Bệnh bạch hầu bùng phát nguy hiểm đã khiến Bộ Y tế ban bố ngay công điện khẩn về công tác tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đến Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng và Bình Phước.
Thêm một trẻ tử vong do bệnh bạch hầu
Chiều 3/7, TS.BS Phan Tứ Quí – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM – thông tin: sau thời gian điều trị tích cực vì mắc bệnh bạch hầu, bé trai G.A.P. (13 tuổi, dân tộc Mông, ở tỉnh Đắk Nông) đã không thể qua khỏi và tử vong.
Ban đầu tình trạng của bé P. là bị đau họng, ho, sốt khoảng 3 ngày thì được người nhà đưa đến địa phương để điều trị, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Lúc này, bé bắt đầu có biểu hiện khó thở, thanh quản nhiễm độc, nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp kéo dài.
Qua tìm hiểu, bệnh viện biết được bé chưa được tiêm phòng vắc xin bạch hầu. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lập tức chuyển viện đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ngày 25/6, sức khỏe bé P. bất ngờ trở nặng, xuất hiện các biến chứng loạn nhịp tim nên được đặt máy tạo nhịp, sử dụng thuốc trợ tim.
Bác sĩ Quí cho biết bệnh viện đã điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi nhưng bệnh nhi đã không thể qua khỏi.
Bé P. cũng là bệnh nhi thứ 2 tử vong do bệnh bạch hầu, sau bé gái người Mông 9 tuổi ở Đắk Nông, cũng bị bạch hầu ác tính. Bệnh ở giai đoạn nặng đã gây biến chứng lên tim, suy thận tử vong sau 2 giờ nhập viện. Bé gái này trước đây cũng không được tiêm ngừa bạch hầu.
Công văn của Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch bạch hầu
Bộ Y tế cho biết kể từ đầu tháng 6/2020 đến nay, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 26 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, riêng tỉnh Đắk Nông có 15 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong) và ở tỉnh Kon Tum có 11 trường hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tới thăm gia đình có người mắc bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông
Trước tình hình bệnh tiến triển phức tạp, và nhằm mục tiêu hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu:
- chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám và phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu
- cách ly kịp thời các trường hợp mắc bệnh tránh lây lan
- khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch
- quyết không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài
Đắk Lắk: Hơn 1.000 người phải uống thuốc phòng bệnh bạch hầu
Bên cạnh đó, trước tình hình bệnh bạch hầu bùng phát, phải có sự chuẩn bị sẵn về các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, tiến hành điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; mở các đợt tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng và chữa trị kịp thời.
Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Phải nâng cao ý thức của người dân để cùng chủ động phòng chống dịch
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cần phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tiến hành giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân nắm bắt về bệnh và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu; phối hợp với các sở ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên toàn địa bàn.
Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm hỏi các trường hợp được cách ly theo dõi bạch hầu
Sở Y tế các tỉnh gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận và điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông chuyển đến theo đúng quy định về điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.
Sở Y tế các tỉnh phải thường xuyên báo cáo tình hình thu dung và điều trị người bệnh bạch hầu về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo đúng quy định hiện hành.
Theo phunuonline
Xem thêm:
Bé gái 9 tuổi tử vong vì mắc bạch hầu, cách ly khẩn cấp 355 người dân ở Đắk Nông
Ai dễ có nguy cơ bị lây bệnh bạch hầu? Người lớn có thể tiêm vắc xin bạch hầu hay không?
Bệnh bạch hầu cực kỳ nguy hiểm cho trẻ em và người cao tuổi – Cách nhận biết và phòng tránh hiệu quả là gì?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!