Tức bụng dưới khi mang thai tháng cuối là tình trạng khá phổ biến. Liệu đây có phải điềm báo nguy hiểm hay dấu hiệu sắp sinh không?
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị tức bụng dưới khi mang thai tháng cuối
Không ít mẹ bầu gặp phải tình trạng tức bụng dưới vào những tháng cuối cùng của thai kỳ. Theo nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.
Sự lớn lên của thai nhi
Đây được xem là lý do phổ biến nhất. Vào những tháng cuối, khi kích thước và trọng lượng của thai nhi lớn hơn, áp lực mẹ chịu cũng sẽ tăng. Do đó, mẹ bầu sẽ đối diện với tình trạng tức bụng dưới.
Sự căng cơ và căng dây chằng
Ở tháng cuối, cơ thể của mẹ bầu đã đạt trọng lượng lớn nhất. Lúc này, kích cỡ của bụng bầu cũng đạt mức tối đa. Thai nhi đã phát triển như một em bé sơ sinh hoàn chỉnh. Khi ấy, tử cung ngày càng nặng và lớn hơn. Phần dây chằng của khung xương chậu phải làm việc hết sức để có thể nâng đỡ tử cung. Từ đó, nó dẫn đến các cơn đau bụng dưới.
Thai nhi gò
Đôi khi, cảm giác đau của mẹ bầu là do thai nhi gò. Sự phát triển của em bé trong bụng mẹ chèn ép lên các dây thần kinh, cơ và từng thớ thịt. Điều đó gây ra các cơn đau âm ỉ hoặc căng tức.
Hormone thai kỳ
Các hormone thai kỳ tác động mạnh mẽ lên các cơ của thai phụ. Nó sẽ làm chúng trở nên yếu hơn trước. Vì vậy, chị em sẽ thấy khó khăn khi cử động và di chuyển. Cảm giác đau nhức cũng dồn xuống phần bụng dưới. Đặc biệt, khi mẹ bầu đứng lâu hoặc cử động mạnh sẽ thấy đau nhiều hơn.
Nguyên nhân khác
Một số lý do như mẹ bầu bị cúm, cảm lạnh, ho nhiều… cũng gây ra tình trạng tức bụng dưới khi mang thai tháng cuối.
Tình trạng tức bụng dưới khi mang thai tháng cuối có nguy hiểm đến mẹ và bé không?
Hiện tượng tức bụng dưới không phải quá hiếm gặp. Trên thực tế, hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải cảm giác này. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa và sức khỏe mà cường độ cơn đau sẽ khác nhau. Các chị em có thể tự cảm nhận mức độ đau của mình trước khi đến bệnh viện.
Trong trường hợp cơn đau xuất hiện sau khi ho mạnh, đứng lâu hoặc mang vác đồ nặng, bạn nên tạm dừng mọi hoạt động để nghỉ ngơi. Cơn đau sẽ biến mất ngay sau đó nên bạn không cần quá lo lắng. Ngược lại, nếu tình trạng tức bụng dưới xuất hiện liên tục và không có dấu hiệu giảm, đặc biệt là khi bụng bầu gò hơn 10 lần mỗi ngày, mẹ bầu cần cẩn trọng.
Bên cạnh cơn đau, các chị em cần chú ý đến các triệu chứng đi kèm như chảy máu hoặc dịch âm đạo. Nếu có các hiện tượng này, bạn có nguy cơ dọa sảy thai, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bong nhau thai.
Mẹo giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng tức bụng dưới
Thực tế, mẹ bầu không thể nào tránh khỏi tình trạng tức bụng vào những tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các mẹo làm giảm nhẹ cơn đau.
- Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu nên hạn chế di chuyển nhiều, vận động mạnh và mang vác đồ nặng. Chị em vẫn có thể đi lại và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng. Việc tập luyện sẽ giúp cho cơ thể dẻo dai và mạch máu lưu thông. Yoga là gợi ý lý tưởng dành cho bà bầu.
- Lúc nằm và ngồi, mẹ bầu nên chọn tư thế thoải mái nhất. Tốt nhất, bạn nên chọn nơi có điểm tựa. Bạn cũng lưu ý đứng lên và ngồi xuống từ từ.
- Vào tháng cuối của thai kỳ, bạn cũng nên kiêng quan hệ tình dục. Nguyên nhân vì chất prostaglandin trong tinh trùng kích thích tử cung co bóp. Nó gây ra hiện tượng chuyển dạ sớm.
- Mẹ bầu nên khám thai đều đặn theo lịch của bác sĩ. Trong tháng cuối, bạn nên lên đến khám ít nhất 1 tuần/lần.
Kết
Tức bụng dưới là hiện tượng không thể tránh khỏi vào tháng cuối của thai kỳ. Mẹ bầu nên chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như thăm khám đều đặn.
Xem thêm:
- Mẹ bầu 8 tuần bị đau bụng có nguy hiểm không?
- Mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
- Buồn nôn ở tháng cuối thai kỳ có phải dấu hiệu cảnh báo thai nhi gặp nguy hiểm?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!