Nỗi lo lớn của các mẹ trẻ là cách cho trẻ ăn dặm đúng cách. Có cực kỳ nhiều thông tin về ăn dặm ở khắp nơi nhưng nhiều mẹ vẫn bối rối không biết làm sao để chọn phương pháp phù hợp và cho con ăn lúc nào, bao nhiêu thì đủ. Dưới đây là những kiến thức ăn dặm đúng cách một cách cơ bản được các chuyên gia dinh dưỡng thế giới khuyến cáo.
Khi sẵn sàng ăn dặm, bé sẽ có biểu hiện rõ rệt
Thời điểm tốt nhất để cho trẻ ăn dặm
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên rằng trẻ sơ sinh nên bắt đầu quá trình ăn dặm sớm nhất vào khoảng 6 tháng tuổi vì ở độ tuổi này trẻ cần thêm các chất dinh dưỡng không có trong sữa, chẳng hạn như sắt và kẽm. Các chuyên gia gợi ý một số dấu hiệu cho thấy bé yêu đã sẵn sàng cho việc ăn dặm như:
- Ngồi vững
- Cổ cứng cáp, nâng đỡ đầu tốt
- Có thể giữ thức ăn trong miệng biết nhai
- Có thể bốc thức ăn cho vào miệng
- Tò mò khi thấy người xung quanh ăn và giơ tay đòi ăn
Một số trường hợp trẻ có biểu hiện muốn ăn dặm sớm hơn 6 tháng nhưng mẹ đừng nên vội vàng, vì dạ dày và hệ tiêu hoá của con có thể chưa sẵn sàng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các phương pháp ăn dặm đúng cách và ưu, nhược điểm
Phương pháp ăn dặm BLW để bé tự ăn và có thể biến bữa ăn thành một mớ hỗn độn
Hiện tại có nhiều phương pháp ăn dặm cho trẻ nhưng phổ biến và cơ bản nhất là phương pháp truyền thống và BLW. Thực tế chẳng có cơ sở nào khẳng định bé nhà bạn phù hợp với phương pháp nào hơn, nhưng mỗi bên đều có ưu khuyết điểm riêng, mẹ có thể dựa vào đó và hoàn cảnh cũng như sự phát triển của con mà lựa chọn áp dụng phương pháp nào.
Phương pháp BLW (Baby-Led Weaning)
Trong phương pháp này, trẻ sơ sinh được khuyến khích tự ăn và tự chọn thức ăn ngay từ khi bắt đầu. Mẹ có thể cho bé làm quen với đa dạng thức ăn theo kiểu ăn nhẹ và có độ rắn vừa đủ.
Ưu điểm:
- Khuyến khích bé tự ăn sớm hơn
- Em bé có thể tự kiểm soát và quyết định ngưng ăn khi đã no, giảm nguy cơ ăn thừa chất hay béo phì
- Không cần phải nấu nướng riêng cho bé mà có thể kết hợp gọn nhẹ với bữa ăn gia đình.
Nhược điểm:
- Khả năng bị nghẹn và nghẹt thở cao do thức ăn rắn.
- Khó để biết bé đã ăn được bao nhiêu thức ăn, có đủ nhu cầu chưa.
- Khu vực ăn của con có thể cực kỳ bừa bộn, lau dọn vất vả.
- Có thể khó xác định dị ứng thực phẩm hơn vì trẻ ăn nhiều loại thực phẩm cùng lúc.
Phương pháp ăn dặm truyền thống cho trẻ
Phương pháp truyền thống là mẹ đút bé ăn
Trong phương pháp này thì mẹ là người đút cho bé ăn và thức ăn sẽ bắt đầu với những món nhuyễn mịn trước khi chuyển sang thực phẩm nghiền và băm nhỏ, cho đến thức ăn rắn hơn.
Ưu điểm:
- Có thể định lượng được con ăn bao nhiêu.
- Thức ăn mềm, dễ cho bé làm quen và nhai nuốt
- Ăn sạch và gọn hơn, ít phải lau dọn.
Nhược điểm:
- Phải làm bữa ăn riêng và tốn thời gian ngồi đút bé ăn.
- Mẹ có nguy cơ ép con ăn quá nhiều so với nhu cầu, khiến con bị dư chất.
- Nếu bé ăn thức ăn nhuyễn trong thời gian dài có thể lười nhai, không muốn ăn món cứng hơn.
Những hương vị phù hợp cho trẻ ăn dặm lần đầu tiên
Bé nên ăn lỏng rồi đặc dần, thực phẩm đa dạng
Hương vị ăn dặm lần đầu tiên rất quan trọng để phát triển thói quen ăn uống của con. Cách cho trẻ ăn dặm đúng cách là khi mới bắt đầu ăn dặm, trẻ sơ sinh vẫn cần được chú trọng dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ là chính. Để tập cho con làm quen với thức ăn mới, hãy cho con thử ăn vào khoảng một giờ sau khi bú, và trộn thực phẩm với một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức để bé từ từ chấp nhận hương vị mới. Một số loại thực phẩm phù hợp để cho con ăn vào những ngày đầu ăn dặm gồm:
- Rau mềm, nấu chín: Bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí ngô, đậu Hà Lan xay nhuyễn, nghiền hoặc cho con bốc ăn.
- Trái cây mềm: Chuối, xoài, quả việt quất, quả mâm xôi, quả bơ, lê nấu chín hoặc táo, mận, đào xay nhuyễn, nghiền hoặc cắt nhỏ.
- Ngũ cốc: Bột yến mạch, gạo, quinoa, kê – nấu chín, nghiền hoặc xay nhuyễn, trộn với một lượng nhỏ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Hãy bắt đầu với một vài muỗng hoặc vài lần ăn mỗi ngày trong khoảng một tuần để đánh giá xem con có thích hương vị mới này không.
Thức ăn đặc dần
Khi bé lớn lên, mẹ nên cho bé làm quen với thức ăn đặc dần và tăng lên ba bữa ăn hàng ngày. Thức ăn phù hợp bao gồm:
- Thịt, gia cầm và cá xé, băm nhuyền, lọc sạch xương.
- Trứng nấu chín.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa
- Các loại ngũ cốc có chứa gluten
- Các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan và đậu xanh
- Đồ ăn nhẹ: bánh gạo, bánh mì mềm, cũng như trái cây mềm (chuối, lê, xoài, bơ) và rau mềm, nấu chín.
- Các loại hạt được nghiền mịn hoặc dạng bơ hạt. Lưu ý khả năng dị ứng.
Vào khoảng 7 đến 9 tháng, nhiều bé có thể ăn ba bữa ăn nhỏ mỗi ngày. Mẹ hãy cố gắng đảm bảo đủ nguồn protein, carbs và chất béo trong mỗi bữa ăn. Khi 9 đến 11 tháng trẻ có thể ăn cứng hơn như táo cắt nhỏ, cà rốt nấu chín, bánh quy giòn và bánh mì ngọt. Khi 1 tuổi, bé nên ăn ba bữa nhỏ và một ít đồ ăn nhẹ mỗi ngày.
Các thực phẩm cần tránh khi cho trẻ ăn dặm
Bông cải xanh là món ăn bé ưa thích và giàu dinh dưỡng
Mặc dù thức ăn dặm cho bé nên đa dạng nhiều loại nhưng cũng có một số thực phẩm nên tránh như:
- Mật ong: không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
- Trứng chưa nấu chín: vi khuẩn Salmonella có trong trứng sống có thể làm cho bé bệnh nặng.
- Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: vi khuẩn trong các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể gây nhiễm trùng đối với trẻ sơ sinh.
- Thực phẩm hoặc đồ uống có đường, nhiều muối mặn: chúng thường cung cấp rất ít chất dinh dưỡng nhưng nguy hiểm. Đường có thể làm hỏng răng trong khi muối rất nguy hiểm cho thận bé.
- Các loại hạt còn nguyên: không cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi ăn các loại hạt có vỏ hoặc nguyên hạt vì có nguy cơ mắc nghẹn, hóc cổ cao. Bên cạnh đó, nhiều trẻ cũng dị ứng nặng với một số loại hạt.
- Các sản phẩm ít chất béo: trẻ sơ sinh cần chất béo tương đối nhiều hơn trong chế độ ăn uống so với người lớn.
Cách cho trẻ ăn dặm đúng cách
Một số lời khuyên được các chuyên gia dinh dưỡng trẻ sơ sinh và các bà mẹ nhiều kinh nghiệm truyền lại có thể giúp mẹ trẻ cho con ăn dặm đúng cách.
- Trẻ sinh ra sẽ tự nhiên thích vị ngọt hơn. Do đó, hãy cố gắng cho con làm quen và ăn rau trước trái cây để hạn chế khả năng bé từ chối ăn rau sau này.
- Cho con ăn đa dạng thực phẩm, thay đổi thực đơn, tránh cho ăn cùng một loại thực phẩm nhiều lần.
- Nếu con không thích một số loại thực phẩm nhất định vì khẩu vị chứ không phải do dị ứng thì hãy tiếp tục cho bé thử thêm vài lần, mẹ có thể trộn thức ăn đó với một loại thực phẩm yêu thích của con cho đến khi bé quen.
- Đừng ép bé ăn nhiều hơn bé buốn, trẻ thường từ chối ăn khi đã no.
- Hãy cho con thả lỏng khi ăn, và đừng la mắng nếu con ăn bừa bộn một chút. Các chuyên gia cho rằng lộn xộn một chút khuyến khích các bé thử nghiệm nhiều loại thực phẩm và tạo ra mối liên hệ tích cực với việc ăn uống.
- Lên kế hoạch bữa ăn cho con trước bằng cách đông lạnh từng phần thức ăn trong khay đá hoặc hộp nhỏ nếu mẹ lười nấu ăn mỗi ngày.
- Cố gắng cho bé vào ngồi cùng trong bữa ăn gia đình. Trẻ thường thích ăn những thực phẩm mà bé thấy những người khác xung quanh đang ăn.
Theo healthline
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!