Bung nút nhầy màu trắng ở âm đạo vào tháng cuối là một trong những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp sinh. Cùng tìm hiểu về hiện tượng này ngay sau đây nhé!
Nút nhầy là gì?
Chất nhầy cổ tử cung hay còn gọi là nút nhầy cổ tử cung là một tổ hợp chất thải đặc sệt được tạo nên từ các loại protein kháng khuẩn, các loại hormone (estrogen, progesterone) và peptide (chuỗi amino acid).
Tuy được gọi là nút nhầy nhưng thực chất không có chiếc “nút” nào ở đây cả mà chỉ có lớp màng dày ở cổ tử cung giúp bảo vệ và ngăn cách bào thai với môi trường bên ngoài, không cho vi khuẩn ở âm đạo tấn công vào thai nhi. Nếu không có nút nhầy, việc duy trì thai kì sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Dấu hiệu mẹ bầu bung nút nhầy
Cơ thể mẹ bầu chuyển dạ và sắp sinh sẽ xảy ra tình trạng bung nút nhầy màu trắng ở cổ tử cung. Khi thấy hỗn hợp dịch có màu trắng đục, đặc và dính (trông như tinh dịch hoặc dịch nhầy ở mũi khi bạn bị cảm) xuất hiện ở âm đạo thì có thể mẹ đã bị bung nút nhầy. Khác với dịch âm đạo mẹ vẫn thường thấy trong quá trình mang thai, nút nhầy thường đặc hơn và trông như thạch.
Đối với mẹ bầu ở tuần cuối thai kỳ, nút nhầy có thể có màu hồng hoặc nâu do lẫn máu báo thai. Dịch nhầy có thể chảy ra lắt nhắt từng chút trong nhiều ngày hoặc chảy nhiều, liên tục cùng một lúc.
Khi nào mẹ bầu bung nút nhầy màu trắng?
Thông thường, mẹ bầu sẽ gặp tình trạng bung nút nhầy màu trắng vào cuối tam cá nguyệt thứ ba, khi mẹ sắp chuyển dạ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nút nhầy vẫn có thể bị bung trước tuần 37, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ chuyển dạ sớm và mẹ bầu có thể sinh non.
Trường hợp sớm hơn, mẹ có thể bị bung nút nhầy màu trắng từ tuần thai thứ 14 – 20 do cổ tử cung đang giãn. Nút nhầy có thể bong một phần hoặc bong toàn bộ trong thai kỳ, nhưng nó có thể tái tạo trở lại.
Dịch nhầy thoát ra, thai nhi vẫn được bảo vệ trong túi ối. Ngay cả khi túi ối vỡ, thai nhi vẫn an toàn. Nút nhầy chỉ là một lớp bảo vệ kép, khi chúng mất đi, cả bé lẫn mẹ vẫn không bị ảnh hưởng. Vì vậy, khi gặp hiện tượng bung nút nhầy màu trắng sớm hơn dự định, mẹ không cần quá lo lắng.
Bung nút nhầy màu trắng bao lâu thì sinh?
Đây là câu hỏi được rất nhiều mẹ bầu thắc mắc. Liệu ra dịch nhầy bao lâu thì mẹ sẽ sinh? Câu trả lời chắc chắn không phải là ngay trong ngày, hoặc thậm chí là ngay trong tuần. Bung nút nhầy không có nghĩa là mẹ sẽ sinh ngay lập tức mà chúng có thể xảy ra trước vài ngày hay thậm chí vài tuần trước ngày sinh.
Hơn nữa, không phải chỉ khi chuyển dạ chất nhầy mới xuất hiện mà chúng xuất hiện rải rác trong thai kỳ khi tử cung mẹ có sự giãn mở. Khi thấy dịch nhầy xuất hiện vào những ngày cuối thai kỳ, mẹ không cần nhập viện ngay mà hãy theo dõi thêm một số dấu hiệu báo sinh khác sau đây.
Các dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp sinh
- Các cơn gò thắt ở tử cung kèm cảm giác đau bụng xuất hiện với tần suất liên tục. Khi thấy bung nút nhầy kèm dấu hiệu này, mẹ chỉ còn khoảng 12 – 24 giờ nữa là sẽ sinh.
- Tử cung có dấu hiệu giãn nỡ để chuẩn bị cho em bé lọt lòng mẹ
- Tiêu chảy do sự thay đổi của các hormone trong những ngày cận sinh
- Đau mỏi lưng và chuột rút do hệ cơ ở khu vực xương chậu đang ở trong trạng thái căng hơn so với bình thường
- Vỡ ối: Trường hợp này kể cả khi chưa đau bụng thì mẹ cũng cần đến bệnh viện ngay vì em bé có thể chào đời bất cứ lúc nào
- Bụng bầu tụt xuống, bà bầu đi lại khó khăn
Bung nút nhầy khi nào là bất thường?
Nút nhầy có màu đỏ đậm
Nếu thấy nút nhầy xuất hiện kèm theo hiện tượng chảy máu nặng ở âm đạo, mẹ nên đến bệnh viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy thai đang gặp nguy hiểm như nhau tiền đạo hoặc bong nhau thai.
Nút nhầy có màu xanh kèm mùi tanh
Bình thường nút nhầy hoàn toàn không có mùi và có màu trắng đục. Nếu mẹ bung nút nhầy có màu xanh lá cây hoặc có mùi hôi tanh, khó chịu thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng tiềm ẩn.
Bung nút nhầy do mẹ chuẩn bị sinh non
Trường hợp mẹ bầu bung nút nhầy trước tam cá nguyệt thứ ba kèm theo các triệu chứng đau lưng, đau bụng, đau vùng chậu, co thắt tử cung hoặc rỉ nước ối, mẹ cần đến bác sĩ kiểm tra ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu mẹ sắp sinh non.
Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung và chiều dài của nó xem có giãn nở sớm hay không? Nếu vẫn chưa đến ngày sinh mà cổ tử cung mẹ đã giãn nở, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu nghỉ ngơi tại giường hoặc dùng thủ thuật cerclage để khâu kín cổ tử cung và cho phép nút nhầy tái tạo, giữ nguyên vị trí.
Vừa rồi là những kiến thức về hiện tượng bung nút nhầy màu trắng ở cổ tử cung. Hy vọng bài viết có thể giúp mẹ hiểu hơn về hiện tượng này cũng như biết cách nhận diện và xử lý đúng cách khi hiện tượng này xảy ra.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!