Cùng tìm hiểu xem bà bầu bị đau mắt đỏ có nguy hiểm không và phải chữa trị như thế nào để không gây hại đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi ngay trong bài viết sau đây nhé!
Tìm hiểu về bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh do virut Adeno gây ra và có khả năng lây lan rất nhanh thông qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, qua nguồn nước hay đồ dùng cá nhân như khăn mặt, mắt kính,…
Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra với mọi lứa tuổi không chừa một ai. Trong đó, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng có sức đề kháng kém nên rất dễ bị bệnh. Bệnh lây ngay cả trong thời gian ủ bệnh và khi bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn có thể lây tiếp tục cho người khác trong vòng một tuần.
Bà bầu bị đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Bà bầu khi mang thai thường không được để cơ thể bị nhiễm virus vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Đối với bệnh đau mắt đỏ, nếu mẹ bầu không cẩn thận sẽ rất dễ bị bội nhiễm, khiến virus thâm nhập vào hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như ho, sốt, nổi hạch, tiêu chảy,…
Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính và dễ bùng phát thành dịch nhưng lại khá lành tính và ít để lại di chứng. Theo các bác sĩ, bản thân bà bầu bị đau mắt đỏ không gây ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu bà bầu không đi khám bác sĩ mà tự ý uống thuốc hay tra thuốc bừa bãi thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của em bé, nhất là phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
Cách chữa đau mắt đỏ cho bà bầu
Thực hư về phương pháp xông lá trầu trị đau mắt đỏ từ dân gian
Một số bà bầu rỉ tai nhau về phương pháp xông lá trầu không hoặc đắp cây lá bỏng để chữa bệnh đau mắt đỏ. Khi mới thực hiện xong, bạn có thể sẽ cảm thấy dễ chịu và đỡ cộm hơn. Tuy nhiên, một thời gian sau mắt sẽ càng sưng phù lên, đau nhức và thậm chí là chảy máu. Theo các bác sĩ, loại lá này có chứa tinh dầu nóng nên rất nguy hiểm và có thể gây bỏng giác mạc.
Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt
Theo các chuyên gia, một trong các cách chữa đau mắt đỏ cho bà bầu là sử dụng thuốc nhỏ mắt. Trong các đường thuốc thì thuốc nhỏ mắt là ít ảnh hưởng tới thai nhi nhất. Vì vậy, đối với trường hợp nhẹ, mẹ có thể dùng thuốc nhỏ mắt mà không cần phải lo lắng về tác động xấu của thuốc đến em bé nhé.
Hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Nhiều bà bầu bị đau mắt đỏ thường tự mua hai loại thuốc là Clodexa và Nemydexa để trị bệnh. Tuy nhiên, hai loại thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt, khiến bệnh không khỏi mà còn nặng lên thêm. Ngoài ra, bà bầu cũng không nên tự ý uống thuốc kháng sinh và một số loại thuốc khác để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong trường hợp cần phải dùng thuốc thì mẹ nhất định phải đến cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được bác sĩ khám, tư vấn và điều trị. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê những đơn thuốc khác nhau, thông thường là Hylene và Toeyecin. Bà bầu chỉ cần tuân thủ đúng theo liều lượng sử dụng cũng như thời gian điều trị mà bác sĩ đưa ra. Đừng quá nôn nóng khi điều trị các mẹ nhé bởi thời gian để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể cần khoảng 7 – 10 ngày.
Rửa mắt bằng nước muối sinh lý
Mặc dù nước muối sinh lý không có tác dụng điều trị đau mắt đỏ nhưng chúng có thể rửa trôi mầm bệnh, các chất dịch tiết và gỉ mắt, giúp làm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Mẹ bầu có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt nhiều lần trong ngày giúp đẩy bớt virus ra khỏi mắt
Tự cách ly, tránh lây cho những người xung quanh
Khi bị bệnh đau mắt đỏ, để tránh lây cho những người xung quanh, bà bầu cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên nhé. Nếu không có việc gì quan trọng thì hạn chế đi ra đường. Ngoài ra, mẹ tuyệt đối không được dụi tay lên mắt để tránh khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ cho bà bầu
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân dễ lây bệnh như khăn, gối, chậu rửa mặt, kính mắt với người khác. Ngoài ra, mẹ cũng không được dùng chung thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
- Thường xuyên giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng hàng ngày để ánh mặt trời giết chết vi khuẩn
- Không dùng tay dụi mắt, mũi, miệng
- Rửa mắt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt hoặc người nghi bị đau mắt đỏ
- Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bằng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
Vừa rồi là những cách phòng bệnh cũng như chữa bệnh đau mắt đỏ an toàn và không gây hại cho sức khỏe thai nhi. Chúc mẹ sẽ có một thai kỳ thật an toàn và khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Nhiễm nấm âm đạo trong thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 8 Cách chữa đau đầu cho bà bầu hiệu quả không cần dùng thuốc
- Bị trĩ khi mang thai, nỗi khổ có ai hiểu chăng?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!