Người phụ nữ 67 tuổi, ở Đà Nẵng, tử vong vì đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết trước khi được công bố là ‘bệnh nhân 718’. Đây là ca thứ 10 tử vong kể từ đầu dịch.
Bệnh nhân 718 là ca tử vong thứ 10 tại Việt Nam vì Covid-19
Theo Bộ Y tế, nữ bệnh nhân quê ở Cẩm Lệ, là ca bệnh sẽ được công bố trong bản tin của Ban chỉ đạo lúc 18h ngày 6/8. Tuy nhiên, bệnh nhân này được xác nhận qua đời hôm qua, 5/8.
Đầu giờ chiều 6-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong thứ 10. Bệnh nhân là nữ, 67 tuổi, quê Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Tiền sử: đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết.
Bệnh nhân được chỉ định đặt ống nội khí quản (Hình minh họa)
– Tối 3-8, bà được đưa đến cấp cứu tại khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Đà Nẵng và được cách ly; đến 21h được chuyển đến cách ly tại khoa Y học Nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng.
– Ngày 4-8, bệnh nhân tỉnh, được chỉ định đặt ống nội khí quản, lọc máu tĩnh mạch liên tục.
– 18h ngày 5-8, bệnh nhân nổi vân tím toàn thân, nhịp tim rời rạc, huyết áp tụt liên tụ; đến 18h50 hồi sức tim phổi không hiệu quả, bệnh nhân qua đời.
Được biết, khi nhập viện với chẩn đoán nghi nhiễm COVID-19 ngày 3-8, bệnh nhân đã được điều trị cách ly như ca bệnh COVID-19. Ngày 4/8, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân xét nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng và cho kết quả dương tính.
Kết quả xét nghiệm khẳng định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng cuối giờ sáng 6-8 đối với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã xác định bệnh nhân dương tính với virus corona.
Chẩn đoán tử vong: đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết và COVID-19.
Bệnh nhân 651 là ca bệnh COVID-19 thứ 9 tử vong
10 trường hợp đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc COVID-19 thì việc tử vong là điều bất khả kháng, giống như “giọt nước làm tràn ly”.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19, bệnh nhân 651.
Bệnh nhân là nữ, 67 tuổi, quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam.
Tiền sử: suy thận mãn tính, Lupus ban đỏ, đái tháo đường type 2, nhiễm nấm máu.
– Ngày 18-7, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại khoa nội thận Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Gia đình. Từ thời điểm đó đến ngày 31-7, bà được điều trị tại Bệnh viện Gia đình.
– Ngày 2-8, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corrona, được chuyển ngay vào khoa y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng.
– Ngày 3-8, bệnh nhân lơ mơ, thể trạng suy kiệt, xuất hiện vết loét vùng cẳng tay và cẳng bàn chân, xuất huyết dưới da cẳng tay hai bên, khó thở nhẹ.
– Ngày 4-8, bệnh nhân suy hô hấp, được đặt nội khí quản và thở máy.
– Ngày 6-8 lúc 0h45 sáng bà bắt đầu hôn mê sâu, suy hô hấp, tím da đầu chi, nhịp tim chậm dần rồi ngưng, không đo được huyết áp, hồi sinh tim, phổi không hiệu quả; đến 1h30 thì bệnh nhân qua đời.
Chẩn đoán tử vong: viêm phổi, suy hô hấp trên bệnh nhân suy thượng thận mãn tính, đái tháo đường type 2 và COVID-19.
8 người tử vong trước đó tuổi từ 53 đến 86, ở hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, trong đó 7 người liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là do các bệnh nền như suy tim, ung thư, suy thận mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp… và Covid-19.
Theo Bộ Y tế, đến chiều 5-8 ghi nhận 11 bệnh nhân Covid-19 nguy cơ tử vong rất cao. Trong đó, 7 người thở máy xâm nhập và hồi sức tích cực, 4 người khác phải sử dụng ECMO. Các bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Y tế Hòa Vang để điều trị tích cực.
Tính đến chiều nay ngày 6-8, tổng số ca nhiễm cả nước lên 717, trong đó 381 người đã khỏi, 10 người tử vong, 326 bệnh nhân đang điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: “Dịch Covid-19 chỉ đạt đỉnh trong 10 ngày tới, nếu…”
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, kịch bản 10 ngày tới đỉnh dịch là dựa trên phân tích của các chuyên gia dịch tễ. Để có phân tích này là dựa vào số lượng người mắc, ca mắc đầu tiên và khả năng lây lan trong cộng đồng. Một điều quan trọng nữa cần phải nhắc đến là khả năng ngăn chặn dịch của ngành Y tế, của toàn thể lực lượng chính trị, xã hội mà chúng ta đang huy động. Đặc biệt là khả năng khoanh vùng, truy vết của bệnh nhân.
Thứ trưởng Sơn cho hay, dù số bệnh nhân hằng ngày đang gia tăng nhưng xét về đánh giá toàn diện, thì đỉnh dịch vẫn phải dự trù trong vòng 10 ngày tới. Vì thế ít ngày tới đây số ca dương tính có thể sẽ tăng lên nên tuyệt đối chúng ta không quá hoang mang, không chủ quan.
Theo tuoitre, vnexpress
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!