Có cách hâm nóng tình cảm vợ chồng nào để áp dụng khi hai người đã cùng chung sống được một thời gian? Làm thế nào để cảm xúc của cả hai vẫn nguyên vẹn như khi mới bắt đầu? Hãy cùng khám phá bí kíp để mối quan hệ của hai người mãi nồng cháy như ngày đầu nhé.
Tầm quan trọng của hâm nóng tình cảm vợ chồng
Bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng đều đã, đang và sẽ trải qua đủ cung bậc cảm xúc thăng trầm từ yêu, cưới đến khi sinh con. Khi đứa con ra đời dường như cuộc sống của hai người sẽ hoàn toàn thay đổi.
Bên cạnh công việc, mọi khoảng thời gian còn lại trong ngày đều dành cho con cái, nhà cửa, cơm nước. Cuộc sống vợ chồng cũng vì lẽ đó mà có đôi phần tẻ nhạt hoặc chững lại. Những cảm xúc nồng nàn của ngày mới yêu hay cảm giác háo hức trước đám cưới dần nhường chỗ cho cơm áo gạo tiền, con cái, chăm sóc nhà cửa…
Mặc dù vậy đừng vì chạy theo cuộc sống thường nhật mà quên đi người bạn đời vô cùng quan trọng và quý giá vẫn ngày ngày sát cánh bên cạnh. Hãy duy trì những thói quen tốt để tình cảm vợ chồng ngày một bền chặt và thấu hiểu người kia hơn để cùng đi qua những năm tháng tiếp theo của cuộc đời.
Dành thời gian trò chuyện với nhau
Ngay cả những người bất đồng quan điểm hay khiếm khuyết về ngôn ngữ vẫn có cách thức đặc biệt để giao tiếp. Vậy thì tại sao giữa các cặp vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu lại không tìm được cho mình một tiếng nói chung?
Hãy khoan đổ lỗi cho tính cách, hoàn cảnh sống hay bất cứ lý do khách quan nào khiến tần suất nói chuyện giữa các bạn ngày càng có chiều hướng thưa thớt dần.
Ngoài những nội dung về con cái, công việc, sức khỏe, hãy thử là người bắt đầu câu chuyện với những chủ đề mới mẻ hơn để dẫn dắt cảm xúc của cả hai. Hãy thể hiện những gì bạn đang nghĩ bằng lời nói và chia sẻ chúng một cách thoải mái nhất.
Đôi khi đó là một cuộc trò chuyên trong bếp lúc nấu ăn, khi ngồi cùng nhau trên ghế sofa xem phim và cả lúc ở cạnh nhau trên giường trước giờ ngủ. Hơn cả những hành động yêu thương, sự trò chuyện thường xuyên sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các cặp vợ chồng.
Ngay cả khi thời gian kết hôn đã kéo dài 5 năm, 10 năm thì sự thoải mái trong cảm xúc, gần gũi trong giao tiếp sẽ khiến các bạn luôn ríu rít như một đôi uyên ương mới cưới.
Trong trường hợp bạn không giỏi biểu đạt qua ngôn ngữ nói, hãy viết ra những điều cần bày tỏ. Nếu bạn là người có cá tính quá mạnh và dễ nổi nóng chẳng hạn, thì việc thỉnh thoảng gõ một lá thư gửi qua email để giãi bày có thể giúp ích hơn nói chuyện trực tiếp.
Những cái ôm là cách hâm nóng tình cảm vợ chồng đơn giản mà cực hiệu quả
Có cả ngôn ngữ bằng lời nói và ngôn ngữ cử chỉ. Nếu không đủ tinh tế để thể hiện cảm xúc bằng ánh mắt thì hãy đơn giản hóa nó bằng những cái ôm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra những cái ôm lại có sức mạnh an ủi và xoa dịu vô cùng lớn.
Ôm làm gia tăng cảm giác gần gũi và giảm bớt căng thẳng; nhờ có những cái ôm mà hai vợ chồng bạn có thể gắn kết với nhau được nhiều hơn.
Một cái ôm chính diện, một cái ôm phía sau, một cái ôm gọn trong lòng hay một cái ôm chặt vỗ về có sức mạnh sẻ chia vô tận. Niềm vui thông qua cái ôm mà được lan tỏa, nỗi buồn, sự mệt mỏi cũng theo đó mà vơi bớt và nguôi ngoai hơn.
Ôm nhau trước khi đi ngủ, vào mỗi sáng thức dậy, trước khi đi làm, khi gặp lại nhau và ôm lấy nhau khi phải xa cách hay hội ngộ sau một quãng thời gian. Ngay cả ở thế giới ngoài kia còn có những cái ôm miễn phí “freehugs” từ những người xa lạ thì tại sao giữa các cặp đôi lại không lựa chọn những cái ôm và vòng tay ấm áp là cách hâm nóng tình cảm vợ chồng?
Học cách lắng nghe
Thoạt đầu thì có vẻ hơi trái ngược với lời khuyên hãy tích cực trò chuyện để hâm nóng tình cảm hai vợ chồng, nhưng sự lắng nghe cũng chính là một bí quyết tinh tế nếu các bạn thực sự đang muốn giữ gìn cảm xúc và tình cảm của cả hai.
Trong hôn nhân luôn cần có sự thấu hiểu và đồng cảm từ hai phía. Cô ấy không phải là một thùng rác không đáy mà bạn có thể trút mọi thứ vào chỉ để giải tỏa cảm xúc của bản thân và ngược lại bạn cũng không nên là lựa chọn cuối cùng khi cô ấy quá mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài kia và bạn trở thành chỗ dựa khi kiệt sức.
Hãy là người đầu tiên mà đối phương cần ngay khi người còn lại muốn chia sẻ niềm vui, bàn bạc chuyện hệ trọng, tâm sự những điều không thể nói cùng ai. Học được cách lắng nghe chính là khi bạn đã nắm trong tay 1 bí quyết quan trọng để hâm nóng tình cảm hai vợ chồng rồi đấy.
Khi cả hai biết đặt mình vào vị trí của người còn lại, nghe khi cần và cho lời khuyên đúng lúc thì bạn có thể tin rằng cuộc hôn nhân của mình đã thực sự trưởng thành và bền vững hơn rất nhiều.
Hãy thực sự lắng nghe người bạn đời nhé.
Luôn có mặt khi cần
Có một điều thú vị là có không ít các cặp vợ chồng lưu danh bạ cho tên của người còn lại là 119 hoặc 115. Đừng ngạc nhiên vì tên gọi độc đáo đó bởi nó thể hiện rằng người còn lại luôn có mặt nhanh nhất có thể khi vợ hoặc chồng cần đến.
Thực tế là các quý anh sẽ là đối tượng được ưu tiên với tên gọi này nhiều hơn. Tuy nhiên, dù là bạn hay cô ấy luôn có mặt khi cần thì đó cũng là cách bạn khẳng định vị trí của mình trong lòng đối phương.
Bạn có thể quên mất một vài chuyện mà bạn đã ở bên cạnh để cùng người ấy giải quyết hay vượt qua nhưng đối với người chồng/người vợ của bạn thì đó lại là những sự kiện, những kỷ niệm không thể nào quên.
Bên nhau khi bạn tốt nghiệp Đại học, bên nhau khi một trong hai kiếm được việc làm đầu tiên và cả thời điểm bạn bị thất nghiệp, rồi cùng nhau đón đứa con đầu lòng, có mặt trong ngày khai giảng của con hay đơn giản là bên nhau trong những chuyến đi.
Không cứ phải là làm cho nhau một điều gì quá to tát, sự hiện diện của bạn trong tất cả những thăng trầm cuộc sống của đối phương sẽ có sức mạnh to lớn giúp cả hai cùng hâm nóng tình cảm hai vợ chồng thêm bền chặt và sâu sắc.
Tránh mặt khi căng thẳng
Các cụ ta đã có câu “ Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” để truyền dạy lại một kinh nghiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình là hãy luôn đặt chữ Nhẫn – Nhịn lên hàng đầu.
Ngày nay trong những cuộc hôn nhân hiện đại, các cặp vợ chồng văn minh cũng luôn biết nhu cương đúng lúc, sử dụng phương thức “lạt mềm buộc chặt”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để có thể vượt qua được những thời khắc xung đột của hôn nhân.
Sự nhẫn nhịn, hạ mình của đối phương không phải vì họ sai, bạn đúng mà đơn giản là cô ấy/anh ấy đang tôn trọng người còn lại mà thôi. Tránh mặt nhau khi căng thẳng chính là cách tốt nhất tại thời điểm đó, giúp cả hai có không gian riêng để cân bằng cảm xúc và nhìn nhận lại sự việc một cách khách quan và sáng suốt hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân để bùng nổ những trận cãi vã, xích mich. Có thể bắt nguồn từ trong chính gia đình mà cũng có thể là từ bên ngoài.
Nếu bạn để ý rằng, trong những lần đó, bạn là người gây chiến mà vợ/chồng bạn lại cố gắng kiểm soát mọi chuyện bằng cách tránh tranh cãi thì xin chúc mừng, người bạn đời của bạn chính là người đã áp dụng thành công một trong những cách hâm nóng tình cảm vợ chồng.
Lời kết
Khi phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm của một người trưởng thành với quỹ thời gian bị chia nhỏ cho các phần việc ưu tiên như đi làm, đối nội, đối ngoại, chăm sóc nuôi dạy con cái thì có lẽ cuộc hôn nhân của các cặp vợ chồng cũng phải đối diện với nhiều thử thách hơn để có thể giữ lửa và hâm nóng tình cảm.
Trong mỗi một vai trò, lý trí và cảm xúc của bạn dường như cũng bị chi phối nhiều hơn khiến bạn quên mất rằng mình luôn có người bạn đời để đồng hành trong tất cả những công việc đó. Hãy luôn tâm niệm rằng người bạn đời luôn là người mà bạn yêu thương và được thấu hiểu nhiều nhất.
Những cảm xúc tích cực này chính là chất xúc tác để cả hai vợ chồng có thể lắng lại và dành cho nhau 1 quỹ thời gian nhất định vào một ngày cuối tuần chẳng hạn.
Trò chuyện, lắng nghe, trao nhau những cái ôm, những nụ hôn và thăng hoa trong một cuộc yêu chính là chìa khóa để mọi cặp đôi luôn có thể hâm nóng tình cảm hai vợ chồng. Chúc các bạn luôn lãng mạn và ngập tràn yêu thương!
Theo huffpost
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!