Túi thai nằm lệch bên trái có nguy hiểm không? Thai nhi vẫn nằm trong buồng tử cung nên trong trường hợp này mẹ cũng không cần quá lo lắng. Mời các mẹ đọc thêm những nội dung dưới đây để có thêm thông tin về vấn đề này:
- Túi thai là gì?
- Vị trí túi thai
- Túi thai nằm lệch bên trái có nguy hiểm không?
- Mẹ nên làm gì?
Túi thai là gì?
Túi thai hay còn gọi là túi nước ối là một túi chất lỏng nằm trong dạ con giúp bao bọc, nuôi dưỡng thai nhi từ khi hình thành cho tới lúc chào đời. Trong túi thai có chứa carbohydrate, lipid, phospholipids, protein và ure để cung cấp đến bào thai, giúp bé dễ dàng di chuyển và cử động trong bụng mẹ, tránh được những va đập gây tổn thương.
Túi thai có thể nhìn thấy từ ngày thứ 17 thông qua hình ảnh siêu âm đầu dò qua ngõ âm đạo, đường kính rơi vào khoảng từ 2 – 3 mm.
Có một số trường hợp sau 17 ngày siêu âm chưa thấy túi thai thì chị em cũng đừng quá lo lắng vì thời gian xuất hiện túi thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trễ nhất là khoảng tuần thai thứ 5 – 6 là mẹ sẽ biết được chính xác sự xuất hiện của túi thai trong cơ thể.
Mẹ có thể quan tâm:
Túi thai nằm thấp có nguy hiểm không? 5 lưu ý vàng giúp mẹ bầu bảo đảm an toàn khi túi thai nằm thấp
Vị trí túi thai nằm ở đâu trong bụng mẹ?
Sau khi xảy ra quá trình thụ tinh, phôi thai sẽ di chuyển về buồng tử cung để tiến hành làm tổ. Bình thường vị trí làm tổ của phôi thai thường ở đáy buồng tử cung.
Trong suốt 9 tháng 10 ngày, thai nhi sẽ phát triển không ngừng qua từng tháng và vị trí của túi thai vì thế cũng có nhiều thay đổi. Trong 6 tháng đầu tiên, thai nhi liên tục thay đổi vị trí như xoay ngang, xoay dọc, lệch bên phải, lệch bên trái thậm chí nhào lộn… do túi ối đang còn “rộng rãi” so với kích thước của bé.
Bắt đầu từ tháng thứ 7 kích thước túi thai sẽ to lên nên bé sẽ cảm thấy chật chội, ít vận động hơn và đây là giai đoạn định hình vị trí của túi thai để chuẩn bị cho kỳ sinh nở sắp tới. Lúc này bạn có thể cảm nhận được vị trí của đầu, chân thai nhi thông qua hoạt động của con. Khi thai được 34 tuần sẽ có sự định hình ngôi thai đầu hoặc mông…
Túi thai nằm lệch bên trái có nguy hiểm không?
Nhiều mẹ bầu khi đi siêu âm bác sĩ kết luận thai nằm lệch trái trong buồng tử cung. Hiện tượng túi thai nằm lệch trái trong buồng tử cung có thể có 2 trường hợp xảy ra:
- Thai nằm trong buồng tử cung nhưng lệch về phía góc trái tử cung
- Thai nằm trong buồng tử cung nhưng lệch trái thân tử cung
Cả 2 trường hợp đều không quá nguy hiểm vì thai vẫn nằm trong buồng tử cung. Chính vì vậy mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quảng – Bác sĩ Sản phụ khoa, Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, còn có 1 trường hợp nữa có khả năng xảy ra là thai nằm ở đoạn kẽ vòi trứng (vị trí vòi trứng nối với tử cung). Thai đoạn kẽ còn được gọi là thai ngoài tử cung rất nguy hiểm, gây mất máu nhiều và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như những lần mang thai sau này. Cách điều trị là phẫu thuật lấy thai ngoài tử cung hoặc làm khối thai không phát triển và tiêu biến.
Ngoài ra, từ tuần thứ 24 trở đi, không ít bà mẹ cảm thấy bất an vì bỗng dưng bụng mình lệch hẳn sang bên trái, hoặc gồ lên về phía bên trái. Trái ngược với những lo lắng của mẹ về việc “thai có vấn đề” thì hiện tượng thi thoảng bụng bầu bị lệch, thay đổi hình dạng, có chỗ gò lên như khuỷu tay, bàn chân của bé… là biểu hiện của thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bé đang “nghịch ngợm” trong bụng mẹ và có những phản ứng với mùi vị đồ ăn của mẹ hoặc âm thanh từ bên ngoài.
Khi thấy bụng mình hơi biến dạng, lệch về bên trái, mẹ đừng quá lo lắng, rất nhanh thôi, bé sẽ trở mình và bụng trở lại hình dạng cũ.
Mẹ có thể quan tâm:
Siêu âm có túi thai nhưng chưa thấy phôi thai có phải dấu hiệu sảy thai?
Mẹ nên làm gì trong trường hợp túi thai nằm lệch về bên trái?
Như đã nói ở trên, hiện tượng túi thai nằm lệch trái không quá nguy hiểm, nên mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm dưỡng thai và chăm sóc bản thân để có 1 thai kỳ khỏe mạnh:
- Đi khám thai định kỳ: Việc khám thai định kỳ giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé đồng thời xử lý kịp thời các bất thường xảy ra. Ngoài ra, mẹ còn được các bác sỹ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe đúng cách để em bé phát triển toàn diện nhất.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Ngay cả khi túi ối nằm lệch thì việc nghỉ ngơi vẫn rất quan trọng để bạn có sức khỏe thai kỳ tốt nhất. Mẹ nên dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, nói chuyện cùng con mỗi ngày và đừng quên lựa chọn tư thế nằm để thai nhi cảm thấy thoải mái, nhất là những tháng cuối thai kỳ.
- Hạn chế vận động mạnh: Những áp lực lên bào thai khi chị em vận động mạnh sẽ khiến tử cung bị căng và tác động đến túi thai. Bạn nên tránh mang vác đồ nặng, đứng lên ngồi xuống đột ngột, lên xuống cầu thang… Hạn chế những hoạt động trên cũng giúp bạn phòng tránh nguy cơ động thai hay dọa sảy.
- Ăn uống đầy đủ và bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết: Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa nhiều bệnh tật, đồng thời giảm thiểu nguy cơ dị tật ở thai nhi. Vì vậy, các mẹ nhớ lựa chọn thực phẩm cần bổ sung ở mỗi giai đoạn của thai kỳ để chăm sóc sức khỏe bản thân và em bé một cách toàn diện nhất.
Tạm kết
Hành trình mang thai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng cũng là giai đoạn hạnh phúc nhất kể từ lúc chứng kiến que thử 2 vạch. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh để sẵn sàng chào đón con yêu.
Nguồn tham khảo: Khả năng thai nằm lệch góc trái về chính giữa có cao không? – Vinmec
Xem thêm
- Siêu âm thấy túi thai nhưng chưa thấy phôi thai có phải dấu hiệu sảy thai?
- Theo dõi túi thai sớm trong lòng tử cung có thực sự cần thiết?
- Kích thước túi thai theo tuần – Làm gì khi kích thước túi ối nhỏ hơn so với tuổi thai?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!