Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có hại, có lợi và hệ tiêu hóa của bé còn non nớt (đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi). Để khắc phục tình trạng uống kháng sinh bị đi ngoài ở trẻ, bạn cần làm những điều sau: ngừng dùng kháng sinh, hỏi ý kiến bác sĩ; dùng Oresol bù nước;… giúp con cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Bạn nên đọc bài viết này để biết:
- Vì sao bé uống kháng sinh bị tiêu chảy?
- Triệu chứng tiêu chảy của bé khi dùng kháng sinh
- Làm gì khi bé uống kháng sinh bị tiêu chảy?
- Những lưu ý khi chăm sóc trẻ dùng kháng sinh bị tiêu chảy
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Vì sao bé uống kháng sinh bị tiêu chảy?
Bên trong đường ruột của chúng ta luôn tồn tại hàng triệu lợi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn. Các lợi khuẩn này giúp đường ruột của bé tiêu hóa bình thường. Chúng cũng giúp loại bỏ chất độc hại và kiềm chế các vi khuẩn có hại.
Bạn có thể chưa biết:
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy tốt nhất dành cho ba mẹ
Những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mà ba mẹ chớ coi thường!
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Kháng sinh là loại thuốc cần thiết để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, có khả năng kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Khi sử dụng một số loại kháng sinh có tác dụng và kéo dài, khi vào cơ thể, thuốc không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà diệt luôn cả vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng đường ruột.
Vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích hoạt quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết trong lòng ruột và làm cho trẻ bị tiêu chảy. Trong khi đó, vi khuẩn có lợi giúp cho quá trình hấp thu dưỡng chất từ thức ăn lúc này lại bị kiềm chế, vì thế trong giai đoạn này trẻ ăn uống khó tiêu, kém hấp thu hơn.
Các bé từ 2 tuổi trở xuống có hệ tiêu hóa rất yếu. Vì thế hiện tượng bé uống kháng sinh bị tiêu chảy càng dễ gặp. Theo nghiên cứu thì cứ 5 bé thì có 1 bé bị tiêu chảy khi uống kháng sinh. Nhưng ba mẹ cũng không nên lo lắng quá vì hầu hết các trường hợp này đều nhẹ. Tất nhiên, bé sẽ hoàn toàn ngưng tiêu chảy sau khi ngưng uống thuốc.
Triệu chứng tiêu chảy của bé khi dùng kháng sinh
Từ ngày thứ hai đến ngày thứ 8 dùng thuốc kháng sinh, bé sẽ bị đau bụng. Sau đó trẻ thường bị sôi bụng và tiêu chảy. Bé sẽ đi ngoài phân lỏng, nhầy hoặc phân xanh, có bọt, không thối hoặc dạng nước,… Số lần đi có thể từ 15-20 lần/ngày. Thời gian tiêu chảy thông thường ở bé kéo dài từ 1-7 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bé bị tiêu chảy từ ngày đầu tiên dùng thuốc. Đa phần các trường hợp tiêu chảy sẽ kéo dài đến khi bé ngưng thuốc.
Ở một số bé, do vi khuẩn có hại tăng nhanh có thể khiến bé bị sốt cao nôn mửa. Đồng thời theo đó là triệu chứng đau quặn bụng, trong phân có lẫn mủ. Nếu tiêu chảy kéo dài nghiêm trọng sẽ khiến bé bị rối loạn hấp thu và rối loạn chuyển hóa. Việc liên tục tiêu chảy khiến bé bị mất nước và bị rối loạn điện giải. Thậm chí, trong trường hợp tiêu chảy nặng, bé có thể bị loét hoặc thủng ruột.
Ngoài ra, nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài sẽ gây phình đại tràng nhiễm độc. Vì đại tràng đã giãn to và bị viêm nhiễm nên các độc tố bị ứ đọng bên trong. Các độc tố này sẽ hấp thụ qua thành ruột, vào máu gây ra các triệu chứng như: sốt, đau bụng, nhiễm độc toàn cơ thể, thủng vỡ đại tràng,..
Làm gì khi bé uống kháng sinh bị tiêu chảy?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, hầu hết các trường hợp nhẹ, triệu chứng sẽ giảm dần và hết hẳn sau vài ngày đến 2 tuần ngưng thuốc kháng sinh. Chính vì vậy mẹ không được tự ý ngưng thuốc vì có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của trẻ. Những lưu ý cho mẹ là:
Ngừng sử dụng kháng sinh và hỏi ý bác sĩ
Một trong những biến chứng chính của tiêu chảy liên quan đến kháng sinh là mất nước. Điều này dễ xảy ra hơn ở trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi. Khi bé bị tiêu chảy nặng, trước hết ba mẹ nên dừng ngày loại thuốc kháng sinh đang cho bé uống. Sau đó, nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp bù nước, điện giải cho bé.
Bù nước đúng cách
Theo bác sĩ Nam, khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất, tránh nước ép cam quýt và nước uống có gas vì có thể làm tình trạng của trẻ nặng hơn. Bên cạnh đó, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng dung dịch bù nước oresol hoặc viên hydrite.
Sau khi pha, ba mẹ nên cho bé sử dụng trong vòng 24 tiếng. Bạn nhớ lưu ý rằng khi không dùng hết thì nên bỏ đi. Thời gian bù nước kéo dài cho tới khi bé đi ngoài có phân sệt và không quá 3 lần/ngày.
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ bị đi kiết khác gì với trẻ bị tiêu chảy và lời khuyên hữu ích cho bố mẹ
Dấu hiệu bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em bố mẹ nào cũng nên biết
Đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa
Nếu trẻ mệt, đau bụng nhiều, bỏ bú, quấy khóc, tiểu ít,… nên cho trẻ đến gặp bác sĩ gấp. Ba mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh. Nếu không thể ngưng điều trị bằng kháng sinh thì các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Ví dụ như dùng thêm các chế phẩm vi sinh có chứa prebiotic và probiotic để cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột. Bác sĩ Nam lưu ý mẹ không được tự sử dụng thuốc ngưng tiêu chảy hoặc men tiêu hóa mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Thay đổi chế độ ăn cho trẻ
Thay đổi chế độ ăn cũng là cách mà ba mẹ giúp bé giảm triệu chứng tiêu chảy. Ba mẹ nên chọn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Và bạn cũng nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Mục đích là giúp hệ tiêu hóa của bé “giảm tải”, thức ăn dễ tiêu hóa hơn.
Chú ý vệ sinh cho vùng mông khô thoáng
Mẹ phải vệ sinh và giữ khô thoáng vùng da quanh hậu môn hoặc vùng đóng bỉm cho trẻ, tránh tình trạng hăm tã, bác sĩ Nam cho biết. Với những trẻ nhỏ, việc tiêu chảy dễ khiến trẻ bị nổi mẩn ngứa. Có trường hợp trẻ bị phát ban xung quanh hậu môn hay vùng mặc tã. Để giúp bé dễ chịu, ba mẹ nên chú ý vệ sinh kỹ càng cho bé. Sau khi bạn nên rửa sạch bằng nước, hãy lau khô. Tiếp đó, bạn hãy bôi một lớp Vaseline, kem kẽm hoặc kem chống hăm tã cho bé.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ dùng kháng sinh bị tiêu chảy
- Tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn điều trị của bác bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh bên ngoài để điều trị cho con
- Dùng kháng sinh đúng liều, theo đơn của bác sĩ, không nên dùng thuốc lâu hơn thời gian bác sĩ đã kê hoặc dùng gộp những liều đã bỏ lỡ.
- Không được tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy vì nó sẽ cản trở quá trình thải độc của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng không mong muốn.
- Sau khi bé khỏi bệnh, các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho con dùng loại kháng sinh gây tiêu chảy trước đó. Ở những lần trị bệnh sau, bạn nên báo cho bác sĩ loại kháng sinh gây tiêu chảy để có thể thay loại thuốc khác khi kê đơn.
Tạm kết
Hầu hết các trường hợp bé bị tiêu chảy khi dùng kháng sinh là nhẹ và bé sẽ hết khi dùng kháng sinh. Ba mẹ hãy đảm bảo bé bù đủ nước khi bị tiêu chảy. Đặc biệt, ba mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc. Hãy nhờ đến bác sĩ tư vấn, hỗ trợ và điều trị khi bé có dấu hiệu trở nặng.
Xem thêm
- Cách chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh – Mẹo hay dành cho mẹ
- Nuôi con không kháng sinh – Khi nào con bệnh mà không cần đến kháng sinh?
- Gợi ý thực đơn cho bé bị tiêu chảy để con nhanh lành bệnh
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!