Nếu mẹ thắc mắc bà bầu ăn mắm cá được không thì câu trả lời là được. Tuy nhiên mắm là món ăn chế biến từ thực phẩm sống nên mẹ cần lưu ý vài điều khi ăn để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu xem đó là những điều gì mẹ nhé!
Nội dung bài viết:
- Mắm cá là gì?
- Giá trị dinh dưỡng của các loại mắm cá
- Bà bầu ăn mắm cá được không?
Mắm cá là gì?
Mắm cá nói riêng và các loại mắm nói chung là món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam. Để có được mẻ mắm cá thơm ngon, người làm mắm phải thật khéo léo, tỉ mẩn và trải qua rất nhiều công đoạn.
Đầu tiên là chọn cá tươi ngon, đem về làm sạch sẽ và lóc hết xương, sau đó bỏ cá vào hũ ướp cùng với muối rồi đậy nắp thật kín, ủ cá trong 2 tháng hoặc lâu hơn để cá phân hủy, lên men và đạt được hương vị hoàn hảo. Mắm càng để lâu thì càng ngon và tùy theo vùng miền, khẩu vị mỗi người mà mắm sẽ được trộn thêm một số phụ liệu như thính, đường, … để tạo vị đặc trưng.
Loại cá nào cũng có thể dùng làm mắm cá, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến cá linh, cá lóc, cá sặc,… Hương vị mặn ngọt đậm đà và hấp dẫn của mắm cá rất dễ kích thích sự thèm ăn của các mẹ bầu. Không chỉ thơm ngon, mắm cá còn là món ăn rất giàu dinh dưỡng. Cùng tìm hiểu xem mắm cá cung cấp những chất dinh dưỡng nào cho cơ thể mẹ nhé!
Xem ngay:
Giá trị dinh dưỡng của các loại mắm cá
Những tưởng mắm là món ăn thanh đạm, đơn giản trong bữa cơm truyền thống của người dân Việt, thế nhưng chúng lại mang đến rất nhiều dưỡng chất cho sức khỏe như:
1. Sắt
Trong mắm cá cung cấp rất nhiều chất sắt. Đây là dưỡng chất vô cùng quan trọng trong thai kỳ, chúng có chức năng cấu tạo nên hemoglbin (một loại protein có trong cấu trúc của hồng cầu) giúp vận chuyển oxy đi tới các cơ quan.
Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng lên rất nhiều so với người bình thường. Bổ sung đủ chất sắt cho cơ thể sẽ giúp mẹ giảm thiểu tình trạng thiếu máu, sinh non, băng huyết hay nghiêm trọng hơn là thai nhi có thể bị chết lưu, tử vong sau sinh.
2. Chất béo Omega 3 (DHA và EPA)
Omega 3 là nhân tố quan trọng giúp thai nhi phát triển hệ thần kinh và thị lực của thai nhi. Ngoài ra, chất này còn có khả năng làm giảm chứng trầm cảm sau sinh của bà bầu và giúp bé sinh ra có hệ miễn dịch tốt hơn. Mắm cá là một trong những loại mắm truyền thống chứa hàm lượng DHA lớn, đặc biệt là những loại mắm được chế biến từ cá biển.
3. Các loại axit amin quan trọng
Trong mắm cá có chứa nhiều loại axit amin quan trọng như valine, isoleutine, phenylalanine, methyonine, lysine,… Đây là chất hình thành nên các tế bào, sửa chữa các mô và tạo kháng thể nâng cao miễn dịch cho mẹ bầu và thai nhi.
4. Vitamin B
Mắm cá cung cấp rất nhiều vitamin B1, B2, B12,… đây là những loại vitamin rất có lợi cho quá trình tạo máu của bà bầu trong kì thai nghén. Đặc biệt là vitamin B12 – chất này cơ thể không thể tự tổng hợp được mà cần phải bổ sung từ các thực phẩm bên ngoài.
Mẹ bầu cung cấp đủ vitamin B12 trong thời gian mang thai giúp bé sinh ra được khỏe mạnh, lành lặn, giảm nguy cơ mắc các dị tật ống thần kinh.
Xem ngay:
Bà bầu ăn mắm cá được không?
Bên cạnh hàm lượng dinh dưỡng cao cùng hương vị ngon khó cưỡng, nhiều mẹ bầu vẫn e dè không biết bà bầu ăn mắm cá được không vì đây là món ăn được chế biến từ thực phẩm sống, có nhiều loại vi khuẩn không tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Cùng tìm hiểu về những rủi ro mẹ có thể gặp phải khi ăn mắm cá sống nhé:
- Mẹ dễ bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn do hệ tiêu hóa của mẹ khi mang thai rất yếu và dễ mẩn cảm với các loại vi khuẩn, chưa kể một số loại mắm còn bị pha phẩm màu, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe
- Một số loại mắm được làm từ cá biển có chứa thủy ngân và chì. Dù ít hay nhiều thì khi ăn mắm đồng nghĩa với việc lượng chì, thủy ngân có trong cơ thể bà bầu sẽ tăng lên. Chì và thủy ngân có thể gây ra sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh, tổn thương hệ thần kinh ở thai nhi
- Mắm được ướp với lượng muối rất lớn để không bị hỏng nên mẹ ăn nhiều sẽ dễ khiến cơ thể bị phù nề, tăng huyết áp, tiền sản giật, tệ hơn là sảy thai.
Thực tế, bà bầu ăn mắm cá được không còn phụ thuộc vào cách mẹ ăn. Nếu như ăn mắm sống có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe thì mẹ có thể chọn ăn các món ăn có mắm đã được nấu chín như bún mắm, lẩu mắm, mắm cá kho, mắm chưng, mắm chiên,… để giảm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Mẹ có thể ăn cá trong thai kỳ không?
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương – P. Công tác xã hội Bệnh viện Từ dũ đã chia sẻ về những khuyến cáo của FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) và EPA (tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) liên quan đến việc ăn cá ở phụ nữ mang thai và người chuẩn bị có thai, được đưa ra vào năm 2017. Cụ thể là:
Mỗi tuần mẹ bầu nên ăn 2-3 khẩu phần cá với khoảng 250-350gr tổng cộng, nên ăn nhiều loại cá khác nhau
Mẹ nên tránh ăn các loại cá có nồng độ thủy ngân cao như: Cá thu vua, cá kiếm, cá mập, cá ngừ mắt to, cá ngói, cá tráp cam.
Các loại cá có chứa thủy với lượng trung bình như cá ngừ trắng, cá chép, cá mú, cá ngừ vây vàng, cá chim lớn, mỗi tuần bà bầu chỉ nên ăn ít hơn 170gram.
Kết luận
Vừa rồi là bài viết trả lời cho câu hỏi bà bầu ăn mắm cá được không. Câu trả lời là mẹ ăn vẫn được, tuy nhiên nên ăn mắm đã được nấu chín, đồng thời chọn mua ở những nơi uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để không gây hại cho cả mẹ và bé nhé.
Nguồn thông tin: Mẹ bầu ăn cá như thế nào cho an toàn? – Bệnh viện Từ Dũ
Xem thêm:
- Bà bầu ăn lẩu mắm được không? Có gây rối loạn tiêu hóa hay không?
- Giải đáp thắc mắc: Bà bầu có được ăn bún đậu mắm tôm hay không?
- 4 quan điểm sai lầm trong ăn uống khi mang bầu