Chăm sóc trẻ vào mùa đông, mẹ cần cẩn thận giữ ấm cho bé và tránh các bệnh thường gặp khi trời lạnh như cảm, sốt. Mẹ hãy thực hiện các lưu ý trong bài:
- Mẹ khéo chăm sóc trẻ vào mùa đông không bao giờ ốm hãy nhớ những điều này!
- Làm thế nào để trẻ tránh được các bệnh hay gặp vào mùa đông như ho cúm, cảm lạnh?
Mẹ khéo chăm sóc trẻ vào mùa đông không bao giờ ốm hãy nhớ những điều này!
“Mùa đông đến rồi!” – Đây chắc chắn là câu nói mà các mẹ có con nhỏ thấy e ngại nhất. Vì mùa đông, là đồng nghĩa với gió mùa, lạnh và buốt. Thời tiết thay đổi một chút cũng dễ làm em bé nhà bạn bị ốm, ho, cảm sốt. Vì thế, chăm sóc trẻ vào mùa đông thường được các mẹ chú trọng hơn nhiều so với mùa hè, đặc biệt với trẻ sơ sinh và những trẻ dưới 3 tuổi.
Mùa đông thời tiết trở lạnh, mẹ cần chú ý gì khi chăm sóc trẻ? (Nguồn ảnh: Unsplash)
Dưới đây là một số băn khoăn của các mẹ đang loay hoay không biết phải chăm em bé nhà mình như thế nào. Các mẹ thử tìm xem mình có những câu hỏi nằm trong số này không nhé!
Mùa đông lạnh có nên tắm cho trẻ thường xuyên không?
Có nhiều bậc phụ huynh cho rằng vào mùa đông thì tần suất tắm cho con sẽ giảm. Tuy nhiên việc này không thực sự đúng vì việc tắm cho trẻ vào mùa đông vẫn rất cần thiết.
Trẻ được tắm sẽ giúp cho da được thông thoáng, loại bỏ mồ hôi và các chất bẩn dính trên da.
Việc tắm cho trẻ vào mùa đông cần lưu ý những điều sau:
- Nên tắm khoảng 3 – 4 lần một tuần là vừa đủ.
- Với trẻ sơ sinh, trước khi tắm nên bế con khoảng 10 phút để trẻ được ấm.
- Không nên tắm cho trẻ lúc bé mới thức dậy, bởi vì khi đó nhiệt độ cơ thể của trẻ đang ở mức thấp, trẻ chưa được tỉnh táo. Nếu tắm đột ngột cho con thì con dễ bị cảm lạnh.
- Thời gian tắm khoảng 5 đến 7 phút là vừa đủ. Phải tắm bằng nước ấm, trong phòng kín gió.
- Khi tắm nên chú ý đến các phần cơ thể có nhiều nếp gấp như nách, bẹn, cổ, mông.
- Tắm xong phải lau khô ngay cho bé bằng một chiếc khăn tắm loại to và cuốn kín cho trẻ. Khi tắm xong có thể bôi vào gan bàn chân và gan bàn tay của trẻ một chút dầu tràm.
Làm thế nào để giữ ấm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? Như thế nào mới gọi là đủ ấm?
Mùa đông thời tiết giá lạnh, bởi vậy để bảo vệ sức khỏe cho bé, điều quan trọng nhất là phải giữ ấm tốt, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu, tránh ra gió. Về đêm nhiệt độ xuống thấp, việc giữ cho trẻ lại càng trở nên quan trọng hơn.
Với trẻ sơ sinh, do trẻ rất nhạy cảm vì vậy dễ bị cảm lạnh, ho và sốt. Vào mùa này, cần mặc nhiều áo để giữ ấm. Bé thường hay ngọ nguậy để cố gắng mở nút gài hay khóa áo. Do vậy bạn phải cài áo cho bé cẩn thận để áo không bị bung ra.
Nếu bạn ủ bé quá kỹ, mồ hôi ra nhiều mà không để ý lau khô, chúng sẽ bị thấm ngược trở lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và dẫn đến viêm phổi. Bởi vậy thường xuyên kiểm tra xem bé có bị ra mồ hôi hay không để kịp thời lau khô hoặc thay áo trong cho bé.
Với trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh, trong phòng của trẻ cũng cần duy trì nhiệt độ 25-28 độ C, cần ấm áp, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Có thẻ sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt cho bé.
Về quần áo mặc mùa đông sao cho đủ ấm:
Bạn có thể sử dụng áo dài tay mặc trong cho bé hoặc bộ liền quần bên dưới lớp áo dài tay. Bạn có thể khoác ngoài một chiếc áo len được làm từ chất liệu mềm nhưng ấm, ví dụ flannel hoặc lông cừu. Luôn nhớ rằng, da bé nhạy cảm hơn da bạn. Nếu bạn để ý da con bị mẩn đỏ, kích ứng ở vị trí lớp lông áo chạm vào, hãy sử dụng loai vải mềm để giữ ấm cho bé.
Găng tay hở ngón, một chiếc mũ và đôi bốt/ủng sẽ giữ đầu, tay, chân bé luôn ấm. Nếu con bạn có làn da khô hoặc bị mẩn đỏ, chỉ dùng loại vải mềm như cotton hay flannel.
Mẹ nhớ mặc đủ ấm cho trẻ trong mùa lạnh nhé! (Nguồn ảnh: Unsplash)
Hãy quan sát và nhận biết dấu hiệu bé bị nóng quá mức để tránh bị thấm ngược gây cảm lạnh cho bé:
- Bé đổ mồ hôi
- Tóc bé ẩm ướt
- 2 má bé đỏ hồng
- Da bé bị nổi ban đỏ
- Hơi thở nhanh
Làm thế nào để trẻ tránh được các bệnh hay gặp vào mùa đông như ho cúm, cảm lạnh?
Bạn sẽ không thể bảo vệ con khỏi mọi virus hoặc vi trùng luôn hiển diện trong môi trường xung quanh. Nhưng có một số việc bạn có thể làm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cho bé:
- Với trẻ sơ sinh, mẹ tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách cho con bú mẹ đều đặn. Nhờ tác dụng của sữa mẹ, bé sẽ ít bị ốm hơn và nếu có bị, cũng hồi phục nhanh hơn trong năm đầu đời, nhất là khi bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo tất cả những người xung quanh bé đều làm như vậy. Đây là cách đơn giản nhất mà hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng cảm, cúm.
- Do phần lớn bệnh mùa đông lây truyền qua đường ho, hắt hơi và tiếp xúc trực tiếp, hãy giữ con bạn tránh xa người bị ốm và không tới những nơi đông người.
- Đảm bảo cho bé được tiêm vắc xin theo đúng lịch cập nhật, nhằm bảo vệ con khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Bác sĩ nhi có thể kê loại vắc xin cúm mùa cho bé, để ngăn ngừa nguy cơ mắc 2-3 chủng virus cúm phổ biến nhất vào mùa đông.
- Nếu bạn hoặc chồng bạn hút thuốc, tốt nhất hãy bỏ thuốc lá và không đưa bé tới nơi có người hút thuốc. Trẻ sơ sinh sống với người hút thuốc bị ho nhiều hơn, dễ mắc cảm hơn, cũng như các bệnh lây nhiễm khác so với trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá.
Tiêm vắc xin giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh thường gặp (Nguồn ảnh: Unsplash)
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh – Bác sĩ Nhi – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, vắc xin cúm dùng cho trẻ có 2 dạng là tiêm và thuốc xịt mũi, trong đó dạng tiêm được dùng phổ biến hơn vì hiệu quả tốt hơn.
Vắc xin cúm dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn với liều tiêm cụ thể là:
- Trẻ từ 6 đến 35 tháng: Một liều 0,25 ml.
- Trẻ từ 36 tháng trở lên và người trưởng thành: Một liều 0,5ml.
- Trẻ dưới 9 tuổi mà chưa bị nhiễm bệnh cúm hay chưa tiêm chủng sẽ còn phải tiêm liều thứ hai, thực hiện sau liều đầu tiên ít nhất là 4 tuần. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Chăm sóc trẻ vào mùa đông đòi hỏi mẹ cần phải cẩn thận và để ý với trẻ hơn do trẻ hiếu động có thể nghịch ngợm khá nhiều và gây ra hiện tượng đổ mồ hôi, thấm ngược và biến thành cảm lạnh. Cũng có trẻ sẽ lây cảm cúm từ người lớn và những người xung quanh, vì vậy, mẹ cần lưu tâm hơn một chút để con luôn khoẻ mạnh nhé!
Nguồn thông tin: Lịch tiêm vắc-xin cúm Vaxigrip cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!