Hầu hết phụ nữ sau khi sinh đều mắc phải 1 số vấn đề về sức khỏe trong đó có hiện tượng đau đầu, chóng mặt. Nguyên nhân bà đẻ bị đau đầu có thể do căng thẳng, mệt mỏi, estrogen bị suy giảm… và nhiều lí do khác nữa. Chị em đừng nên chủ quan nghĩ rằng đây chỉ là dấu hiệu không đáng lo ngại, ai cũng có thể mắc phải mà không quan tâm, tìm cách chữa trị kịp thời vì nó sẽ tạo điều kiện cho các bệnh lý nguy hiểm hơn phát triển.
Đâu là biểu hiện thường gặp ở bà đẻ bị đau đầu?
Hiện tượng mới sinh bị đau đầu còn gọi là sản hậu đầu thống – 1 bệnh lý khá thường gặp, chiếm tới 50% ở phụ nữ sau sinh.
Sau khoảng vài ngày đến vài tuần sau sinh, các mẹ dần xuất hiện chứng đau đầu sau sinh, cơn đau có thể bắt đầu đau từ vùng phía sau đầu hoặc xung quanh thái dương và lan dần ra khắp đầu. Mẹ sẽ có cảm giác đau nhói nhẹ hoặc cơn đau kéo dài liên tục. Cơn đau dần trở nên nặng hơn khi đi lại hoặc đột ngột đứng lên ngồi xuống trong tư thế thẳng đứng kèm với cảm giác mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của mẹ mà còn gây khó khăn trong quá trình chăm sóc trẻ.
Hiện tượng đau đầu kéo dài và trở nặng làm cho bạn có cảm giác đau nhói từng cơn, buốt óc và có thể xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn, đau bụng, nôn mửa. Các triệu chứng đau đầu thường mất đi sau 1 – 2 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài hơn nếu như đau đầu xuất phát từ 1 nguyên nhân nào đó nguy hiểm hơn sản hậu đầu thống nên chị em cần hết sức lưu ý.
Nguyên nhân của bệnh đau đầu sau sinh
- Thay đổi hormone: Sau khi em bé ra đời và nhau thai bong ra, các hormone trong cơ thể người mẹ sẽ có sự thay đổi, điển hình nhất là sự suy giảm estrogen để kích thích tiết sữa. Sự thay đổi này là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau đầu của mẹ
- Tác dụng phụ của thuốc gây tê/gây mê: Các loại thuốc tê, thuốc mê hỗ trợ trong quá trình sinh nở có thể gây ra 1 số tác dụng phụ lên cơ thể mẹ như làm mẹ tê buốt, đau đầu, chóng mặt sau khi sinh
- Căng thẳng, stress: Tình trạng này dễ gặp ở phụ nữ sinh con lần đầu, khi chưa có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. Nếu không có sự giúp đỡ, họ rất dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, đau đầu kéo dài, thậm chí là trầm cảm sau sinh
- Thiếu máu: Trong quá trình sinh mẹ mất rất nhiều máu. Sau đó khoảng 1 – 2 tuần thậm chí là 1 tháng, hiện tượng sản dịch mới hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy lượng máu nuôi đến não không đủ sẽ dẫn đến tình trạng bị đau đầu, chóng mặt
- Tác động của các gốc tự do: Tâm lý căng thẳng là điều kiện cho các gốc tự do phát triển. Chúng làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, ngăn chặn sự vận chuyển máu lên não và đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng xơ vữa, kết quả là dẫn đến những cơn đau đầu
- Các yếu tố khách quan khác: Phụ nữ sinh con sau tuổi 35, người có tiền sử đau đầu, người thường xuyên sử dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…) cũng dễ bị đau đầu sau sinh
Sau sinh bị đau đầu nguy hiểm như thế nào?
Bà đẻ bị đau đầu là hiện tượng dễ gặp song chị em không thể chủ quan vì nó có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần mẹ.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người mẹ: Khi bị đau đầu, mẹ trở nên mệt mỏi, mất ngủ, bỏ ăn… dễ dẫn đến ốm yếu, suy nhược cơ thể. Mẹ sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày cũng như việc chăm sóc em bé mới sinh. Trong trường hợp không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, mẹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất sữa
- Là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh: Đau đầu kéo dài gây ra tâm lý khó chịu, bất lực ở người mẹ. Nếu không có sự quan tâm, chia sẻ từ mọi người mẹ rất dễ rơi vào trầm cảm. Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
- Đau đầu sau sinh có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm khác: không phải tất cả các triệu chứng đau đầu sau sinh đều là sản hậu đầu thống. Nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nguy hiểm nữa như u não, viêm màng não hay co thắt mạch máu não
Điều trị chứng đau đầu ở phụ nữ mới sinh
Mọi loại thuốc sử dụng trong thời gian này đều phải có sự chỉ định của bác sĩ. Nhưng khi tình trạng đau đầu chưa quá trầm trọng, chị em có thể sử dụng 1 số biện pháp đơn giản sau:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn: thời gian ở cữ chính là thời điểm để bạn được nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng quãng thời gian hạnh phúc bên con yêu
- Vận động nhẹ nhàng: Thay vì chỉ nằm trên giường cả ngày các bạn hãy tập vận động nhẹ nhàng, có thể đi bộ hoặc tập yoga cộng thêm thường xuyên massage đầu giúp đầu óc thư giãn, giảm stress
- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng: Để bù đắp lại lượng máu đã mất trước đó và bổ sung dưỡng chất để sản xuất sữa cho con. Uống bổ sung viên sắt cũng là 1 cách giúp bù lại lượng máu đã mất khi sinh
- Xoa bóp, chườm để giảm đau: Sử dụng hai bàn tay xoa day nhẹ ở vùng thái dương ra đến giữa trán là một cách khá hữu hiệu để xua tan những cơn đau đầu. Bạn có thể dùng túi chườm nóng trực tiếp lên vùng thái dương và vùng cổ để các mạch máu lưu thông tốt hơn, giảm tình trạng đau đầu sau sinh
- Thăm khám thường xuyên: Trong trường hợp tình trạng mới sinh bị đau đầu kéo dài quá lâu (trên 3 tuần – 1 tháng) mà không có dấu hiệu thuyên giảm, người mẹ cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm phương pháp điều trị hợp lý
Lời kết
Bà đẻ bị đau đầu là tình trạng phổ biến sau sinh mà các mẹ thường gặp phải. Thông thường các cơn đau sẽ biến mất trong 1 tháng sau sinh. Ngoài vấn đề chăm sóc em bé thật tốt thì mẹ cũng nên dành thời gian để quan tâm đến bản thân mình để nhanh chóng phục hồi cơ thể. Đừng xem nhẹ tình trạng đau đầu và nên đi khám ngay nếu như có các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm:
- Đau đầu sau sinh thường: mẹ bỉm chớ vội xem thường
- Bao cao su đông lạnh: Cách giảm đau sau sinh hiệu quả không ngờ
- Đau đầu sau sinh: Chữa ngay nếu không muốn cơ thể gặp nguy!
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!