Thai nhi ít đạp hơn bình thường mẹ có thể áp dụng một số cách như: đổi động tác, tư thế như đứng dậy, đi lại nhẹ nhàng, ăn đồ ngọt, uống nước lạnh…giúp kích thích bé đạp nhiều hơn.
- Khi nào mẹ có thể cảm nhận cú đạp của con?
- Làm gì khi bé đạp ít?
- Bé đạp quá nhiều hoặc quá ít – Có phải là hiện tượng bất thường?
Khi nào mẹ có thể cảm nhận cú đạp của con?
Bé chuyển động thông qua những cái đạp khi đang ở trong bào thai được xem là một trong các tín hiệu cực kỳ quan trọng để kiểm tra sức khỏe của thai nhi. Và quan trọng hơn hết nó báo hiệu thai nhi vẫn đang tồn tại, phát triển và lớn lên trong bụng mẹ. Do đó tất cả các bà mẹ khi mang thai đều cần thường xuyên quan sát và đếm số lần bé đạp, nhằm xác định xem bé có đang phát triển bình thường hay không.
Từ tuần thứ 16-18 của thai kỳ, các mẹ sẽ có thêm một trải nghiệm mới trong quá trình mang thai của mình, đó là những cái đạp, một cách thức kết nối giữa mẹ và bé. Trong thời gian đầu, có thể mẹ vẫn chưa cảm nhận được rõ nhưng khi thai nhi càng lớn lên thì mẹ sẽ càng cảm thấy rất rõ rệt điều này mỗi khi bé chuyển động.
Mẹ có thể quan tâm:
7 sự thật đáng kinh ngạc về những cái đạp của em bé trong thời kỳ mang thai
Bé đạp quá nhiều hoặc quá ít – Có phải là hiện tượng bất thường?
Đếm cử động thai nhi là một trong những việc cần thiết trong giai đoạn cuối thai kỳ bởi nó giúp mẹ theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi thông qua số lần cử động. Tuy nhiên, mẹ nên hiểu rõ việc cử động của thai nhi còn dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như thời điểm lúc bé đang ngủ.
Theo BS CKI Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park chia sẻ: Đôi khi thai máy ít, ít đạp hơn bình thường có thể là mẹ kiểm tra và quan sát vào lúc thai đang ngủ. Trường hợp xấu là sức khỏe của thai đang kém nên thai nhi ít đạp hơn bình thường.
Thông thường, các hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ không tuân thủ theo giờ giấc hay lịch trình nào cả. Tổng thời gian hoạt động trong 1 ngày của bé khoảng 1 giờ là đủ. Tần suất hoạt động của thai nhi ít hơn khi trẻ ngày càng lớn, không gian trong bụng mẹ ngày càng chật chội. Ngoài ra, khi mẹ bầu có thành bụng dày cũng sẽ khó cảm nhận được thai nhi đạp, cử động hơn mẹ bầu có thành bụng mỏng. Lượng nước ối trong bụng ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận thai máy của mẹ.
Tóm lại, trường hợp thai nhi đạp nhiều, mạnh hơn bình thường thì về mặt y học đây được xem là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên nếu ngược lại bé đạp ít đi hoặc không đạp thì người mẹ nên đặc biệt lưu ý. Nguyên nhân thai nhi ít đạp hoặc không đạp:
- Bé đổi tư thế, thường là có thể bé đã đổi sang vị trí ngôi mông, chân hướng về phía dưới, do đó khiến mẹ khó cảm nhận lúc con đạp.
- Bé thiếu oxy, trường hợp này thường gặp ở những thai phụ có các vấn đề khi mang thai như mẹ bị bệnh tiểu đường hoặc thai nhi chậm phát triển.
- Thai nhi đã không còn phát triển nữa (thai chết lưu).
Mẹ có thể quan tâm:
Làm gì khi bé đạp ít?
Nếu một hôm nào đó thai đạp ít hơn mọi ngày, bé yên ắng, mẹ có thể áp dụng một số cách như sau để kích thích phản ứng đạp của bé:
- Chuyển từ một hoạt động này sang hoạt động khác hoặc đổi động tác, tư thế như đứng dậy, đi lại nhẹ nhàng, mẹ có thể thử nằm ngửa rồi đổi sang nằm sấp một lúc. Khi đó sẽ giúp kích thích bé đạp.
- Ăn đồ ngọt như bánh, uống sữa ngọt, … và đợi từ 2-3 phút.
- Mát xa nhẹ nhàng toàn thân hoặc xoa bụng nhẹ nhàng. Với cách này không chỉ giúp kích thích để bé đạp mà còn giúp cho phát triển thể chất và trí não của thai nhi.
- Uống nước lạnh
- Dùng đèn pin soi trước bụng mẹ (nên chọn loại có ánh sáng thật dịu) như một cách giao tiếp với bé. Đây còn được xem là một phương pháp giúp kích thích, phát triển thị giác rất tốt cho em bé.
Trong trường hợp thai nhi ít đạp hay cử động nhẹ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp nhằm kích thích hoạt động của con. Nếu vẫn không có tiến triển mẹ nên đặc biệt lưu ý bởi có thể bé đang gặp triệu chứng bất thường trong bụng mẹ, nguy hiểm nhất là bé đang thiếu oxy.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần lưu ý, vào cuối thai kỳ, con đã lớn hơn rất nhiều về mặt kích thước cũng như trọng lượng. Do đó khoảng không gian để bé hoạt động cũng sẽ ít đi, dẫn đến tần suất em bé đạp giảm. Lúc này mẹ cần chú ý tìm hiểu cách tính số lần đạp của thai nhi hơn là độ mạnh yếu khi bé đạp. Cụ thể như:
- Trước khi đếm số lần bé đạp, mẹ bầu cần đi tiểu để làm trống bàng quang của mình, nằm thư giãn, tư thế thoải mái và đặt tay lên bụng để đếm số cử động của thai nhi trong vòng 1 giờ.
- Có ít nhất 4 lần cử động trong 1 giờ cho thấy thai nhi đang khỏe mạnh.
- Nếu thai nhi có ít hơn 4 lần cử động, mẹ bầu cần nằm nghỉ và tiếp tục đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ.
Trường hợp số lần đạp của bé ít đi đến mức chưa đến 10 lần trong 12 tiếng đồng hồ hoặc mẹ đếm số lần đạp của bé trong 1 tiếng đồng hồ sau khi ăn (sáng, trưa và tối) mà không đến 10 lần thì rất có thể đây là dấu hiệu báo cho mẹ biết thai nhi có điều gì đó bất bình thường. Khi đó mẹ nên đi khám ngay lập tức để được kiểm tra.
Nguồn tham khảo: Thế nào là thai máy yếu? – Vinmec
Xem thêm:
- Làm sao mẹ bầu biết thai nhi phát triển khỏe mạnh?
- Khám phá những điều thú vị về thai nhi trong bụng mẹ
- Thai nhi không ngừng chuyển động trong bụng mẹ!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!