Về vấn đề đại tiện ở trẻ sơ sinh, mẹ hãy quan sát phân của con thường xuyên. Nếu phân bé mềm, màu vàng, mùi không quá nặng, tanh nồng, bé không quấy khóc, lờ đờ, sốt hay bỏ ăn nghĩa là con vẫn khỏe mạnh bình thường. Bước sang tuần thứ 4 trở đi, khi đường ruột của bé ngày càng hoàn thiện, phát triển hơn, cơ thể hấp thu được chất dinh dưỡng nhiều lên. Lúc đó con sẽ không ị với tần suất nhiều trong ngày nữa.
Giãn ruột sinh lý khiến trẻ sơ sinh nhiều ngày không đi ngoài
Hiện tượng con đang xì xoẹt mỗi ngày 4-5 lần rồi đột nhiên 2-3 ngày, có khi 4-5 ngày con không đi ị làm mẹ lo lắng sợ con bị táo bón. Nhiều mẹ sẽ vội vàng tìm cách giúp con đi ngoài trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng này chính là quá trình giãn ruột sinh lý của trẻ sơ sinh, thời điểm diễn ra khoảng 2-3 tháng sau khi chào đời.
Giãn ruột sinh lý là quá trình phát triển tăng thể tích của ruột hơn mức bình thường.=. Hiện tượng giãn ruột sinh lý thường xảy ra với bé sau 2 tháng chào đời, tùy vào từng bé, có những bé xuất hiện sớm ngay khi bắt đầu bước sang tháng thứ 2 và có thể chênh lệch lên 2,5 – 3 tháng là bình thường.
Bé bú mẹ nhiều ngày không ị có phải là dấu hiệu bất thường?
Với các bé bú mẹ hoàn toàn, khi hệ đường ruột hoạt động ngày càng “trơn tru” sẽ giúp cho cơ thể trẻ sơ sinh hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng như tiêu hóa gần như toàn bộ các chất dinh dưỡng chứa trong sữa mẹ mà không để lại các chất xơ hay cặn bã để bài tiết ra ngoài.
Vì thế sẽ không có gì là lạ nếu bé bú mẹ nhiều ngày không ị. Thậm chí có những bé gần 10 ngày mới ị một lần vẫn có thể coi là bình thường.
Trường hợp con ị phân mềm, mẹ cũng nên để ý xem bé ị có dễ dàng không, có có rặn quá mạnh không, phân đầu có thể hơi cứng nhưng nếu không có các biểu hiện nói đến này thì mẹ chưa cần quá lo lắng về tình trạng bài tiết của bé yêu.
Cách xử lý khi bé bú mẹ nhiều ngày không ị
Mặc dù các mẹ đều nắm rõ rằng, trẻ sơ sinh nhiều ngày không đi ị dù bú mẹ hoàn toàn vẫn được xem là bình thường. Tuy vậy, cũng có mẹ cảm thấy lo lắng, sốt ruột muốn con ị thường xuyên cho yên tâm. Vậy trong trường hợp này mẹ có thể thử áp dụng một số cách đơn giản mà hiệu quả như sau:
- Mẹ cố gắng ăn hoa quả có lợi cho mẹ trong quá trình cho con bú như đu đủ chín, nước mận, chuối…
- Người mẹ chịu khó uống nước nhiều hàng ngày (tầm 2-3l, bao gồm cả các loại nước hoa quả, canh hoặc súp)
- Con cần được ăn sữa đầu vì thành phần sữa đầu thường chứa nhiều Lactose, giúp bé ị dễ dàng hơn
- Có thể tập cho bé các bài vận động giúp con bài tiết dễ dàng như động tác đạp xe đạp, mát xa theo chiều kim đồng hồ
- Cho bé ngâm người trong nước ấm cũng giúp con ị được dễ dàng hơn.
Bé bú mẹ không ị nhiều ngày, mẹ có nên thông hậu môn để đại tiện ở trẻ sơ sinh suôn sẻ hơn?
Trên thực tế, các bác sĩ nhi không khuyến khích thông hậu môn cho trẻ nếu con chưa có dấu hiệu cụ thể về bài tiết và chưa có chỉ định của bác sĩ.
Việc thông hậu môn có thể ảnh hưởng đến quá trình làm việc của đường ruột. Hơn nữa đây lại là cách chữa trị chỉ xét về lợi ích trước mắt mà không tìm hiểu nguyên nhân thực sự của trẻ. Một khi con được thông hậu môn thường xuyên, nhiều trẻ sẽ quen dần và không còn có cảm giác rặn nữa.
Khi nào thì bé bú mẹ có biểu hiện của tình trạng táo bón?
Nếu bé đã lớn và bước sang giai đoạn ăn dặm có thể gặp vấn đề nhiều ngày mới ị. Triệu chứng rặn khó khăn, đỏ mặt, đau vùng hậu môn, chất thải có lẫn máu chính là biểu hiện bé đang bị táo bón.
Mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống cho bé bằng các loại thức ăn giàu chất xơ như thêm hoa quả, canh, rau. Những bé có biểu hiện bị táo bón nặng thì mẹ nên đưa con đi khám để được tư vấn về cách điều trị tốt nhất.