Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng quan tâm. Các dấu hiệu ban đầu dễ nhận thấy là sốt cao đột ngột, sốt liên tục. Việc can thiệp kịp thời sẽ tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Nội dung bài viết:
- Sốt xuất huyết là gì?
- Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em
- Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết
- Cách phòng chống
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn Aedes Aegypti là vật chủ lây truyền virus Dengue. Virus Dengue xâm nhập thông qua vết muỗi đốt từ những muỗi cái mang mầm bệnh. Sau thời gian ủ bệnh 4–10 ngày, muỗi mang virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó.
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt có phải dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm?
Loài muỗi vằn Aedes Aegypti sống chủ yếu ở các vũng nước đọng nhân tạo. Điển hình như bể chứa lâu ngày, chậu cây thủy sinh. Muỗi Aedes Aegypti là những kẻ hút máu vào ban ngày. Giờ hoạt động cao điểm trong ngày của loài muỗi này là vào sáng sớm và chiều tà, trước khi mặt trời lặn. Đây là 2 thời điểm mà trẻ nhỏ rất thường hay vui đùa. Đặc biệt ở những nơi thiếu ánh sáng, trẻ rất dễ bị muỗi đốt nhưng không hề hay biết.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Câu hỏi: Biểu hiện sớm nhất của sốt xuất huyết trẻ em là gì? Ba mẹ nên làm gì để chăm sóc con tại nhà? Khi nào cần đưa con đi bệnh viện?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Bệnh sốt xuất huyết trẻ em thường biểu hiện sớm nhất bằng tình trạng sốt cao liên tục (> 38 độ), có thể kèm xuất huyết da niêm (chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, v.v…), đôi khi kèm mệt, đừ hoặc quấy khóc.
Khi thấy trẻ sốt cao liên tục tại nhà, ba mẹ nên lau mát tích cực cho trẻ bằng nước ấm trong 15-30 phút, có thể lặp lại mỗi 2 giờ nếu cần (thông thường dùng 05 khăn: 02 khăn đắp 02 bên nách, 02 khăn đắp 02 bên bẹn và 01 khăn dùng để lau khắp người cho trẻ) và cho trẻ uống nhiều nước.
Ba mẹ không nên tự ý cho trẻ uống quá nhiều thuốc hạ sốt vì có nguy cơ quá liều lượng cho phép, có thể gây tổn hại đến chức năng gan của trẻ. Khi trẻ sốt cao liên tục không giảm, mệt, đừ, kèm có các dấu hiệu xuất huyết da niêm như trên, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và làm thêm các xét nghiệm kiểm tra nhằm chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Dấu hiệu bé bị sốt xuất huyết biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn sốt
Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì than đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn. Biểu hiện phổ biến là da sung huyết (quan sát thấy có chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Kết quả xét nghiệm máu ở giai đoạn sốt thường không phản ánh rõ ràng. Cụ thể, dung tích hồng cầu (Hematocrit) đa số là bình thường. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần. Trong khi đó, lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm
Sau giai đoạn sốt, bé sẽ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Giai đoạn này thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm. Trẻ bị thoát huyết tương. Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 – 48 giờ. Nó làm tăng nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết.
Khi phụ huynh đưa bé đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc. Các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít. Huyết áp bị tụt hoặc không thể đo được huyết áp.
Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím. Các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, ở phần bụng, đùi, mạng sườn. Nếu trẻ bị xuất huyết ở niêm mạc sẽ chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
Giai đoạn phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 – 72 giờ là giai đoạn phục hồi. Bé sẽ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt có phải dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm?
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết
Khi trẻ có các dấu hiệu bị sốt xuất huyết, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Đồng thời trong quá trình chăm sóc trẻ cần chú ý các điểm sau:
- Luôn luôn theo dõi sát sao thân nhiệt của bé và báo cho nhân viên y tế ngay khi trẻ có biểu hiện sốt
- Tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt cho trẻ khi không có chỉ định của nhân viên y tế
- Hằng ngày cần chú ý vệ sinh mắt, mũi họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%
- Cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa, nước hoa quả…
- Bổ sung thêm nước cho trẻ
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, nên tắm nhanh khi bé không sốt.
Cách phòng chống sốt xuất huyết ở trẻ em
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ hãy thực hiện các biện pháp sau để phòng chống muỗi và sốt xuất huyết ở trẻ em:
- Đậy kín các dụng cụng chứa nước để muỗi không thể vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn để cá ăn hết lăng quăng.
- Vệ sinh môi trường sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến.
- Thay nước bình bông thường xuyên.
- Cho bé ngủ trong mùng mọi lúc.
- Cho bé mặc quần áo dài tay.
- Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi cũng như vợt muỗi.
Kết
Với những thông tin nói trên, hy vọng quý phụ huynh đã hiểu thêm về nguyên nhân cũng như các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng sẽ biết được những cách để phòng chống việc sinh sôi của muỗi. Trong những trường hợp nguy cấp, phụ huynh hãy đưa bé đến các cơ sở y tế để bác sĩ can thiệp kịp thời.
Xem thêm:
- Nếu không phải vào viện, phải chăm trẻ mắc sốt xuất huyết ra sao?
- Bệnh sốt xuất huyết có lây không và những lưu ý quan trọng để trẻ không bị lây bệnh
- Sốt xuất huyết khi mang thai – Căn bệnh nguy hiểm mẹ bầu cần cẩn thận
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!