Có bầu uống panadol được không? Có gây hại cho thai nhi không?

Có bầu uống panadol được không? Thực tế không phải trong loại thuốc panadol nào cũng chỉ chứa thành phần paracetamol. Mẹ chỉ được uống thuốc đau đầu cho bà bầu khi có sự chỉ định của bác sĩ theo đúng liều lượng và thời gian được kê trong đơn thuốc.

Có bầu uống panadol được không? Tùy vào thành phần có trong panadol mà biết liệu thuốc có thể sử dụng cho bà bầu hay không. Tuy nhiên mẹ không thể lạm dụng việc dùng panadol có thành phần paracetamol bất cứ khi nào mẹ thấy đau đầu được.

Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:

  • Tác dụng của panadol
  • Có bầu uống panadol được không?
  • Cần lưu ý gì khi uống panadol khi có bầu?
  • Các loại thuốc panadol trên thị trường
  • Một số biện pháp giảm đau đầu khi mang thai
  • Uống thuốc khi mang thai cần lưu ý những gì?

Tác dụng của panadol

Panadol là thuốc giảm đau có tác dụng giảm hiệu quả các triệu chứng phổ biến của cảm lạnh và cảm cúm bao gồm ho, sốt, đau nhức cơ thể, khó chịu, nghẹt mũi, đau họng nhẹ và đau đầu.

Đây cũng là một loại thuốc giảm đau đầu hiệu quả được tin dùng. Ngoài ra, thuốc còn bổ sung thêm vitamin C và không gây buồn ngủ. Vì vậy nhiều mẹ mang thai thắc mắc phụ nữ mang thai uống panadol được không, bà bầu uống panadol extra được không hay mẹ bầu có nên uống thuốc panadol viên sủi không. Liệu đây có phải loại thuốc đau đầu cho bà bầu hay không?

Mẹ có thể quan tâm:

Bà bầu cảm cúm uống thuốc gì và những lưu ý quan trọng khi bị cảm cúm

Có bầu uống panadol được không?

Có nhiều mẹ bầu bị mắc chứng đau đầu khi mang thai rất trầm trọng nên thường nghĩ tới việc dùng các loại thuốc đau đầu cho bà bầu. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc đều được dán mác chống chỉ định cho phụ nữ đang mang thai, và do đó cũng khiến cho nhiều mẹ bầu phân vân không biết có bầu có uống panadol được không.

Mẹ bầu uống panadol được không? (Ảnh: istockphoto)

Theo DS. Võ Trương Diễm Phương - Khoa Dược - Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Panadol có thành phần hoạt chất là Paracetamol, có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Hoạt chất paracetamol được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ xếp vào mức B theo mức độ nguy cơ. Nghĩa là các nghiên cứu về sinh sản trên động vật không cho thấy có nguy cơ đối với thai và có một vài tác dụng phụ. Nhưng không có bất kỳ kiểm chứng nào trên phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, thuốc cũng chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, không điều trị được nguyên nhân gây bệnh. Nên sau khi sử dụng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm, mẹ bầu hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám, kiểm tra và điều trị phù hợp.

Cần lưu ý gì khi uống panadol khi có bầu?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị đau đầu có chứa các thành phần như: aspirin, paracetamol, ibuprofen và naproxen với các nhãn hiệu như Panadol, Decolgen, Tiffy... Các loại thuốc này nhìn qua thì có công dụng như nhau nhưng không phải thuốc nào cũng dành được cho mẹ bầu và thai nhi.

Thực tế không phải trong loại thuốc panadol nào cũng chỉ chứa thành phần paracetamol, và mẹ bầu cũng không thể lạm dụng paracetamol bất cứ khi nào mẹ thấy đau đầu được. Mẹ chỉ được uống thuốc đau đầu cho bà bầu khi có sự chỉ định của bác sĩ theo đúng liều lượng và thời gian được kê trong đơn thuốc. Tuyệt đối không được tự ý đi mua thuốc hay sử dụng quá liều lượng hay số ngày uống.

Về lâu dài, vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào đảm bảo rằng loại thuốc này sẽ không gây tác hại tới thai nhi. 

Theo PGS. TS. Dược học Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn Dược, đại học Y dược TP HCM ”Khi sử dụng thuốc giảm đau có chứa thành phần paracetamol, nên chọn nhãn hiệu thuốc có uy tín để đảm bảo chất lượng thuốc, cũng như bao bì đạt chuẩn giúp cho việc bảo quản thuốc tốt hơn. Bên cạnh đó, trước khi dùng cần lưu ý hạn sử dụng của thuốc. Điều đáng lưu ý không được bỏ qua khi sử dụng thuốc, không nên sử dụng một lúc nhiều loại thuốc cùng có thành phần paracetamol dễ dẫn đến tình trạng quá liều có thể gây tử vong”.

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong thai kỳ (Ảnh: istockphoto)

Các loại thuốc panadol trên thị trường

Hiện nay trên thị trường, thuốc panadol chủ yếu bao gồm hai loại:

Loại màu xanh

Chỉ chứa paracetamol được chỉ định dành cho mẹ bầu trong những trường hợp cần thiết.

Loại màu đỏ (panadol extra)

Ngoài paracetamol còn chứa thêm chất caffeine, là một chất kích thích có tác dụng không gây buồn ngủ. Chất này được khuyến cáo là không nên dùng cho bà bầu bởi tuy chưa có một bằng chứng nào cho thấy nó gây hại cho phụ nữ mang thai, nhưng theo các nghiên cứu về sinh sản trên một số loài động vật, caffeine có thể gây một số tác dụng phụ đối với thai nhi như tăng khả năng sảy thai, sinh non...

Panadol viên sủi

Theo khuyến cáo, thuốc chống chỉ định cho những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với Paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định sự ảnh hưởng của viên sủi đến cơ thể mẹ bầu hay thai nhi. Các nghiên cứu trên người và động vật vẫn chưa xác định được bất kỳ nguy cơ nào của Paracetamol đối với thai kỳ hoặc sự phát triển phôi thai.

Bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng loại viên sủi này nhưng đặc biệt chú ý đến liều lượng, thời gian dùng và tìm hiểu kỹ tư vấn của bác sĩ, dược sĩ. Đặc biệt việc dùng thuốc hạ sốt sẽ rất an toàn nếu như chỉ dùng sau bữa ăn, không tự ý thay đổi liều lượng vì việc này có thể gây hại đến thai nhi và cơ thể mẹ.

Ảnh: istockphoto

Một số biện pháp giảm đau đầu khi mang thai

Panadol có dùng được cho phụ nữ mang thai? Ở giai đoạn mang thai, để đảm bảo sức khỏe của thai nhi luôn ở trạng thái tốt nhất thì mẹ bầu nên phải hết sức chú ý đối với những loại thuốc được dùng trong thời gian này. Vì những loại thuốc ấy có thể gây những tác dụng phụ ngoài mong muốn đối với thai nhi. Cho nên, bất cứ loại thuốc nào mẹ bầu uống cũng phải dựa trên sự chỉ định của bác sĩ không nên tùy tiện uống thuốc. Khi mang bầu, nhiều mẹ thường xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, đau lưng, mệt, hoa mắt, choáng váng… mẹ nên áp dụng các biện pháp tự nhiên để giảm đau đầu.

Đầu tiên khi bị đau đầu, mẹ hãy uống một cốc nước để tăng lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là máu lên não. Sau đó tìm một nơi thoải mái, yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Nếu vẫn đau quá, mẹ có thể dùng khăn mát chườm đầu, thái dương và vùng mắt hoặc nhờ chồng massage cho nhé.

Để giảm hiện tượng này, mẹ cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa những thực phẩm chứa chất kích thích như đồ uống chứa caffeine hay chất cồn – nguyên nhân hàng đầu gây ra những cơn đau dữ dội.

Một phương pháp nữa là mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ, một ngày ngủ đủ 8 tiếng vào buổi tối, và một giấc ngủ ngắn ban trưa sẽ giúp đầu mẹ luôn thư giãn thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng

Tập thể dục cũng có tác dụng rất tốt giảm chứng đau đầu. Một vài môn thể thao nhẹ nhàng dành cho mẹ như yoga, thiền, đi bộ… Mẹ nên tuân thủ một cách nghiêm túc các chỉ dẫn của bác sỹ như loại thuốc, liều thuốc cũng như thời gian dùng thuốc để đảm bảo rằng thuốc không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả hai mẹ con.

Mẹ có thể quan tâm:

Khám phá thành phần dinh dưỡng bên trong thuốc bầu Prenatal và tất tần tật những điều mẹ cần biết trước khi sử dụng

Uống thuốc khi mang thai cần lưu ý những gì?

  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào mà không có ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, kể cả các loại thuốc thông thường như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu...
  • Phụ nữ mang thai nên chú ý tăng cường đề kháng cho cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh thông thường để giảm tỉ lệ sử dụng thuốc
  • Mẹ có thể dùng thêm các loại vitamin tổng hợp nhưng cần chú ý đến liều lượng và tốt nhất cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Nguồn tham khảo: Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt cũng cần đúng cách - Đại học Y dược TP HCM; Bầu dưới 3 tháng uống panadol được không? - Bệnh viện Từ Dũ

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

MeKrobis