Khi chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi, mẹ cần nắm rõ các mốc phát triển của con; đây là giai đoạn tập ăn chứ không phải ăn cho no; lưu ý xử lý khi bé sốt mọc răng; cho con vận động thế nào để mau cứng cáp. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Bé 6 tháng tuổi và các mốc phát triển kĩ năng mới
- Làm sao mẹ có thể biết con đã sẵn sàng cho thời điểm ăn dặm?
- Làm thế nào để việc ăn dặm của bé 6 tháng tuổi không là cuộc chiến giữa mẹ và con?
- Mẹ cần lưu ý một số vấn đề về tiêu hóa của bé 6 tháng tuổi khi con bước sang giai đoạn ăn dặm
- Ăn dặm và bỏ bú đêm có cần thiết đi đôi với nhau?
- Bé có thể khó chịu, quấy khóc, sốt do mọc răng hoặc khi học các kĩ năng mới vào tháng thứ 6, lúc này mẹ cần làm gì giúp con?
- Bé 6 tháng tuổi cần vận động để giúp con mau cứng cáp, ngồi vững và sớm trườn bò
Bé 6 tháng tuổi và các mốc phát triển kĩ năng mới
Khi bé được 6 tháng tuổi cũng là lúc cổ con đã trở nên vô cùng cứng cáp. Nếu đặt bé nằm sấp, mẹ sẽ thấy con ngóc cao đầu cao, vững và có thể xoay theo nhiều hướng.
Một điểm đáng chú ý nữa khi chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi là cột sống bé cũng vững hơn rất nhiều. Nhờ đó, khi đặt bé vào một điểm tựa (chẳng hạn thành giường, gối hoặc người bố mẹ), bé hoàn toàn có thể tự ngồi được.
Con đã lật, lẫy được thành thạo qua cả 2 bên. Để bé xuống một mặt phẳng rộng rãi, mẹ sẽ thấy bé cố gắng trườn, xoay theo các phía một cách linh hoạt.
Những mốc vận động trên là các kĩ năng cần thiết con nên đạt được khi bước sang tháng tuổi này. Mẹ hãy dựa vào sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi chuẩn để biết con có cần luyện tập thêm kỹ năng nào để bắt kịp đà tăng trưởng không.
Bé 6 tháng tuổi của bố mẹ giờ đã biết “trò chuyện” siêu hơn rất nhiều. Không gian gia đình sẽ trở nên náo nhiệt và ồn ào hơn bởi bé thích cất tiếng ê a và đáp lại khi có người trò chuyện cùng bé. Thậm chí, những lúc nằm một mình, con sẵn sàng phun mưa phì phì như một cách tiêu khiển hấp dẫn.
Giai đoạn này, bé 6 tháng tuổi dần biết đến sự xa cách. Bé trở nên quấn người chăm sóc, đặc biệt là mẹ mình. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mẹ thấy bé dường như trở nên quấy khóc hơn khi không thấy mặt mẹ. Thậm chí, con trở nên lo lắng, sợ hãi nếu phải tiếp xúc với người lạ mặt.
Mẹ đã biết chưa?
Chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi: Làm sao mẹ có thể biết con đã sẵn sàng cho thời điểm ăn dặm?
Bước sang tháng thứ 6 cũng là lúc bộ máy tiêu hóa của con trở nên hoàn thiện hơn. Đây là thời điểm mà hầu hết các chuyên gia khuyên mẹ nên bắt đầu cho bé thử thức ăn mới ngoài sữa mẹ, đó chính là thức ăn dặm. Bắt đầu ăn dặm ở tháng thứ 6 có thể giúp bé tránh được các biểu hiện khó chịu như rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng.
Tuy vậy, với một số đã có biểu hiện dị ứng thì có thể rời thời điểm ăn dặm sang những tháng sau.
Mẹ nên chú ý tới các biểu hiện cho thấy bé có thể đã sẵn sàng với việc ăn dặm như:
– Bé tiết nước dãi nhiều.
– Con chóp chép miệng theo khi thấy người lớn đang ăn thứ gì đó.
– Bé có thể ngồi, cổ vững vàng khi có điểm tựa hoặc được đặt trên ghế ăn dặm mà không bị nghiêng ngả.
Làm thế nào để việc ăn dặm của bé 6 tháng tuổi không là cuộc chiến giữa mẹ và con?
Có những mẹ háo hức với thời điểm mới lạ này của con nhưng cũng có nhiều mẹ cảm thấy hơi ngao ngán nếu đã từng kinh quá với công cuộc ăn dặm của con đầu lòng trước đó nhưng không mấy suôn sẻ.
Con có biếng ăn hay không? Bé có chịu ăn đồ mẹ nấu? Trẻ có dị ứng, khó tính khi thử món mới? ,… Tất cả những điều này đều có thể khiến chuyện ăn dặm của bé 6 tháng tuổi là một thử thách với các bà mẹ.
Bác sĩ chuyên khoa I – Nguyễn Thị Từ Anh – Trưởng khoa Sơ Sinh – Bệnh viện Từ Dũ, đã đưa ra một số bí quyết cho việc chăm sóc con trong thời điểm ăn dặm rằng:
1. Mẹ cần nắm vững tư tưởng “6 tháng -12 tháng là giai đoạn con tập ăn, không phải ăn lấy no”
Hãy bình tĩnh và thật kiên nhẫn với quãng thời gian này của bé. Từ từ giúp con học kĩ năng ăn, kĩ năng bốc nhón, cầm thìa và cuối cùng là tự xúc ăn.
Hãy để công cuộc này được diễn ra đúng nghĩa của nó, đó là “tập ăn dặm” chứ không phải là nhồi nhét bắt con ăn lấy no bằng được.
Thức ăn của con ở giai đoạn này vẫn là sữa. Do đó, mẹ không nên tạo áp lực cho mình, đồng thời gây căng thẳng cho cả bé.
2. Tập cho con ăn đa dạng để bé không từ chối đồ ăn sau này
Ngoài các loại thức ăn phổ biến trong giai đoạn ăn dặm như sữa, cháo, bột, mẹ đừng quên tập cho bé ăn các loại thức ăn khác như:
– Hoa quả mềm như chuối, đu đủ, xoài, …
– Sữa chua, váng sữa, phô mai, … loại dành cho bé dưới 1 tuổi.
– Tập cho bé uống nước trái cây.
– Bánh ăn dặm để bé tập gặm, kích thích nướu răng, vừa giúp bé đỡ ngứa lưỡi lại giúp bé tập nhai, nuốt.
Mẹ cần lưu ý một số vấn đề về tiêu hóa của bé 6 tháng tuổi khi con bước sang giai đoạn ăn dặm
Chuyển từ sữa mẹ sang ăn dặm là bước đòi hỏi hệ tiêu hóa của con phải làm việc vất vả hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân có thể khiến một em bé 6 tháng tuổi gặp nhiều vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nôn trớ hoặc táo bón.
Do đó, khi cách chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi, mẹ nên lưu ý:
– Bổ sung các chất xơ như rau vào chế độ ăn của bé. Cho bé uống thêm chất lỏng như nước, nước hoa quả và canh.
– Con cũng rất dễ bị tiêu chảy bởi thói quen ngậm tay, nhai, gặm đồ chơi, … Cần lưu ý đảm bảo vệ sinh môi trường sống khi chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi. Thường xuyên lau rửa tay cho con và cả chính mình. Vệ sinh đồ chơi của con và chuẩn bị đồ ăn tươi sạch, vệ sinh cho con ăn hàng ngày. Thức ăn không nên để quá lâu hoặc đun đi đun lại nhiều lần.
Ăn dặm và bỏ bú đêm có cần thiết đi đôi với nhau?
Trên thực tế, từ 4 tháng tuổi trở đi, các bé đã có xu hướng ngủ được liền mạch 6 tiếng đồ hồ trở lên. Đến 6 tháng tuổi, nhiều bé có thể ngủ một giấc dài từ 8-10 tiếng.
Khi chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi, nếu con có thể ngủ dài giấc thì mẹ nên tôn trọng nhu cầu sinh lý này mà không cần đánh thức con dậy để bú đêm nữa.
Trường hợp con sinh non, đang trong tình trạng suy dinh dưỡng hoặc nhẹ cân cộng với bé vẫn còn có nhu cầu bú đêm thì vẫn nên duy trì tiếp tục cho bé bú nhằm đảm bảo bé có đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết.
Bé có thể khó chịu, quấy khóc, sốt do mọc răng hoặc khi học các kĩ năng mới vào tháng thứ 6, lúc này mẹ cần làm gì giúp con?
Những biểu hiện do sốt mọc răng sẽ thường xuyên xuất hiện vào giai đoạn này. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý, nếu bé sốt tầm 38-38,5 độ C, có nước mũi trong, con chịu ăn uống như thường thì mẹ có thể chăm sóc bé ở nhà.
- Bé sốt mọc răng thường sẽ kèm theo chảy nước dãi nhiều. Mẹ hãy dùng khăn sạch lau miệng thường xuyên cho con để tránh phát ban, có thể cho bé đeo yếm nếu chảy dãi nhiều.
- Giúp con bớt đau nướu, mẹ hãy bỏ vòng nhai hoặc một chiếc khăn sạch đã thấm ướt vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó cho bé gặm. Đừng để ngăn ở ngăn đá, sẽ khiến dụng cụ bị nứt vỡ.
- Không nên mua vòng nhai có chứa chất lỏng ở bên trong vì dễ bị rò rỉ dịch gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Mẹ đừng dùng cồn, gel hay bất cứ loại thuốc nào để chà vào nướu của trẻ.
- Ngoài ra, pha nước muối loãng và chà sát, mát xa vùng lợi cũng có thể giúp bé thấy dễ chịu hơn.
- Nếu muốn cho trẻ dùng thuốc giảm đau hãy xin ý kiến từ bác sĩ nhi khoa.
Nhưng nếu sau 2 ngày dù đã được chăm sóc cẩn thận nhưng con vẫn không có biểu hiện đỡ hơn thì mẹ cần dẫn bé đi khám là tốt nhất.
Mẹ đã biết chưa?
Bé 6 tháng tuổi cần vận động để giúp con mau cứng cáp, ngồi vững và sớm trườn bò
Ở những tháng này, thay vì bế ẵm cưng nựng bé, mẹ hãy tạo điều kiện cho con được vận động thật nhiều. Các bài tập nằm sấp, trườn bò sẽ giúp con rèn luyện được độ dẻo dai, linh hoạt của cơ xương.
Mẹ có thể sắp xếp lại đồ đạc nhà cửa, dành ra cho bé một khoảng không gian rộng rãi, bằng phẳng với các đồ chơi bằng vải hoặc đồ chơi không có góc cạnh. Để cho bé được thoải mái trườn, lật mình, khám phá đồ chơi.
Hoạt động này vừa giúp bé rèn luyện thể chất lại tập cho con thói quen tự chơi mà không quấy khóc khi không có người bế ẵm.
Những lúc sáng sớm hay khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu, bố mẹ cũng đừng quên dẫn bé ra ngoài dạo chơi, tiếp xúc với không khí trong lành, để bé làm quen với những không gian, đồ vật, môi trường mới mẻ. Đây là cách tuyệt vời nhất phát triển đa giác quan và sức đề kháng của bé 6 tháng tuổi.
Bé có cần tắm nắng để bổ sung viamin D? Nếu dưỡng chất trong sữa công thức không đủ để cung cấp vitamin D cho trẻ sơ sinh thì cha mẹ mới cần cung cấp thêm cho con bằng cách đi tắm nắng. Ánh nắng có tác dụng chuyển hóa các vitamin D và hỗ trợ xương khớp chắc khỏe hơn. Hãy tắm nắng sáng từ 7 – 8 giờ hoặc từ 5 giờ chiều trở đi và tốt nhất là tắm nắng trong vòng 10 – 15 phút.
Theo theAsianparent Singapore
Xem thêm:
Hướng dẫn mẹ chi tiết cách chăm trẻ 6 tháng tuổi giúp con sớm cứng cáp, ăn dặm giỏi
Cẩm nang phát triển bé 6 tháng tuổi
Mẹ có biết lượng bột chuẩn cho bé 6 tháng mới ăn dặm?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!