Sau cơn vượt cạn mẹ tròn con vuông, có rất nhiều vấn đề mà sản phụ cần phải quan tâm. Học cách vệ sinh vùng kín sau sinh cũng là 1 trong những việc quan trọng mẹ nên lưu ý để tránh nguy cơ viêm nhiễm và những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và quá trình phục hồi của cơ thể.
Sự thay đổi của vùng kín sau sinh
Hơn ai hết, những mẹ vượt cạn bằng phương pháp sinh thường sẽ là những người cảm nhận được sự thay đổi rõ nhất của vùng kín sau sinh. Đây là cơ quan chịu tổn thương nặng nề vì phải giãn rộng hết cỡ để trở thành cửa ra cho em bé lọt lòng. Không những vậy, mẹ còn phải đối mặt với 1 loạt vấn đề khó nói như:
- Những cơn đau dạ con khi tử cung co bóp để tống sản dịch ra ngoài
- Cảm giác căng nhức từ vết khâu tầng sinh môn
- Hàm lượng hormone estrogen giảm xuống làm khô hạn âm đạo
- Sự thay đổi, rối loạn nội tiết tố trong cơ thể khiến vùng kín thâm đen
- Sản dịch gồm máu, vi khuẩn, mảng hoại tử bong ra ở các lớp niêm mạc cửa tử cung có thể kéo dài trong vài tuần đầu sau sinh làm vùng kín có mùi
Khi nào nên vệ sinh âm đạo?
- Ngay sau khi sinh 1 ngày, mẹ đã nên vệ sinh vùng kín càng sớm càng tốt. Tuy nhiên làm sạch vùng kín không có nghĩa là tiếp xúc quá nhiều với nước vì môi trường ẩm ướt sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phần phụ.
- Sau mỗi lần tiểu tiện, đại tiện mẹ cũng nên dùng nước để rửa sạch và lau khô đồng thời duy trì rửa âm đạo 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh an toàn cho phụ nữ.
- Nếu như tầng sinh môn có vết khâu thì ngoài việc làm sạch âm đạo, các mẹ cũng cần lưu ý theo dõi và làm vệ sinh vết khâu thật cẩn thận để tránh sự xâm lấn của vi khuẩn.
Hướng dẫn cách vệ sinh vùng kín sau sinh thường
Thông thường khoảng 6 tuần sau sinh, các cơ quan trong cơ thể phụ nữ nhất là cơ quan sinh dục sẽ trở về trạng thái bình thường nếu được chăm sóc tốt. Trong giai đoạn này, vùng kín đang trong trạng thái hết sức nhạy cảm nên trước khi xuất viện các bác sĩ và y tá đều có những lời khuyên và hướng dẫn cụ thể về cách vệ sinh vùng kín đúng cách cho nữ giới sau sinh. Tùy theo thể trạng và sức khỏe, mẹ có thể tự mình vệ sinh cho “cô bé” ngay tại nhà theo thứ tự sau:
Bước 1: Rửa sạch tay
Bàn tay là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với vùng kín. Vì vậy, trước và sau khi thực hiện các thao tác vệ sinh, mẹ cần rửa sạch tay nhất là móng tay và các kẽ tay bằng xà phòng và nước ấm. Lau khô tay để đảm bảo sạch khuẩn, không lây nhiễm vi khuẩn cho vết thương vùng kín và ngược lại.
Bước 2: Tháo bỏ băng vệ sinh theo chiều từ trước ra sau
Sau sinh, sản phụ cần phải sử dụng đến băng vệ sinh chuyên biệt để thấm hút sản dịch. Vì vậy, cứ sau 3- 4 giờ mẹ nên thay băng 1 lần để vùng kín luôn được khô ráo.
Khi tháo băng vệ sinh nên thực hiện theo chiều từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào cửa mình và không chạm tay vào vùng băng vệ sinh có dính máu. Đây là một lưu ý cực kỳ quan trọng khi vệ sinh vùng kín sau sinh thường cho sản phụ.
Bước 3: Rửa vùng kín theo đúng nguyên tắc
Mẹ không còn lạ gì với nguyên tắc rửa vùng kín hàng ngày ngay từ khi còn nhỏ đó là rửa từ trước ra sau. Vì vậy, cách vệ sinh vùng kín đúng cách cho nữ giới sau sinh cũng được hướng dẫn theo nguyên tắc này:
- Mẹ có thể ngồi xổm, sử dụng vòi hoa sen hoặc bình xịt có nước ấm pha chút muối loãng làm ướt vùng kín, chú ý không xịt nước sâu vào bên trong cửa mình.
- Dùng tay nhẹ nhàng rửa sạch âm đạo từ trước ra sau.
- Sau khi rửa, dùng khăn bông sạch để thấm khô, tuyệt đối không dùng khăn ướt hoặc giấy vệ sinh có mùi vì hóa chất có trong các loại khăn này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Bước 4: Bôi thuốc cho vết khâu tầng sinh môn
Đối với những mẹ sinh thường phải rạch tầng sinh môn, cách vệ sinh vùng kín sau sinh sẽ có thêm một thao tác đó là bôi thuốc cho vết khâu. Đây là vết thương hở, mất từ 5 -7 ngày mới hoàn toàn lành lại nên chị em cần giữ cho vết khâu luôn được khô thoáng. Sau khi làm sạch cửa mình mẹ hãy sử dụng các loại thuốc sát trùng bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, để tránh nhiễm trùng, sưng nề, ra mủ.
Lưu ý từ bác sĩ khi vệ sinh vùng kín sau sinh thường
Ngoài thực hiện đúng cách vệ sinh vùng kín sau sinh, bác sĩ cũng dành thêm một vài lời khuyên hữu ích để đẩy nhanh quá trình phục hồi của âm đạo.
- Nằm nghiêng về phía không có vết khâu tầng sinh môn để giảm cảm giác căng tức hoặc va chạm vào vết thương. Nếu âm đạo quá đau nhức, mẹ có thể chườm đá lạnh trong vài ngày sau sinh.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không mặc quần lót quá chật gây bí bách, khó thoát mồ hôi làm vùng kín luôn ẩm ướt. Không sử dụng tampon hay cốc nguyệt san trong thời kỳ này.
- Nên uống nhiều nước để giảm nồng độ nước tiểu và nên đi tiểu đứng để không làm xót vết rạch âm đạo cũng như nước tiểu đọng lại tại vết khâu gây nhiễm trùng.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, tránh tình trạng táo bón có thể gây áp lực lên tầng sinh môn khi mẹ phải dùng sức để đại tiện.
- Mẹ có thể áp dụng các bài tập kegel để sớm phục hồi các cơ vùng đáy chậu, giúp khu vực này mau lành.
- Tuyệt đối không giao hợp trong 2 tháng đầu sau sinh vì cơ quan sinh dục chưa phục hồi hoàn toàn sẽ rất dễ bị tổn thương.
- Tránh ngâm mình hay tắm bồn vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bộ phận sinh dục.
- Xả nước bồn cầu sau khi đã đứng lên vì nước bồn cầu có thể bắn vào vùng kín gây viêm nhiễm.
- 7 – 10 ngày sau sinh, mẹ hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra quá trình phục hồi vùng kín.
Lời ngỏ
Việc vệ sinh vùng kín sau sinh thường là một trong những việc vô cùng quan trọng, cần có sự chăm sóc đúng cách và cẩn thận. Đừng để những cảm giác khó chịu hay những căn bệnh không đáng có nơi người bạn nhạy cảm của mình làm ảnh hưởng đến việc đón nhận những niềm vui mới trong cuộc sống của người mẹ sau khi sinh.
Xem thêm
- Chăm sóc vùng kín sau sinh để tránh bị tàn phá nặng nề!
- Bí quyết nào cho vùng kín sau sinh sớm phục hồi ngon nghẻ như xưa
- Ê buốt vùng kín sau sinh và cách giảm đau tại nhà
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!