Cháo chân giò cho bà đẻ được xem là món ngon giúp mẹ gọi sữa về hiệu quả. Thế nhưng cũng vì thế mà nhiều mẹ phải ăn chân giò thường xuyên nên dễ cảm thấy ngấy, khó ăn. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho bạn 5 công thức biến tấu khi nấu cháo với chân giò sao cho thơm ngon, bắt vị mà vẫn bổ dưỡng:
- Cách nấu cháo chân giò heo với đậu xanh
- Nấu cháo chân giò cùng hạt sen cho bà đẻ
- Cháo chân giò heo với nấm
- Công thức nấu cháo chân giò heo với cà rốt và khoai tây
- Móng giò hầm đu đủ xanh giúp lợi sữa
Công thức nấu cháo chân giò heo với đậu xanh
Những nguyên liệu cần chuẩn bị: 1 cái giò heo, 200 gram gạo tẻ, 100 gram đậu xanh, hành ngò, gia vị
Cách nấu cháo móng giò cho bà đẻ:
- Mang gạo đi vo sạch và ngâm với nước ấm trước để gạo nhanh nở hơn
- Đậu xanh bạn rửa sạch và ngâm khoảng 30 phút cho tách vỏ ra, sau đó bỏ đi phần vỏ. Hoặc bạn cũng có thể mua đậu xanh đã tách vỏ sẵn ở chợ/ siêu thị về ngâm.
- Chân giò heo bạn chặt thành từng khoanh vừa ăn, sau đó rửa sạch và cho vào nồi đun sôi để loại bỏ cặn bẩn.
- Cho vào nồi khoảng 2 lít nước để hầm giò cho mềm, bước này bạn nhớ canh vớt bọt để nước dùng trong hơn nhé!
- Sau khoảng nửa tiếng bạn cho thêm gạo cùng với đậu xanh vào nồi, khuấy đều.
- Tiếp tục nấu đến khi gạo và đậu đã nhừ thì nêm nếm gia vị thêm rồi tắt bếp.
Sau khi tắt bếp bạn chỉ cần múc cháo ra tô và cho thêm hành ngò, hạt tiêu xay nhuyễn vào. Cũng với công thức tương tự bạn có thể thay thế đậu xanh bằng đậu đen hoặc đậu đỏ đều rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Bạn có thể chưa biết:
Cháo chân giò cho bà đẻ hầm hạt sen
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món cháo móng giò hạt sen cho bà đẻ: 1 chân giò heo, 200 gram gạo tẻ, 200 gram hạt sen, hành ngò, gia vị.
Cách thực hiện như sau:
- Gạo tẻ mang vo sạch và ngâm với nước ấm để gạo nở.
- Với hạt sen khô bạn cũng ngâm ngập nước để hạt sen nở to và đều hơn. Nếu bạn mua được hạt sen tươi có thể bỏ qua bước này.
- Chân giò chặt thành từng khoanh vừa ăn và rửa sạch, đun sôi để loại bỏ cặn bẩn.
- Cho thêm khoảng 2 lít nước vào đun với giò, thêm hành tím đập dập vào hầm. Vớt bọt cho nước dùng trong hơn.
- Cho gạo và hạt sen vào nồi cho đến khi chín nhừ bạn có thể nêm nếm gia vị và tắt bếp.
- Sau khi cháo chín hãy múc cháo ra tô, thêm hành lá và hạt tiêu để thưởng thức.
Cách nấu cháo chân giò cho bà đẻ với nấm rơm
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 1 cái giò heo, 100 gram gạo tẻ, 200 gram nấm hương, hành ngò, gia vị.
Công thức thực hiện:
- Tương tự như các món ở trên, bạn hãy ngâm gạo tẻ với nước ấm trước để gạo nhanh mềm hơn nhé!
- Với chân giò bạn hãy chặt thành từng miếng vừa ăn sau đó rửa với muối
- Cắt phần chân của nấm rơm bỏ đi, sau đó làm sạch và ngâm với nước muối khoảng 15 phút. Sau đó vớt ra để ráo nước.
- Đun giò heo với khoảng 2 lít nước, cho thêm 1 ít muối và hành tím đập dập, khi nước sôi bạn hãy vớt bọt. Cho gạo vào đun với giò cho đến khi chín mềm.
- Bắt chảo lên bếp, phi thêm hành tỏi với dầu ăn và cho nấm rơm vào xào. Nêm nếm thêm gia vị và tắt bếp. Bước này sẽ giúp nấm thấm gia vị và có hương vị thơm ngon hơn so với việc bạn thả trực tiếp nấm vào nồi cháo.
- Cho nấm vừa xào vào nồi và đun thêm tí nữa để các nguyên liệu hòa quyện với nhau
- Nêm nếm lại và tắt bếp. Bạn múc cháo ra tô, cho thêm hành lá cắt nhỏ và bột tiêu vào để thưởng thức nhé!
Ngoài nấm rơm bạn cũng có thể biến tấu món ăn với những loại nấm khác mà bạn yêu thích như nấm hương, nấm bào ngư…
Bạn có thể chưa biết:
Thực đơn cho bà đẻ – Ăn gì để mẹ sau sinh nhanh hồi phục lại nhiều sữa
Cách nấu chân giò heo với cà rốt, khoai tây
Các nguyên liệu cần chuẩn bị: 100 gram gạo tẻ, 1 cái chân giò heo, 2 củ khoai tây, 1 củ cà rốt, nấm hương, hành ngò, gia vị.
Công thức nấu cháo chân giò cho bà đẻ với cà rốt, khoai tây:
- Chặt chân giò thành từng miếng vừa ăn và rửa lại thật sạch với nước muối
- Khoai tây cà rốt mang đi gọt vỏ, rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.
- Gạo tẻ bạn mang đi vo và ngâm với nước ấm cho nở.
- Cho giò heo vào nồi đun cùng với hành tím đập dập và một ít muối, canh vớt bọt để nước dùng trong hơn.
- Cho gạo vào nồi để nấu cho chín mềm. Sau đó khoảng 10 phút bạn cho cà rốt vào, đợt một lát và cho thêm khoai tây. Vì cà rốt cứng hơn khoai tây nên bạn phải cho trước để các nguyên liệu chín đều nhé!
- Hầm cho đến khi cháo chín thì nêm nếm, tắt bếp và bày ra tô.
- Cho thêm hành ngò và một ít tiêu bột vào là bạn đã có thể thưởng thức được ngay!
Móng giò hầm đu đủ xanh giúp lợi sữa
Đu đủ xanh là món mẹ bầu cần kiêng cữ, tuy nhiên sau khi sinh, loại quả này lại giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào cho con bú. Bên cạnh các món cháo dễ ăn như trên, móng giò hầm đu đủ cũng sẽ là món ngon từ chân giò cho bà đẻ, thích hợp cho mẹ sau sinh.
Nguyên liệu:
- 2 chiếc móng giò
- 1 quả đu đủ xanh
- Rau gia vị
Cách làm
– Rửa sạch móng giò heo, cạo sạch lông và chặt miếng vừa ăn
– Gọt bỏ, bỏ hạt đu đủ, ngâm với nước muối pha loãng tầm 15 phút cho sạch nhựa, sau đó cắt miếng 2-3cm
– Cho chân giò heo vào nồi đổ nước, ninh cho nhừ, thêm gia vị
– Móng giò đã nhừ mới cho đu đủ đã cắt khúc vào đun tiếp, đến khi chín thì thêm rau nêm và tắt bếp
Trên đây là một số công thức nấu cháo chân giò cho bà đẻ thơm ngon, chống ngấy. Chân giò là thức ăn lợi sữa và giàu chất dinh dưỡng, collagen tốt cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lạm dụng, đặc biệt là các bà đẻ đang gặp vấn đề về cân nặng. Để tạo nên nguồn sữa nhiều và chất lượng bạn cần kết hợp thêm đa dạng thực phẩm nhé!
Xem thêm:
- Gợi ý các món ngon cho bà đẻ – vừa ngon miệng, vừa lợi sữa!
- Bữa sáng cho bà đẻ: Ăn gì để tốt cho cả mẹ lẫn bé
- Bà đẻ ăn gì cho mát sữa, con phổng phao mau lớn?