Bầu mấy tuần thì nghén? Khi nào hết nghén? Có phải sinh đôi thì ốm nghén sẽ khác? Ốm nghén có nguy hiểm không? Bạn có thể làm gì để giảm ốm nghén. Đây là những câu hỏi chúng ta sẽ trả lời trong bài viết này.
Bầu mấy tuần thì nghén?
Ốm nghén là tên gọi của chứng buồn nôn và nôn khi mang thai. Có người buồn nôn thường xuyên, có người buồn nôn cả ngày. Nhưng cũng có người chỉ bị buồn nôn do một số mùi hoặc thực phẩm nhất định.
Ốm nghén thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Nhưng một số bà mẹ cho biết họ cảm thấy buồn nôn ngay khi mang thai 4 tuần (tức là chỉ 2 tuần sau khi thụ thai!). Tuần thứ 4 của thai kỳ là khoảng thời gian kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu.
Hầu hết phụ nữ có kết quả thử thai dương tính khi mang thai 5 đến 6 tuần (thường là 1 đến 2 tuần sau kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn).
Các triệu chứng có thể bắt đầu xuất hiện từ khoảng 6 tuần. Bạn có thể bị nghén nặng hơn và đạt đỉnh vào khoảng 9 đến 10 tuần. Sau đó nghén giảm dần khi bạn tiến gần hơn đến 12 – 14 tuần.
Khi nào ốm nghén kết thúc?
Đối với nhiều bà bầu, tình trạng ốm nghén bắt đầu cải thiện vào khoảng 12 đến 14 tuần. Hầu hết các bà mẹ sẽ hết triệu chứng nghén vào 16 đến 20 tuần. Nhưng cũng có 10% bị buồn nôn cho đến khi sinh.
Thỉnh thoảng, buồn nôn có thể xuất hiện trở lại trong tam cá nguyệt thứ ba. Đó là khi em bé lớn hơn, gây co thắt dạ dày và ruột của bạn.
Có phải sinh đôi thì ốm nghén sẽ khác?
Ốm nghén không bắt đầu sớm hơn nếu bạn mang song thai, nhưng nó có thể nghiêm trọng hơn. Giả thuyết cho rằng các hormone thai kỳ – chẳng hạn như progesterone và gonadotropin màng đệm ở người (HCG) được sản xuất bởi nhau thai – là nguyên nhân ốm nghén.
Nếu bạn đang mang thai song sinh, bạn có lượng hormone này cao hơn.Và do đó bạn có thể bị ốm nghén nặng hơn.
Ốm nghén có nguy hiểm không?
Ốm nghén có thể khó chịu và gây rắc rối trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nhưng điều tốt là ốm nghén rất hiếm khi gây hại cho bạn hoặc em bé.
Một Nghiên cứu năm 2016 từ Viện sức khỏe quốc gia cho thấy những phụ nữ bị ốm nghén có thể ít bị sảy thai hơn. Ốm nghén có thể chỉ ra rằng một nhau thai khỏe mạnh đang sản sinh ra nhiều hormone hỗ trợ mang thai.
Một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ có một dạng ốm nghén cực độ gọi là hypervesis gravidarum. Tình trạng này bao gồm buồn nôn và nôn nặng, không kiểm soát được.
Nó có thể dẫn đến giảm cân, mất cân bằng điện giải, suy dinh dưỡng và mất nước. Nó có thể gây hại cho bạn và em bé nếu không được điều trị.
Bầu mấy tuần thì nghén và nghén nhiều hay ít? Nếu bạn nôn quá nhiều, không thể ăn hoặc uống, bị sốt, giảm hơn 900gr trong một tuần, hoặc nước tiểu màu sẫm, hãy đi khám bác sĩ.
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của mẹ và em bé. Bạn cũng sẽ được kiểm soát nôn mửa để cơ thể giữ nước và nuôi dưỡng em bé.
Bạn có thể làm gì để giảm ốm nghén
Ốm nghén là việc hoàn toàn bình thường trong thai kỳ khỏe mạnh. Nhưng bạn không nhất thiết phải chịu đựng nỗi khổ này suốt 3 tháng thai kỳ. Có một số biện pháp bạn có thể làm để giảm ốm nghén:
- Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên (đừng nhịn ăn vì ốm nghén sẽ nặng nề hơn khi bụng đói)
- Ăn nhiều protein và carbs (tránh các thực phẩm gây nặng bụng, nhiều dầu mỡ).
- Uống trà gừng hoặc nhai kẹo gừng
- Uống trà bạc hà hoặc dùng tinh dầu bạc hà khuếch tán
- Châm cứu hoặc bấm huyệt
- Uống từng ngụm nhỏ chất lỏng trong suốt cả ngày
- Ăn bánh quy trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng.
- Tránh ngửi mùi mạnh
- Ăn các loại thực phẩm mà bạn không phải nấu như bánh sandwich, salad hoặc sinh tố trái cây.
- Uống nước chanh hoặc ngửi một ít mùi chanh.
- Tránh để cơ thể quá nóng
- Tiếp tục tập thể dục như đi bộ, yoga trước khi sinh hoặc bơi lội.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn khi có thể
Nếu bạn thấy các biện pháp khắc phục này không giúp vấn đề được cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa bổ sung vitamin B6 hoặc thuốc chống buồn nôn an toàn khi mang thai.
Lời kết
Vậy bầu mấy tuần thì nghén? Khoảng từ tuần thứ 6 của thai kì bạn sẽ bắt đầu bị nghén. Nếu bạn đã qua khoảng thời gian này mà không thấy dấu hiệu ốm nghén, chúc mừng bạn! Bạn là một trong số 20 – 30% phụ nữ may mắn không bị ốm nghén khi mang thai.
Xem thêm:
- Mẹ ốm nghén nhiều – con thông minh hơn? Liệu có phải không?
- Các biện pháp xử lý ốm nghén cho Mẹ Bầu…
- Bầu – 3 tháng đầu không nên ăn gì và cách để hạn chế ốm nghén…