Chụp ảnh em bé sơ sinh thế nào để lưu lại những khoảnh khắc thiên thần của bé? Em bé của bạn sẽ thay đổi rất nhanh trong năm đầu tiên và những bức ảnh là công cụ tuyệt vời để lưu giữ kỷ niệm của cả gia đình khi có thêm thành viên mới. Hãy cùng tham khảo một số bí kíp chụp ảnh và kinh nghiệm chụp ảnh cho em bé sơ sinh ba mẹ nhé.
Bí kíp chụp ảnh từ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp
- Chọn thời điểm chụp sau khi bé ăn, lúc này bé sẽ bớt nhõng nhẽo
- Mặc cho bé những bộ đồ đơn giản và thoải mái hoặc chỉ cần mặc mình bỉm/quấn 1 chiếc tã mỏng để thấy được làn da mềm mại của bé
- Đảm bảo nhiệt độ phòng chụp ở mức lý tưởng cho bé, lưu ý lựa chọn quần áo phù hợp với nhiệt độ. Nếu bé chỉ mặc bỉm/quấn tã thì mẹ nên điều chỉnh mức nhiệt ấm hơn bình thường
- Hãy chuẩn bị đầy đủ phông nền đạo cụ trước khi bắt tay vào chụp. Đừng để bé phải đợi lâu vì mọi thứ còn chưa sẵn sàng, bé sẽ dễ quấy khóc
- Căn chỉnh khoảng cách chụp sao cho bé chiếm gần trọn khung ảnh; đừng tạo quá nhiều khoảng trống trong bức hình
- Đừng phức tạp hóa phông nền mà hãy đơn giản nhất để em bé nổi bật hơn. Mẹ có thể chọn bãi cỏ, chiếc ga giường trắng hoặc thảm một màu để làm phông nền. Đặt bé nằm hoặc ngồi lên một chiếc ghế cũng là 1 gợi ý không tồi.
- Sử dụng gương để phản chiếu ánh sáng mặt trời nếu phòng chụp hơi tối và ý tưởng của bức ảnh là em bé được chiếu sáng bởi một tia nắng chiếu qua cửa sổ
- Bật chế độ chụp liên tục. Để chọn được một bức ảnh ưng ý, ba mẹ có thể phải lựa chọn từ hàng tá ảnh chụp liền nhau.
- Kết hợp đồ chơi làm đạo cụ cũng có thể làm bé thích thú và dễ hợp tác
- Hãy truyền tải nội dung như một câu chuyện bằng cách sắp xếp ảnh thành một chuỗi sinh động.
Những câu hỏi thường gặp khi chụp ảnh em bé sơ sinh
Làm thế nào để có bức hình đẹp ngay sau khi sinh?
Khi vừa mới sinh, thông thường mọi người hay chụp cận cảnh khuôn mặt nhỏ nhắn dễ thương của bé hoặc một bức ảnh 2 mẹ con mặc dù đã mệt mỏi nhưng vẫn hiện lên nét hạnh phúc ngập tràn.
Đó thật sự là những khoảnh khắc đáng nhớ, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể chụp những tấm hình đẹp hơn trong vài ngày tiếp theo khi người mẹ đã cảm thấy khỏe khoắn hơn và có sự chuẩn bị nhất định về trang phục hay góc chụp.
Cả nhà cũng có thể chụp ảnh khi em bé được bác sỹ thăm khám, bé nằm trong nôi khi bắt đầu từ bệnh viện về nhà hoặc chụp cận cảnh cơ thể bé nhỏ, đáng yêu của bé. Sau này khi xem lại những bức hình đó, hẳn là cả bé và bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về những thay đổi theo thời gian của thiên thần nhỏ.
Một mô típ chụp ảnh khác cũng gây ấn tượng không kém là ảnh chụp bàn chân em bé trên nền một tấm chăn hay bàn tay của bé nắm lấy ngón tay của cha mẹ.
Làm sao để chụp ảnh bé cười khi mà cứ mỗi lúc chuẩn bị chụp ảnh con đều khóc nhè?
Đây là một câu hỏi muôn thuở! Rõ ràng nó phụ thuộc vào đứa trẻ. Cha mẹ hoặc anh chị em có thể thu hút sự chú ý, làm bé thích thú. Bạn cũng có thể đánh lạc hướng bé bằng cách treo một món đồ chơi bên cạnh ống kính máy ảnh.
Hãy nhớ rằng những khoảnh khắc này chỉ diễn ra trong vài giây và bạn nên tận dụng thời gian để chụp ảnh liên tục. Đừng quá kỳ vọng vào việc chỉ cần giơ máy lên là sẽ có 1 bức ảnh đẹp mà hãy chụp ảnh cho bé mỗi ngày, mỗi khi có thể. Trong vô vàn ảnh chụp thường nhật của bé, bạn sẽ chọn được những bức ảnh ưng ý nhất với những biểu cảm hồn nhiên ngây thơ của trẻ, bao gồm cả khi bé cười.
Bé bị ảnh hưởng bởi chế độ chụp flash trên máy ảnh, phải làm gì để khắc phục điều này?
Tốt nhất khi chụp bạn không nên sử dụng đèn flash trên máy ảnh vì nó có nhiều tác hại đối với trẻ. Thay vào đó, bạn nên dùng gương để phản chiếu ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ hay dùng rèm che để điều chỉnh độ sáng. Một gợi ý cho bạn là dùng cuộn film trong dải ISO 400 trở lên để ảnh có chất lượng tốt mà không cần quá nhiều ánh sáng.
Làm sao để tránh hiện tượng “mắt đỏ” khi chụp ảnh em bé sơ sinh?
Đừng để bé nhìn thẳng vào bạn khi bạn đang chụp ảnh cho bé. Bạn không nên chọn chế độ giảm mắt đỏ trên dòng máy P&S (máy ảnh tĩnh được thiết kế chủ yếu cho hoạt động đơn giản) vì khi phải lựa chọn, bạn sẽ mất thêm thời gian nhấn nút và có thể bỏ lỡ một khoảnh khắc hay biểu cảm tuyệt vời của bé. Thay vào đó có một loại bút đặc biệt có khả năng “tẩy mắt đỏ” sau khi rửa ảnh bạn hãy tìm hiểu nhé.
Làm thế nào để chụp ảnh bé chưa biết ngồi?
Với những em bé chưa biết ngồi, hãy để bé dựa vào ghế mềm, đệm hay ghế ô tô đã phủ một lớp vải lót. Khi chụp bạn có thể phải nằm hoặc quỳ xuống sao cho đúng tầm mắt của bé.
Cần chuẩn bị những gì để chụp ảnh cho sinh nhật đầu tiên của bé?
Chụp ảnh chân dung gia đình là một cách tuyệt vời để đánh dấu tuổi mới cho bé, nhờ đó bạn có thể thấy sự trưởng thành, phát triển của bé qua từng năm. Một ý tưởng không tồi là để bé chụp ảnh cạnh một cái cây nhất định để thấy rõ những thay đổi của bé theo thời gian.
Trẻ sơ sinh lớn lên từng ngày. Hãy lưu giữ những bước ngoặt quan trọng của bé bằng nhiều cách: chụp ảnh, quay video, ghi âm… Một ngày nào đó bạn sẽ phải thốt lên ngạc nhiên khi nhìn lại chặng đường phát triển của con và hành trình nuôi dạy con của mình.
Hy vọng bài viết trên đây đã phần nào gợi ý cho cha mẹ 1 số kinh nghiệm chụp ảnh em bé sơ sinh, tuy không thể so sánh với thợ ảnh và studio chuyên nghiệp nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng để có những bức ảnh ưng ý do chính tay mình chụp. Chúc ba mẹ thành công nhé.
Theo parents
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!