Táo bón là vấn đề thường gặp ở trẻ em. Nhưng bệnh táo bón ở trẻ em nếu không quan tâm đúng mức có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho con.
Bệnh táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên (<3 lần/ tuần) hoặc đi tiêu đau, khó khăn, có thể gây khó chịu, căng thẳng cho bệnh nhi và gia đình. Vì vậy điều quan trọng là nhận biết sớm để ngăn chặn tình trạng táo bón kéo dài (mãn tính).
Khi nào trẻ được chẩn đoán là mắc bệnh táo bón?
Thống kê cho thấy có ít nhất 30% trẻ bị táo bón cần được quan tâm đúng mức. Theo tiêu chuẩn của NICE 2010, chẩn đoán của táo bón được xác định nếu có trên 2 tiêu chí sau:
- Có dưới 3 lần đi tiêu trọn vẹn trong tuần
- Phân cứng và to, phân dê, hoặc phân rất to, đi không thường xuyên, muốn làm nghẹt toilet
- Khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu
- Phân cứng gây chảy máu hậu môn
- Rặn, hành vi nín giữ phân
- Đã có những đợt táo bón trước đây
- Tiền căn hoặc hiện tại có nứt hậu môn, tiền căn đau khi đi tiêu và chảy máu do phân cứng
Ngoài các triệu chứng trong tiêu chuẩn chẩn đoán NICE, các triệu chứng khác có thể gặp:
- Kén ăn, đi tiêu được thì ăn khá hơn
- Đau bụng vùng dạ dày, giảm và hết đau bụng sau khi đi tiêu
- Thay đổi hành vi như cáu bẳn hay không vui vẻ
- Sốt ruột, bồn chồn mà trẻ phải đi vào nhà vệ sinh
- Táo bón nặng có thể gây tắc ruột hoặc gây tình trạng són phân (đi tiêu trong hoàn cảnh không thích hợp)
Nguyên nhân gây bệnh táo bón ở trẻ em
Táo bón chức năng:
Thường do chế độ ăn, uống và thói quen sinh hoạt chưa hợp lý.
Phần lớn táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng (90-95%). Các yếu tố góp phần dẫn đến táo bón chức năng rất đa dạng gồm:
- Hành vi nín nhin giữ phân: trẻ mải chơi, nhịn đi cầu làm cho phân to, cứng hơn, làm bị đau sau khi đi tiêu, trẻ lại càng tránh đi cầu, lần sau đi lại càng đau hơn
- Do môi trường toilet mới (trẻ mới đi học)
- Do chế độ ăn uống ít chất xơ, thiếu nước
- Trẻ hay căng thẳng hoặc ít vận động, đặc biệt là sau khi ăn
- Có thể không hợp với sữa công thức (sữa bột, sữa hộp uống liền)
- Trẻ bị táo bón do lạm dụng thuốc: Trẻ em thường có nhiều chứng triệu chứng phải điều trị bằng thuốc như còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, viêm đường hô hấp…
- Xu hướng tự nhiên của trẻ: một số trẻ nhu động ruột chậm, gây táo bón.
Táo bón bệnh lý:
Dù ít gặp nhưng bệnh táo bón ở trẻ em có thể là những biểu hiện các bệnh lý như
- Viêm đường tiêu hóa
- Bệnh lý tuyến giáp
- Bệnh lý hệ thần kinh
- Có thể do bệnh phình đại tràng bẩm sinh
- Hoặc bệnh lý xung quanh hậu môn.
Thật ra, nguyên nhân này tuy chiếm tỷ lệ không nhiều trong số trẻ mắc táo bón nhưng cha mẹ cũng nên đặc biệt lưu ý. Nếu không được khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời triệu chứng chuyển biến theo chiều hướng không tốt ảnh hưởng đến toàn cơ thể, bé có thể bị sút cân, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm…
Làm sao để biết trẻ bị táo bón chức năng hay táo bón bệnh lý?
Các dấu hiệu cần biết để loại trừ táo bón thực thể hay táo bón do bệnh lý:
- Táo bón xuất hiện từ rất sớm (trước 1 tháng tuổi)
- Tiêu phân su >48 giờ sau sinh
- Tiền căn gia đình có bệnh Hischpsrung
- Phân nhỏ, dài như bút chì
- Có máu trong phân mà không có nứt hậu môn
- Suy dinh dưỡng
- Sốt
- Ói dịch như mật
- Tuyến giáp bất thường
- Chướng căng bụng
- Dò quanh hậu môn
- Mất phản xạ hậu môn hay phản xạ da bìu
- Vị trí hậu môn bất thường
- Giảm phản xạ, lực cơ, trương lực cơ 2 chân
- Sẹo vùng hậu môn
- Lệch rãnh gian mông
Tuy nhiên, việc điều trị táo bón thực thể liên quan đến việc điều trị các bệnh lý hiện có (nếu có thể) kết hợp giải quyết táo bón.
Điều trị bệnh táo bón ở trẻ em
- Muốn điều trị táo bón ở trẻ, gia đình nên kiên nhẫn với bé: tập thói quen đi cầu hằng ngày cho trẻ, thời gian toilet để khoảng 3-5 phút. Không nên la mắng, đánh đòn nếu trẻ không phối hợp.
- Chế độ ăn lành mạnh: cho trẻ ăn các loại trái cây, rau củ thường xuyên trong và giữa các bữa ăn. Giới hạn lượng sữa bò tiêu thụ mỗi ngày. Trẻ từ 18 tháng tuổi chỉ nên tiêu thụ 500ml sữa bò mỗi ngày. Uống đủ nước.
- Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn mà có triệu chứng chậm đi tiêu (vài ngày mới đi tiêu, phân vẫn mềm) thì hầu hết là bình thường, bố mẹ trẻ nên theo dõi thêm.
- Những trẻ có phân cứng gây đi cầu khó, nứt hậu môn, cần có sự can thiệp bác sĩ, cho thuốc mềm phân, cho trẻ dễ đi cầu hơn sau đó tập thói quen đi cầu. Nếu trẻ có ứ phân thì phải tiến hành tháo xổ phân ngay. Nếu không có ứ phân thì phải điều trị duy trì ngay.
Táo bón ở trẻ em là hiện tượng thường gặp trong quá trình trẻ lớn. Chỉ cần bố mẹ quan sát kỹ lưỡng các dấu hiệu bệnh của con và kiên nhẫn điều trị, kết quả đạt được sẽ vô cùng mỹ mãn.
Xem thêm:
7 loại nước ép trái cây giúp bạn không bị táo bón
Bí kíp MASSAGE giúp trị đau bụng co thắt và táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị táo bón – Khi nào mới cần thụt hậu môn?
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!