Bà bầu bị phù chân tháng thứ 7 có nguy hiểm không?

Khoảng 7/10 bà bầu bị phù chân tháng thứ 7 tại Việt Nam. Đây là tình trạng thường gặp, vì thế nhiều bà bầu không coi trọng nhiều. Tuy nhiên, biến chứng gây ra lại không hề nhẹ. Hiểu đúng về tình trạng này, bà bầu sẽ kiểm soát và giữ cho thai kỳ được tốt nhất.

Trong suốt hơn 9 tháng mang thai, bà bầu phải đối mặt với nhiều đớn đau, rủi ro và mệt mỏi. Khi bước sang tháng thứ 5, đặc biệt là tháng thứ 7, đa số bà bầu đều gặp tình trạng bị phù chân. Đây là tình trạng phần chân từ cổ chân trở xuống, nhất là ở bàn chân bị sưng lên, phù nề.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị phù chân tháng thứ 7

Cơ thể bị “xuống máu”

Để nuôi dưỡng tốt thai nhi trong suốt quá trình mang thai, cơ thể bà bầu phải sản xuất lượng máu và chất lỏng nhiều hơn 50% so với bình thường. Chất lỏng này sẽ tạo lớp đệm cho xương chậu và các mô. Cơ thể cũng dễ giãn nở hơn, tương thích nhịp nhàng với sự lớn lên của thai nhi. Lượng chất lỏng này tập trung ở chân và tay khiến chân bà bầu bị sưng.

Sự phát triển của tử cung

Thai nhi càng lớn, tử cung cũng lớn theo. Một áp lực lớn sẽ chèn lên tĩnh mạch chủ dưới, nơi bơm máu từ chi dưới về tim. Sức ép càng lớn, máu càng dồn nhiều xuống chân ở bàn chân, mắt cá. Từ đó xuất hiện tình trạng sưng phù.

Thay đổi nội tiết tố

Nội tiết tố thay đổi rất lớn khi bà bầu mang thai. Sự thay đổi này khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn. Tĩnh mạch sẽ gặp khó khăn khi vận chuyển máu từ chi dưới về tim.

Nguyên nhân khác

Nhiệt độ cao vào mùa hè theo nguyên lý “nóng nở, lạnh co". Bà bầu đứng trong thời gian dài, hoặc hoạt động nhiều trong ngày. Chế độ ăn ít kali, nhiều cafein, natri, … cũng khiến bà bầu bị phù chân tháng thứ 7.

Bà bầu bị phù chân tháng thứ 7 có nguy hiểm không?

Tình trạng này không gây đau đớn nhưng bất tiện và không thoải mái trong hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, nếu bà bầu bị phù chân kèm theo những dấu hiệu dưới đây thì nên cẩn thận:

  • Sưng phù dài ngày, tay và mặt cũng bị phù. Càng ngày càng phù lớn hơn.
  • Đau đầu, đau dưới xương sườn
  • Thị giác có vấn đề, nhìn lờ mờ
  • Nôn mửa

Trong trường hợp này, có thể bà bầu đang có nguy cơ bị tiền sản giật. Đây là một hội chứng của cao huyết áp trong thai kỳ. Những biến chứng nghiêm trọng có thể là suy yếu hệ thống thần kinh, thận, mạch máu, không cung cấp đủ oxy cho thai nhi.


Hoặc nếu một chân sưng nhiều hơn so với chân kia, bà bầu có thể gặp vấn đề về tĩnh mạch. Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch sâu - đông máu ở các tĩnh mạch sâu dưới chân - khá phổ biến ở các bà bầu.

7 gợi ý xoa dịu cơn đau cho bà bầu bị phù chân tháng thứ 7

  1. Không ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài để giúp lưu thông máu tốt hơn
  2. Đặt gác chân trên cao ngang tầm tim sẽ giúp bà bầu giảm sưng phù
  3. Uống nước nhiều hơn sẽ giúp bà bầu “nhắc" thận thải ra phần nước thừa. Lượng nước giữ lại trong cơ thể giảm nên chân bà bầu cũng bớt sưng theo.
  4. Giảm ăn và uống đồ có cafein mỗi ngày
  5. Cân bằng điện giải cho cơ thể. Mẹ có thể nạp muối (natri), kali, magie và canxi cần thiết để giữ cho cơ thể đủ nước. Các chất điện giải ở dạng bổ sung chất lỏng, ở dạng bột, hoặc từ thực phẩm cũng là gợi ý dễ tìm cho các bà bầu.
  6. Tập thể dục thường xuyên giúp tối ưu hóa hệ thống tuần hoàn. Nước dư thừa sẽ loại bỏ khỏi chân hoặc bàn tay.
  7. Sử dụng bàn chải khi tắm để hỗ trợ hệ thống tuần hoàn có thể giúp giảm nhẹ phù nề. Mẹ có thể cọ chải ở bàn chân rồi lên phía trên tim. Tác động này sẽ giúp di chuyển lượng chất lỏng trong suốt hệ thống bạch huyết và hỗ trợ tuần hoàn máu.

Bà bầu bị phù chân tháng thứ 7 là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, mẹ đừng vì quá phổ biến mà lơ là những biểu hiện bất thường, dẫn đến rủi ro đáng tiếc nhé!

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Nhi Le