Bé bị té sưng đầu phải làm sao? Khi nào nên đưa con đến khám bác sĩ?

Thông thường, có hai nguyên nhân chính khiến bé bị té ngã là sự bất cẩn của người trông coi và bé nghịch ngợm, hiếu động. Vậy bé bị té sưng đầu phải làm sao? Khi nào nên đưa con đến khám bác sĩ? Đọc bài viết của chúng tôi để được giải đáp các thắc mắc nhé!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bé bị té sưng đầu phải làm sao là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm. Khi con bị ngã sưng đầu, mẹ cần xoa dịu chỗ đau cho con, chườm lạnh, dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen với liều lượng phù hợp. Trong quá trình sơ cứu vết thương, bạn không nên bôi dầu, chườm nóng và di chuyển bé sang vị trí khác. Việc này không những không làm giảm sưng đau mà còn khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Bạn nên đọc bài viết này để biết:

  • Nguyên nhân khiến bé bị ngã đập đầu
  • Bé bị té sưng đầu phải làm sao?
  • Những điều không nên làm khi bé bị ngã sưng đầu
  • Khi nào cần đưa con đi khám bác sĩ?

Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.

Nguyên nhân khiến bé bị ngã đập đầu

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị ngã đập đầu. Thông thường con bị ngã đập đầu là do:

  • Sự bất cẩn của người trông trẻ: Nhiều phụ huynh không trông coi con cẩn thận dẫn đến tình trạng trẻ bị ngã từ giường, ghế, võng xuống dưới đất hoặc từ trên cao. Bên cạnh đó sự sơ ý khi để bé tuột tay rơi xuống cũng là nguyên nhân gây thương tích và đau đớn cho con.

Bạn có thể chưa biết:

Sơ cấp cứu các tai nạn cho bé (P1): Sơ cấp cứu khi bé bị các vật sắc nhọn đâm

Xe tập đi – bạn đồng hành hay đối tượng khiến mẹ canh cánh lo âu?

  • Bé nghịch ngợm: Con trèo lên các đồ vật không vững như: bàn, ghế,… hoặc các mặt bằng trơn trượt như nhà tắm, sàn nhà mới lau,… khiến bé bị ngã sưng đầu. Ngoài ra, trẻ nô đùa, xô đẩy nhau ngã hoặc bị té khi chơi thể thao cũng là những nguyên nhân làm con bị ngã đập đầu.

Chơi thể thao là một trong những nguyên nhân khiến bé ngã sưng đầu

Bé bị té sưng đầu phải làm sao?

Khi con bị ngã sưng đầu, cha mẹ cần bình tĩnh và cố gắng xoa dịu chỗ đau cho bé, không nên kích động vì sẽ khiến con bị hoảng sợ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Trường hợp đầu bé nổi cục u to, các bậc phụ huynh có thể chườm lạnh khoảng 20 phút. Sau khi chườm mà con vẫn đau thì khoảng 5-10 phút, bạn tiếp tục chườm 1 lần nữa cho bé. Ngoài ra, bạn có thể dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen với liều lượng phù hợp để giúp bé giảm đau ngay lập tức, nhưng cần theo sát tình trạng của con. Nếu bé có những biểu hiện bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trẻ em rất dễ té ngã, nhất là trong quá trình tập đi, và nếu khi té trẻ có đập đầu và sưng thì bạn cần lưu ý vì kích thước của vết sưng trên đầu không liên quan với mức độ nặng của chấn thương, nếu chủ quan có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Khi trẻ té, bạn cần xoa dịu trẻ để trẻ không hoảng sợ, nếu trẻ có thể nhận biết được thì hỏi trẻ nơi té, tư thế té và vị trí đau. Nếu trẻ có chảy máu thì việc cầm máu là quan trọng nhất, sau đó rửa sạch vết thương và băng bó lại, nếu vết thương lớn, chảy máu nhiều thì bạn băng ép vết thương lại bằng một lớp băng, ấn tay lên vết thương chừng năm phút để giúp cho việc cầm máu trước rồi chờ nhân viên y tế đến hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Bạn cần tránh làm nóng hoặc bôi dầu vào chỗ bị thương vì sẽ làm tình trạng nặng hơn, cũng không nên di chuyển trẻ ngay nếu trẻ té từ trên cao vì có thể ảnh hưởng đến cột sống. Trường hợp sau té mà trẻ bất tỉnh, nôn ói, có chảy máu ra ở miệng hoặc mũi, tay chân co giật bất thường, bạn cần đưa đến cơ quan y tế gần nhất ngay.

Trong thời gian sau đó, nhất là 36 giờ đầu, bạn cần quan sát các hiện tượng như trẻ có nôn ói, sốt, co giật, sắc mặt tái dần, giấc ngủ không yên hoặc ngủ mê mệt không, thỉnh thoảng lại gọi xem trẻ có tỉnh lại không vì nếu có hiện tượng chảy máu trong não, trẻ có thể ngủ thiếp đi rồi chuyển qua trạng thái hôn mê.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Để bảo đảm an toàn cho trẻ, khi trẻ bị té đập đầu, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, hoặc gọi ngay cho nhân viên y tế đến hỗ trợ nếu không chắc chắn việc trẻ có thể bị chấn thương cột sống không, vì nếu di chuyển trẻ lúc này có thể gây ảnh hưởng đến cột sống của trẻ sau này.

Những điều không nên làm khi bé bị ngã sưng đầu

  • Không nên làm nóng chỗ bị thương như lấy khăn ấm đắp lên vết thương. Dù việc này mang lại cảm giác dễ chịu nhưng khiến mạch máu bị giãn, làm máu chảy nhiều hơn.
  • Không nên bôi dầu gió: Bôi dầu gió sẽ khiến vết thương thêm nặng hơn, cũng như chỗ sưng đau không giảm.
  • Không di chuyển trẻ trừ khi trẻ đang trong tình trạng nguy cấp: Lúc này, những di chuyển không cần thiết có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho cột sống, vết thương sọ não hoặc những vết thương khác có liên quan.

Bạn có thể chưa biết:

Trẻ bị điện giật có ảnh hưởng gì không? Xử lý như thế nào khi trẻ bị điện giật?

Tai nạn ngộ độc ở trẻ em: Làm sao để tránh?

Không nên bôi dùng vì sẽ khiến vết thương của con bị nặng hơn

Khi nào cần đưa con đi khám bác sĩ?

Bất tỉnh: là trường hợp con bị một lực va đập mạnh gây tụ máu trong não. Dù bé bị bất tỉnh trong vài giây, bạn nên đưa con đến trung tâm y tế ngay lập tức.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Nôn ói trên 3 lần: Dù không chấn thương sọ não sau khi bị ngã, con vẫn có thể bị nôn từ 1-2 lần do khóc, ho hoặc sự va đập của hộp sọ. Tuy nhiên, nếu con bị nôn trên 3 lần thì khả năng cao là bé đang bị chấn thương sọ não và cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Để phòng trường hợp con bị nôn, trong vài giờ đầu sau khi bị ngã, bạn nên cho con bú sữa hoặc uống nước, tránh cho bé dùng thức ăn đặc.

Rối loạn tri giác: Sau khi bị ngã bé vẫn tỉnh táo nhưng một thời gian sau con có những dấu hiệu bất thường như: kích động khó dỗ, lơ mơ, tập trung kém, không nhận ra người thân,… thì nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được thăm khám.

Ngủ nhiều: Trẻ có xu hướng ngủ nhiều sau khi bị ngã. Điều này “vô tình” khiến cho việc theo dõi các biểu hiện bất thường trở nên khó khăn hơn. Lúc này, bạn cần theo sát những dấu hiệu khác thường của con trong khi ngủ.

Mất thăng bằng vận động: Chóng mặt sau khi bị ngã là biểu hiện bình thường. Tuy nhiên, nếu con bị mất thăng bằng khi di chuyển, kéo lê chân, mất phương hướng,… thì nên dẫn bé đến khám bác sĩ ngay. Ngoài ra, bạn cần theo dõi con có ngồi thẳng, đi lại vững vàng hay không. Đối với những trẻ chưa biết đi, bạn cần theo dõi xem con có quấy khóc nhiều không; có bò, ngồi bình thường được không;…

Dấu hiệu bất thường ở mắt: Trong vòng 24 giờ đầu, bé có thể xuất hiện các triệu chứng kỳ lạ ở mắt như: đồng tử 2 bên không đều, mắt lác, di chuyển va vào đồ vật,… Đối với những bé lớn hơn, con có thể mô tả được tình trạng của mình như nhìn mờ; nhìn thành hai; nước dịch từ lỗ mũi, lỗ tai; chảy máu;…

Nếu bé có những biểu hiện khác thường, gia đình có thể đưa con đến khám bác sĩ để được chuẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Nếu trẻ chưa biết đi bị té ngã, bạn xem con có bò, ngồi bình thường được hay không

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Tóm lại, khi trẻ bị té ngã, các bậc phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Nếu có biểu hiện bất thường, bạn cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị phù hợp. Có như vậy, con mới sớm phục hồi sức khỏe và tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

Karen Nguyen Le