như viêm ápxe vú, viêm gan B (người lành mang virus) thì vẫn có thể cho bú.
Có nên cho trẻ sơ sinh uống thêm sữa ngoài – “Nên” với trường hợp trẻ bị bệnh đang cần điều trị
Trẻ bệnh nặng đang trong giai đoạn điều trị tích cực (có thể dùng dung dịch nuôi dưỡng riêng cùng với sữa mẹ vắt ra), suy dinh dưỡng và mất nước nặng (cần một chế độ dinh dưỡng khẩn cấp, phù hợp).
Cơ thể người mẹ không thể sản xuất đủ sữa cho con
Trong một vài trường hợp, nếu cơ thể mẹ không đủ sữa cho con bú cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ.
Mẹ cần theo dõi các dấu hiệu sau để biết trẻ có phải đang bị thiếu sữa mẹ hay không:
- Trẻ bú quá nhanh (dưới 10 phút) hoặc quá lâu (trên 40-45 phút).
- Con chậm tăng cân. Đây là dấu hiệu bé bú không đủ sữa rõ ràng và chính xác nhất.
- Trẻ tè, ị ít. Hầu hết các bác sĩ đều khuyên các cha mẹ nên đếm số rã ướt, tã bẩn mỗi ngày, đó là dấu hiệu bé bú không đủ sữa đơn giản nhất.
- Không có cảm giác “châm kim” khi bé bú xong
- Lượng sữa ngày càng giảm đi
Với tất cả các trường hợp trên, mẹ nên lựa chọn cho con ăn sữa ngoài để đảm bảo con phát triển đúng tốc độ cần thiết.
Cách tập cho bé làm quen với sữa công thức
Để bé làm quen và ‘kết thân’ với sữa công thức không phải là chuyện ngày một ngày hai. Đặc biệt với những bé đang mê mẩn bầu sữa mẹ thì còn khó khăn hơn nhiều.
Một số mẹo dưới đây sẽ giúp ích cho mẹ trong việc giúp con làm quen với sữa ngoài dễ dàng hơn.
Chọn núm vú gần giống với mẹ nhất
Các bé đã quen với việc bú mẹ sẽ nhạy cảm với loại bình bú và núm vú cao su. Có rất nhiều loại núm vú và bình bú trên thị trường hiện nay.
Do vậy, nếu bé không thích dùng loại mẹ đang cho bé sử dụng, hãy chuyển qua loại bình bú và núm vú khác.
Việc chọn loại bình bú và núm vú phù hợp với bé rất quan trọng vì nó giúp bé làm quen với sữa công thức dễ dàng hơn.
Tập bú bình vào giờ cố định
Khi bé chưa thực sự quen với việc bú bình, mẹ nên tập cho bé bú vào một thời gian nhất định trong ngày. Nếu bé “dễ chịu” có thể cho bé bú bình vào lúc bé đang đói.
Trong trường hợp bé không chịu bú khi thức – kể cả lúc đang đói, mẹ nên tập cho bé bú lúc bé lơ mơ ngủ (ngủ chưa say), lúc này phản xạ mút, bú của bé sẽ lên cao nên bé dễ chấp nhận núm “ti” hơn.
Nếu khi ngủ mà bé vẫn không chịu bú bình, mẹ nên sờ nhẹ vào vành tai bé, bé sẽ hơi tỉnh (đừng để bé thức giấc), theo quán tính mút “ti” mẹ mà bé chịu bú bình. Nếu kiên trì bạn sẽ thành công.
Ngoài các cách trên, mẹ cũng nên lưu ý chọn loại sữa sao cho có hương vị mà con thích và cảm thấy quen thuộc. Khi đó việc tập bú thêm sữa ngoài sẽ không còn quá khó khăn với cả mẹ và bé nữa.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!