Kinh tế gia đình luôn là vấn đề rất nhiều người quan tâm. Cách quản lý tài chính vợ chồng có đúng không? Làm sao để vừa minh bạch vừa đúng đắn?
Là vợ chồng, việc tin tưởng nhau là điều cần thiết. Nhưng có một thứ mà rất nhiều người giấu nhẹm đi. Cả vợ lẫn chồng đều có xu hướng này. Đó là về tài chính. “Tài chính công khai, ái tình minh bạch” – mấy ai làm được điều này.
Thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng ở Việt Nam cũng tan vỡ chỉ vì tài chính. Tài chính không minh bạch, cách quản lý tài chính vợ chồng không công khai… Đa phần rơi vào những người trẻ tuổi. Phải làm sao đây? Tham khảo ngay 10 cách quản lý sau đây để giữ hạnh phúc gia đình.
Chia sẻ về tình hình tài chính của bản thân
Cùng nhau ngồi xuống và chia sẻ thẳng thắn về tình hình tài chính của bản thân. Hãy cho người kia biết chính xác các khoản thu nhập, vay nợ, đầu tư hiện tại của bạn và ngược lại.
Sau khi kết hôn, hai người đều cần có trách nhiệm chi trả các chi phí sinh hoạt. Thực hiện kế hoạch tiết kiệm cho mục tiêu chung của gia đình. Do đó, việc thảo luận cởi mở về tình hình tài chính của mình sẽ giúp cả hai dễ dàng thống nhất kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm trong tương lai.
Thực hiện các mục tiêu tài chính
Nên đặt ra mục tiêu tài chính!
Khi đã nắm rõ tổng thu nhập của gia đình, bạn có thể chia ngân sách thành từng khoản để quản lý chi tiêu hiệu quả hơn. Ngoài ngân sách cho việc tiêu dùng, mua sắm, nên dành 10 – 20% thu nhập để tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính như mua xe, du lịch, cho con đi du học.
Hai vợ chồng nên cùng bàn bạc, lên kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu nhanh nhất có thể. Mọi vấn đề luôn được giải quyết dễ dàng hơn nếu như có sự thống nhất của hai người.
Không chỉ vậy, cùng nhau san sẻ gánh nặng tài chính, thực hiện kế hoạch sẽ giúp hai vợ chồng thấu hiểu và cảm thông với nhau nhiều hơn. Hãy nhớ, bám sát vào kế hoạch tài chính của bạn. Sự quyết tâm và kiên trì là điều cần thiết.
Đừng bỏ dở, đừng bỏ cuộc! Cố lên!
Cách quản lý tài chính vợ chồng từ tài khoản ngân hàng
Không kiểm soát được tài chính dẫn đến cãi vã
Một số cặp vợ chồng thường mở tài khoản ngân hàng chung sau khi kết hôn. Việc này giúp đơn giản hóa việc quản lý tài chính. Đồng thời tạo sự tin tưởng với người bạn đời của mình.
Ngược lại, cả hai có thể tiếp tục sử dụng tài khoản cá nhân để đảm bảo quyền riêng tư của bản thân trong vấn đề tiền bạc. Mỗi người sẽ có một phần trách nhiệm đóng góp vào ngân sách chung để duy trì sinh hoạt trong gia đình.
Tuy nhiên, bạn sẽ rất khó kiểm soát hoạt động chi tiêu của vợ hoặc chồng mình. Đây là nguyên nhân thường thấy dẫn đến các vấn đề về tài chính, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Chia sẻ một chút về vấn đề này. Các bạn có thể tham khảo cách làm của vợ chồng tôi. Vợ tôi có tài khoản ngân hàng riêng, tôi cũng vậy. Chúng tôi cũng có một tài khoản thứ ba mang tên tôi.
Hàng tháng, hai vợ chồng chuyển một khoản cố định vào đấy. Thường là để chi trả cho bảo hiểm, ăn uống, tiền điện nước… Còn lại, những khoản khác hai vợ chồng vẫn chi tiêu khoa học.
Xây dựng quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp là tiền tiết kiệm dành cho khoản chi bất ngờ như ốm đau, thất nghiệp, sửa chữa… Quỹ khẩn cấp giúp bạn chủ động về vấn đề tiền bạc trước những rủi ro không thể lường trước trong cuộc sống.
Nên dành 15 – 20% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp. Theo các chuyên gia tài chính, một quỹ khẩn cấp cần ít nhất số tiền bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt thông thường.
Nếu thu nhập của gia đình khoảng 25 triệu đồng/ tháng, bạn cần chuẩn bị quỹ khẩn cấp từ 75 đến 150 triệu đồng để đảm bảo duy trì sinh hoạt khi gặp tình huống khó khăn.
Lập ngân sách
Lập ngân sách để theo dõi hiệu quả
Điều này giúp tiết kiệm và cho phép bạn chi tiêu nhiều hơn bằng cách tận dụng tối đa số tiền của mình. Từ ngân sách đã lập, bạn sẽ chi tiêu, tiết kiệm theo một hạn mức nhất định.
Để lập ngân sách phù hợp, cần theo dõi các khoản thu chi của gia đình trong 3 tháng gần nhất. Từ đó, bạn sẽ rút ra được hạn mức chi tiêu cần thiết cho từng khoản mục trong sinh hoạt hàng ngày.
Nếu muốn quản lý chi tiêu một cách khoa học và hiệu quả, có thể tham khảo một số cách phân chia ngân sách như sau
Quy tắc 50/20/30
Hiện tại, rất nhiều gia đình Việt đang áp dụng quy tắc này. Và cá nhân người viết thấy nó cũng khá hiệu quả.
- 50% cho chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước…
- 30% cho chi tiêu cá nhân như xem phim, du lịch…
- 20% cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ…
Tuy nhiên, các con số này có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Hãy tăng chi phí thiết yếu lên 60-70% nếu bạn thấy nó cần thiết hơn nhu cầu giải trí của bản thân.
Ví dụ, với thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, bạn có thể chia ngân sách như sau: 5 triệu đồng dùng cho các chi tiêu thiết yếu; 3 triệu đồng dành để chi tiêu cá nhân và 2 triệu còn lại để tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính trong tương lai.
Tuy nhiên, do chiếc TV cũ bị hỏng nên bạn dự định sẽ mua chiếc mới vào tháng tới. Để duy trì kế hoạch, bạn cần thay đổi ngân sách bằng cách tăng số tiền tiết kiệm lên 3 triệu đồng/ tháng. Đồng thời giảm bớt chi tiêu cá nhân xuống còn 2 triệu đồng, để đảm bảo ngân sách.
Phương pháp Kakeibo
Kakeibo của người Nhật Bản!
Chia ngân sách theo phương pháp Kakeibo của người Nhật cũng khá khoa học. Thu nhập hàng tháng của bạn sẽ được chia vào 4 phong bì gồm các chi phí:
- Cơ bản: ăn uống, đi lại, hóa đơn…
- Mở mang kiến thức: mua sách, xem phim,…
- Không bắt buộc: nhà hàng, mua sắm…
- Phát sinh: sửa xe, ốm đau…
Nếu tiêu hết tiền trong một danh mục nào đó, bạn có thể lấy tiền từ phong bì khác. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ còn ít tiền hơn để tiêu cho danh mục đó. Vì vậy, cần tính toán chi tiêu hợp lý để đảm bảo ngân sách đã đặt ra.
Phương pháp 50/50
Đơn giản hơn, bạn có thể chia thu nhập thành 2 phần. Một phần dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, phần còn lại dành để tiết kiệm.
Tóm lại, lập ngân sách càng cụ thể, rõ ràng, việc quản lý tiền bạc sẽ càng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Theo dõi ngân sách
Chi tiêu hợp lý sẽ tiết kiệm được nhiều tiền
Để quản lý tài chính hiệu quả, cần theo dõi ngân sách thường xuyên. Việc phân bổ chi tiêu cần được duy trì một cách hợp lý và thường xuyên. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo biến động của thị trường.
Nên ghi chép lại các khoản thu chi để theo dõi và kiểm soát tình hình tài chính trong gia đình dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp bạn biết được ngân sách mình đặt ra đã phù hợp hay chưa? Khoản mục nào cần cắt giảm hoặc tăng thêm?
Hiện tại, có khá nhiều ứng dụng miễn phí trên các nền tảng android và ios để mọi người có thể sử dụng. Từ khóa nên tìm kiếm là saving money.
Cùng thảo luận về tình hình tài chính trong gia đình
Dù cuộc sống bận rộn thế nào, hai vợ chồng vẫn cần có thời gian ngồi lại cùng nhau để thảo luận về các vấn đề tài chính trong gia đình. Việc này sẽ giúp cả hai nắm rõ tình hình chung.
Đồng thời, nắm rõ các vấn đề cá nhân của vợ hoặc chồng. Mọi vấn đề luôn được giải quyết dễ dàng hơn nếu hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc, chia sẻ. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để tăng cường giao tiếp, gắn kết tình cảm giữa hai người.
Hơn nữa, nếu một người tiêu quá nhiều, người kia sẽ phải nhắc nhở và ngược lại. Nếu tháng đó, các bạn tiết kiệm tốt, hoàn toàn có thể tự thưởng cho mình một buổi xem phim để gắn kết tình cảm hai vợ chồng chẳng hạn.
Tiết kiệm hưu trí
Cùng nhau tiết kiệm mang lại sự gắn kết
Bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu tài chính, tích lũy cho tương lai của con cái, hai vợ chồng nên bắt đầu kế hoạch tiết kiệm cho quỹ hưu trí. Chuẩn bị tài chính càng sớm, cuộc sống hưu trí sau này sẽ càng an nhàn.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia tài chính, bạn nên dành 4 – 5% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm cho quỹ hưu trí. Tuy nhiên, con số này có thể tăng giảm linh hoạt. Tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu của mỗi người.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo việc mua các sản phẩm bảo hiểm hưu trí để đảm bảo cuộc sống khi về già. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo ngân sách, không ảnh hưởng đến các chi phí khác.
Ví dụ đơn giản, theo tính toán, nếu mỗi tháng bạn đóng khoảng 5 triệu bảo hiểm thì sau 15 năm, trừ những chi phí và số tiền bạn được sử dụng khi đi viện hàng năm đi, bạn sẽ nhận về khoảng gần 1 tỷ đồng. Được đấy chứ?
Tránh xa nợ nần
Bị mắc nợ trong thời gian độc thân không giống với khi kết hôn. Do đó, hãy cố gắng xóa nợ càng nhiều càng tốt trước khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Luôn chia sẻ mọi vấn đề tài chính với bạn đời của mình là cách tốt nhất để bạn tránh xa các khoản nợ. Trong trường hợp bạn đang có một khoản nợ, điều này có thể sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết phù hợp để thoát khỏi nợ nần.
Tin tưởng người bạn đời của mình
Một gia đình hạnh phúc khi không phải nghĩ quá nhiều về tài chính
Một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc được xây dựng từ tình yêu và niềm tin. Do đó, việc tin tưởng lẫn nhau đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là trong vấn đề tiền bạc .
Tin tưởng bạn đời trong quản lý tài chính sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái và chân thật với bạn. Cuộc sống gia đình sẽ tuyệt vời hơn nếu hai người thẳng thắn chia sẻ mọi vấn đề cùng nhau. Đồng thời, hai vợ chồng nên cùng nhau chia sẻ trách nhiệm tài chính trong gia đình để giảm bớt gánh nặng cho đối phương.
Lời kết
Có nhiều cách quản lý tài chính vợ chồng. Có thể là 50/30/20 hoặc 50/50. Nhưng dù là cách nào đi chăng nữa, quan trọng nhất là sự thành thật và tin tưởng. Chỉ cần vợ chồng tin tưởng nhau, điều gì cũng dễ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!