Chế độ thai sản 2021 cụ thể như thế nào? Các mốc hưởng chế độ thai sản quan trọng nào bạn cần lưu ý? Vợ sinh mổ thì chồng được nghỉ mấy ngày?
Chế độ thai sản 2021 được quy định như thế nào?
Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định:
- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH).
- Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
- Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng. Tuy nhiên, người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
- Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
Vợ sinh mổ thì chồng được nghỉ mấy ngày?
Theo khoản 2, Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, người chồng được nghỉ từ 5 đến 14 ngày làm việc.
Cụ thể:
- 5 ngày nếu sinh thường
- 7 ngày nếu sinh mổ, sinh dưới 32 tuần
- 10 ngày nếu sinh đôi; sinh ba trở lên thì cứ mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày;
- 14 ngày nếu sinh đôi trở lên mà mẹ phải mổ
Các mốc hưởng chế độ thai sản cần nhớ
Chế độ thai sản năm 2021 được nêu trong luật như ở phần trên tương đối rõ ràng. Mẹ bầu nên chia nhỏ các mốc hưởng chế độ thai sản để dễ nhớ hơn.
Trong thời gian mang thai
Thời gian nghỉ được tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Với mỗi ngày nghỉ, bạn sẽ được tính lương theo chế độ thai sản. Lương sẽ bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ theo chế độ thai sản. Tiền lương này sẽ do BHXH thanh toán.
Ở tháng thứ 7 của thai kỳ, bạn sẽ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Đồng thời, mẹ bầu sẽ được chuyển làm công việc nhẹ hơn. Hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
Trong thời gian sinh con
Trong thời gian nghỉ thai sản, mẹ sẽ được nhận trợ cấp. Số tiền nhận bằng 100% x 06 tiền lương đóng BHXH. Mức trợ cấp này được trả một lần, do BHXH thanh toán.
Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian. Thời gian nghỉ này bạn sẽ không được hưởng lương. Tuy nhiên, bạn phải thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Thời gian sau sinh con
Tiền trợ cấp một lần khi sinh con
Sau sinh con, bạn sẽ tiếp tục được trợ cấp một lần cho mỗi con. Mức trợ cấp bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Trường hợp mẹ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH, cha được trợ cấp một lần. Mức trợ cấp bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Thời gian dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
Ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản (sinh con, sẩy thai, nạo, hút thai…), trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe của chưa phục hồi, bạn có thể tiếp tục được nghỉ. Khoảng thời gian nghỉ này được quy định như sau:
- Nếu sinh một lần từ 02 con trở lên: tối đa 10 ngày;
- Sinh con phải phẫu thuật: tối đa 7 ngày;
- Đối với các trường hợp khác: tối đa 5 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Mỗi ngày nghỉ, bạn sẽ được hưởng 30% x mức lương cơ sở của ngày hôm đó.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nhớ được những điểm chính trong chế độ thai sản năm 2021. Bên cạnh đó, mỗi công ty đều có chính sách riêng cho người lao động của mình. Bạn nên liên hệ với bộ phận nhân sự công ty để kiểm tra các quy định, thời hạn. Bạn cũng đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng khác khi có kế hoạch mang thai nhé.
Xem thêm:
- Lịch khám thai chuẩn trong cả thai kỳ mẹ nhất định phải nắm rõ
- Nên mua bảo hiểm thai sản hay bảo hiểm y tế trước khi mang thai
- Có nên nghỉ thai sản sớm và các chế độ thai sản mẹ bầu cần nắm rõ
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!