Theo các nghiên cứu về sản phụ khoa, huyết trắng là dịch tiết âm đạo của người phụ nữ. Tuy nhiên bệnh huyết trắng thì lại rất nguy hiểm. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của chị em mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nguy cơ vô sinh, ung thư cổ tử cung.
Vậy bệnh huyết trắng là bệnh gì và chữa trị thế nào?
Huyết trắng là gì?
Huyết trắng là chất dịch nhầy được tiết ra ở âm đạo, huyết trắng có màu trắng sữa, giống như lòng trắng trứng, thường không có mùi. Tính chất và lượng huyết trắng tiết ra phụ thuộc vào nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể nữ giới.
Dịch tiết âm đạo bình thường của phụ nữ thường bao gồm 1-4 ml mỗi 24 giờ, trong suốt, nhầy và trắng đến vàng. Thường không mùi nhưng cũng có thể có mùi.
Các đặc tính của dịch âm đạo có thể thay đổi trong: mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai estrogen-proestin hoặc khi rụng trứng. Vi khuẩn Lactobacilli trong âm đạo duy trì độ axit bình thường trong dịch tiết âm đạo bằng cách sản xuất axit lactic.
Độ pH bình thường của dịch âm ở phụ nữ sinh sản (4.0-4.5) tạo ra môi trường chống lại mầm bệnh. Ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh có tình trạng estrogen thấp, pH âm đạo có thể từ 4,7.
Không chỉ có vai trò là chất bôi trơn trong đời sống sinh lý, huyết trắng còn là chất giữ ẩm. Nó giúp bảo vệ vùng kín khỏi sự tấn công của những tác nhân có hại.
Vậy bệnh huyết trắng là bệnh gì?
Huyết trắng là hiện tượng sinh lí bình thường ở nữ giới thế nhưng khi thấy huyết trắng ra nhiều, mùi hôi hoặc màu khác thường thì là dấu hiệu cảnh báo bệnh huyết trắng.
Huyết trắng bệnh lý có các biểu hiện như: số lượng nhiều, có mùi hôi, màu sắc thay đổi như vàng, xanh, trắng đục đóng thành váng.
Ngoài ra âm đạo xuất hiện các dấu hiệu như ngứa, bỏng rát, giao hợp đau, tiểu đau, tiểu nhiều lần, đau âm ỉ vùng bụng thấp. Bệnh huyết trắng thường xảy ra sau giao hợp, sẩy thai, sau sinh… Tác nhân gây ra huyết trắng có thể là do nấm men, tạp trùng hoặc trùng roi.
Nguyên nhân gây bệnh huyết trắng
Bệnh huyết trắng xảy ra do nhiều nguyên nhân như:
Do các bệnh lý liên quan đến tử cung
Một số bệnh phụ khoa là nguyên nhân của bệnh huyết trắng, có thể kể đến như viêm lộ tuyến cổ tử cung hay u xơ tử cung. Khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, khí hư ra nhiều sẽ có màu sữa đục, dính thành từng mảng và có mùi hôi, cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Tình trạng viêm càng nặng, khí hư ra càng nhiều và càng nặng mùi hơn. Ngoài ra chảy máu khi quan hệ tình dục cũng là một dấu hiệu đặc trưng của viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Đối với bệnh u xơ tử cung, bên cạnh những triệu chứng điển hình như rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo bất thường, chị em sẽ thấy khí hư được tiết ra nhiều hơn. Nếu kèm nhiễm khuẩn thì khí hư có lẫn máu hoặc mủ.
Nhiễm nấm Candida albicans
Nhiễm trùng do nấm Candida albicans là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến nhất ở các chị em phụ nữ.
Triệu chứng điển hình của nhiễm nấm gồm có: Khí hư có màu trắng đục, dính từng mảng như phô mai hoặc vón cục, thường không có mùi hôi, kèm theo ngứa rát ở âm hộ.
Bệnh thường xuất hiện do sử dụng kháng sinh kéo dài, có thai hoặc suy giảm miễn dịch.
Do tạp trùng
Khi vùng kín bị tấn công bởi tạp trùng, huyết trắng sẽ chuyển sang màu vàng hoặc xám, loãng, có mùi hôi tanh. Bệnh thường xuất hiện sau quan hệ tình dục hoặc do thụt rửa vào sâu bên trong âm đạo.
Bình thường, tại vùng kín có rất nhiều vi khuẩn tồn tại và sản sinh những chất có lợi cho hệ sinh dục. Nếu có những điều kiện bất thường như dùng kháng sinh gây chết những vi khuẩn thường trú hoặc thụt rửa âm đạo quá sâu.
Nó đẩy những vi khuẩn từ bên ngoài vào…. sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo, gây ra bệnh huyết trắng.
Do nhiễm Trichomonas
Trùng roi Trichomonas là một trong những tác nhân phổ biến gây bệnh huyết trắng.
Biểu hiện thường gặp khi nhiễm Trichomonas gồm có: Khí hư ra nhiều hơn bình thường, có màu vàng, xanh, thường loãng và có bọt, kèm theo ngứa rát âm đạo.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, bệnh huyết trắng còn có thể do vệ sinh vùng kín không đúng cách, mặc quần áo bó sát, không thay băng vệ sinh thường xuyên trong kỳ kinh.
Bên cạnh đó, thường xuyên thức khuya, căng thẳng đầu óc, rối loạn tâm lý cũng là những tác nhân gây ra bệnh huyết trắng.
Bệnh huyết trắng nguy hiểm như thế nào?
Bị huyết trắng bệnh lí nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không triệt để thì bệnh viêm nhiễm càng nặng hơn. Thời gian dài sẽ có nguy cơ lây lan, tái phát nhiều lần dẫn đến nguy cơ viêm, tắc ống dẫn trứng, trứng lép, trứng không rụng hoặc rất khó thụ thai.
Nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.
Bệnh huyết trắng còn gây phiền toái và cảm giác khó chịu với người phụ nữ trong cuộc sống. Và làm mất đi sự tự tin của chị em khi sinh hoạt vợ chồng.
Nó gây nên đau rát khi quan hệ, ảnh hưởng đến hạnh phúc trong đời sống vợ chồng.
Với phụ nữ mang thai do thay đổi nội tiết tố, giảm sức đề kháng, thân nhiệt tăng nên rất dễ bị nhiễm nấm gây bệnh huyết trắng.
Nếu tình trạng bệnh kéo dài, không được điều trị có thể dẫn đến viêm nhiễm, thủng màng ối non, rỉ ối và dễ gây sảy thai, sinh con thiếu tháng.
Bên cạnh đó bị phụ khoa huyết trắng còn là nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang, viêm niêm mạc tử cung và cổ tử cung, u xơ tử xung lâu ngày dẫn đến ung thư tử cung.
Cách phòng và điều trị bệnh phụ khoa huyết trắng như thế nào?
Để phòng và điều trị bệnh phụ khoa huyết trắng chị em cần thực hiện những điều sau:
- Đi khám phụ khoa định kì để phát hiện bệnh và tìm cách điều trị sớm
- Giữ gìn và vệ sinh vùng kín đúng cách sạch sẽ đặc biệt trong chu kì kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Không dùng dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh dễ làm mất cân bằng môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát sinh
- Mặc đồ lót làm bằng vải cotton, thoáng dễ thấm hút để tránh vùng kín bị ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát sinh, gây bệnh
- Tình dục an toàn
Nếu có dấu hiệu bất thường thì bạn cần đặt ngay câu hỏi bệnh huyết trắng là bệnh gì và nên đi khám ngay tại những địa chỉ khám bệnh phụ khoa uy tín. Không nên tự ý mua thuốc về dùng dễ dẫn đến nhờn thuốc, điều trị không hiệu quả, bệnh dễ tái phát.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!