Bên cạnh bỉm giấy cho bé đang phổ biến hiện nay thì bỉm vải cũng được nhiều mẹ ưa chuộng vì tiết kiệm, có thể sử dụng và giặt bình thường như quần áo bé mặc hàng ngày. Ngoài những ưu điểm của bỉm vải khi cho bé dùng thì nhiều mẹ cũng quan tâm đến cách giặt bỉm vải thế nào cho đúng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách giặt bỉm vải đúng nhất và những điều mẹ cần lưu ý khi giặt.
Tìm hiểu về bỉm vải
Bỉm vải (hay còn gọi là tã vải) là đồ dùng cần thiết cho bé được nhiều mẹ lựa chọn. Bỉm vải hiện đại là sự kết hợp giữa bỉm vải truyền thống và bỉm giấy 1 lần. Cấu tạo của bỉm vải gồm phần vỏ quần và miếng lót.
Phần vỏ quần (vỏ bỉm)
Được làm tù chất liệu PUL – một chất liệu được sử dụng nhiều trong lĩnh vực y khoa, có độ bền cao và thoáng khí. Vỏ quần thường được thiết kế hình ảnh con vât ngộ nghĩnh, dễ thương phù hợp với trẻ nhỏ. Ngoài ra thiết kế của vỏ bỉm vải còn có 2 dãy nút bấm với chức năng điều chỉnh độ rộng size bụng của bé cũng như chiều dài bỉm. Do đó bỉm vải sẽ không có nhiều size như bỉm giấy.
Thiết kế mặt trong của vỏ quần thường được làm bằng vải suede (da lộn) hoặc bamboo charcoal (than hoạt tính). Vải có tính năng thấm hút tốt, mềm mịn phù hợp với da bé, chống bám bẩn, dễ giặt và khô nhanh.
Miếng lót bỉm vải
Thường thì miếng lót của bỉm vải sẽ được thiết kế tách rời hoàn toàn so với vỏ quần để việc giặt sạch bỉm được đơn giản, dễ dàng hơn. Miếng lót bỉm vải thường được làm bằng vải vi sợi Microfiber, than tre hoạt tính hay xơ tre tự nhiên… có khả năng thấm hút gấp 7 lần trọng lượng. Chất liệu mỗi loại khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất tuy nhiên thì chúng vẫn sẽ phải đảm bảo khả năng thấm hút của miếng lót cũng như khả năng chống vi khuẩn của bỉm vải…
Cách giặt bỉm vải đúng nhất
Trước khi đem bỉm vải đi giặt các mẹ nên đọc các hướng dẫn được ghi trên bao bì sản phẩm. Vì mỗi loại bỉm vải khác nhau sẽ có những điều kiện giặt giũ khác nhau. Tuy nhiên dù là giặt bằng cách nào đi chăng nữa giặt tay hay giặt máy thì khi giặt bỉm vẫn tuân theo quy trình sau
Bước 1: Gạt bỏ chất thải
Đầu tiên mẹ cần rửa sạch tất cả các cặn chất bẩn trên bỉm vải bằng vòi xịt xả mạnh để làm trôi hết các chất cặn bẩn vào bồn cầu. Bởi lớp vải tiếp xúc với mông có đặc điểm là không bám dính nên rất sẽ rất dễ để làm sạch.
Bước 2: Tháo miếng lót ra khỏi vỏ bỉm
Ở bước này, mẹ tháo miếng lót ra khỏi vỏ bỉm, cởi bỏ hết các nút của bỉm để giặt sẽ sạch hơn. Sau đó bỏ bỉm, miếng lót vào trong một chiếc xô để đợi khi đủ số lượng sẽ đưa đi giặt một đợt (không quá 1 ngày đêm). Chiếc xô này nên đậy nắp để đảm bảo vệ sinh và tránh mùi hôi.
Mẹ có thể ngâm bỉm bẩn, miếng lót của bé vào trong chiếc xô có nắp đậy cùng 3 lít nước và một thìa muối bicarbonate trong khoảng 2h hoặc lâu hơn tùy vào độ bẩn của bỉm. Việc sử dụng muối bicarbonate vừa giúp diệt khuẩn tốt vừa loại bỏ hết mùi hôi trên bỉm .
Bước 3: Giặt bỉm
Sau khi ngâm từ 1 – 2 tiếng trong dung dịch muối bicarbonate, mẹ mang tã và miếng lót ra vắt ráo nước. Đến đây thì mẹ có thể giặt tay hay giặt máy tã của bé đều được.
- Nếu giặt máy: Lựa chọn chế độ giặt vải mềm, vải lụa và mức nước lớn nhất để có thể xả sạch hết nước giặt trên vải.
- Nếu giặt tay: Nên xả qua 3 – 4 lần nước sạch để đảm bảo không sót lại xà phòng trên vải.
Mẹ nên tách riêng miếng lót và bỉm khi giặt để sạch hơn và thường tã sẽ khô nhanh hơn miếng lót. Lưu ý không sử dụng các loại bột giặt, nước giặt của người lớn, vì chất tẩy rửa trong các sản phẩm này có thể không phù hợp với làn da mỏng manh của bé, dễ dẫn tới dị ứng, nổi mẩn đỏ. Ưu tiên lựa chọn loại bột giặt dành riêng cho da nhạy cảm.
Bước 4: Phơi khô
Sau khi giặt và vắt khô xong thì bạn có thể đem bỉm và miếng lót đi phơi như quần áo thông thường.
Nếu làm khô bằng máy sấy
Nếu máy giặt có chức năng sấy, bạn cần kiểm tra các miếng dán có gai trước khi khởi động chế độ sấy để tránh việc bỉm bị dính vào nhau hoặc làm hư tã. Nên tham khảo hướng dẫn khi sấy khô tã bởi vì một số loại có thể không chịu được nhiệt độ sấy cao. Nếu vào thời tiết mưa phùn, mẹ nên dùng cách này vì độ ẩm không khí quá cao vừa làm đồ không khô vừa tạo điều kiện cho nấm mốc vi khuẩn phát triển trên sợi vải.
Phơi khô tự nhiên
Phơi khô dưới ánh nắng mặt trời là lựa chọn được khuyến khích, vì ánh sáng mặt trời ngoài tác dụng làm khô trắng tự nhiên, còn có tác dụng khử trùng. Ngoài ra mẹ nên phơi tã khi trời có gió, vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều để bỉm được mềm mại hơn.
Lịch trình giặt giũ
Dưới đây là một vài ước tính mà mẹ có thể dựa vào để tính toán lượng bỉm trước khi đem giặt.
- Bé sơ sinh: 12 – 18 bỉm / ngày (giặt 1 – 2 lần nếu giặt cách ngày)
- Trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi: 12 bỉm / ngày (giặt 1 lần nếu giặt cách ngày)
- Bé từ 18 tháng tuổi trở lên: 9 bỉm / ngày (giặt 1 lần nếu giặt cách ngày)
- Bé đang trong tuổi tập ngồi bô: 3 – 6 bỉm / ngày (giặt 1 lần nếu giặt cách ngày)
Những lưu ý cho mẹ khi giặt bỉm vải
Mẹ nên lưu ý giặt bỉm vải tách biệt với các quần áo khác. Bạn có thể giặt chung các loại bỉm, trừ khi sản phẩm có hướng dẫn giặt riêng. Mẹ cũng đừng nhồi nhét vào máy giặt bởi vì bỉm sẽ không được sạch và lực ma sát sẽ làm các sợi vải bị xù. Đối với hầu hết các máy giặt, mẹ chỉ nên bỏ vào tối đa 24 tã.
Các loại bỉm khác nhau được làm từ những chất vải riêng biệt, tương ứng với những mức nhiệt độ nước khác nhau. Mẹ nên tham khảo hướng dẫn giặt của từng loại bỉm cụ thể. Ví dụ bỉm bông nên được giặt bằng nước ấm nhưng các loại bỉm có lớp ngoài chống thấm lại cần giặt với nước lạnh vì nhiệt độ làm chúng mau hỏng.
Nên lưu ý là bỉm cần được xả và vắt kỹ hoàn toàn khỏi xà bông và các chất giặt tẩy. Nếu cần thiết, bạn có thể xả lại một nữa. Khi lấy ra khỏi máy giặt, bỉm cần phải sạch và không có mùi. Nếu vẫn còn mùi, cho dù là nhẹ thôi thì mẹ cũng nên giặt lại. Nguyên nhân gây mùi là do bỉm chứa vi khuẩn bám lâu có thể gây kích ứng da bé hoặc làm hăm bỉm.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp mẹ có những kiến thức cơ bản về cách giặt bỉm vải hiệu quả. Chúc mẹ thực hiện thành công và bé yêu luôn khỏe mạnh!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!