Bí quyết để tránh cho trẻ sơ sinh bị nổi sảy là ba mẹ cần nắm vững cách chăm sóc làn da nhạy cảm của bé.
Trẻ sơ sinh bị nổi sảy là như thế nào?
Rôm sảy hay nổi sảy là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Với những ai lần đầu làm cha mẹ thường sẽ khá hoảng hốt khi thấy người con mẩn đỏ hàng loạt.
Ba mẹ có thể yên tâm rằng, nếu biết cách chăm sóc bé đúng cách thì rôm sảy sẽ nhanh chóng khỏi mà không cần sử dụng đến bất kỳ loại thuốc nào cả.
Theo các chuyên gia nhi khoa cho biết, rôm sảy là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh và thường mọc ở đầu, cổ, ngực, lưng… Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát.
Trẻ sơ sinh cho đến 3 tuổi thường dễ bị 3 loại rôm sảy là:
– Rôm dạng tinh thể: Thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi. Loại rôm sảy này không biểu hiện viêm, thường xảy ra do sốt cao và để lại các mảng da bị bong khi đã khỏi bệnh.
– Rôm đỏ: Thường xảy ra do thời tiết nóng ẩm.
– Rôm sâu: Xảy ra do tuyến mồ hôi bị tổn hại nặng nề, thường sau khi bị rôm đỏ kéo dài.
Khi bị rôm, trẻ có xu hướng cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu nên bé thường gãi nhiều ở các vùng có rôm, dẫn đến tấy đỏ.
Vì sao trẻ sơ sinh bị nổi sảy?
Rôm sảy xuất hiện khi bé ra mồ hôi nhiều nhưng lỗ chân lông bị bịt kín khiến mồ hôi không thể thoát ra. Trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị rôm sảy hơn người lớn là do có lỗ chân lông bé hơn.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh cũng có thể bị rôm sảy vào mùa đông nếu ba mẹ mặc quần áo cho bé quá nhiều và bé bị ra mồ hôi trộm thường xuyên.
Những bí quyết chăm sóc bé để con không còn rôm sảy
Hoạt động chuyển hóa của trẻ rất mạnh, thân nhiệt trẻ thường cao hơn người lớn, vì thế mà cơ thể trẻ có xu hướng ra mồ hôi nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến bé thường bị rôm sảy.
Về nguyên tắc, rôm sảy ở trẻ là do cơ thể con quá nóng mà ra. Chính vì vậy nếu môi trường sống của trẻ trở nên mát mẻ hơn thì rôm sảy cũng sẽ dần dần tự hết.
Tuy nhiên nếu rôm sảy tái phát nhiều lần sẽ phát triển thành bệnh rôm sảy sâu, lúc này mức độ của bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều so với lúc đầu, sự tổn thương không chỉ là trên bề mặt da của trẻ nữa mà là tổn thương vào lớp sâu bên trong da.
Chính vì vậy, ngay khi bé có biểu hiện rôm sảy thì ba mẹ nên chăm sóc để bé có thể nhanh khỏi chứ không nên để rơi vào tình trạng bé bị tái phát sẽ càng khó chữa.
Theo các bác sĩ nhi, để giúp bé không còn bị rôm sảy, ba mẹ có thể áp dụng những cách hữu ích sau:
– Hãy để trẻ ở nơi mát mẻ, nhiệt độ phòng 18-22 độ. Nếu là mùa nóng thì tốt nhất những lúc bé ngủ ba mẹ nên bật điều hòa cho trẻ để con vừa có giấc ngủ ngon lại đảm bảo nhiệt độ dễ chịu cho bé.
– Luôn luôn mặc quần áo với số lớp phù hợp theo từng mùa. Lưu ý là ba mẹ cần chọn cho bé quần áo với chất vải cotton thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
– Đảm bảo làn da của trẻ luôn khô thoáng, nếu thấy bé ra mồ hôi, đặc biệt là những vùng có nếp gấp như bẹn, nách, cổ thì cần tắm rửa sạch sẽ, lau khô cho bé.
– Có thể tắm cho bé với một số loại lá, quả mang tính mát như sài đất, mướp đắng, …
– Nếu trẻ đang bị rôm sảy thì không nên bôi bất cứ loại kem nào lên da trẻ vì điều này có thể khiến lỗ chân lông thêm bít tắc.
Trong trường hợp tình trạng rôm sảy của bé trở nên trầm trọng hơn như bé bị rôm sảy kéo dài, các nốt đỏ lan ra trên diện rộng đi kèm với mụn mủ, trẻ quấy khóc, ăn uống thất thường thì ba mẹ nên đưa bé đi khám để có hướng điều trị tốt nhất.
Xem thêm bài liên quan
Cách trị rôm sảy cho bé hiệu quả ngày hè thật đơn giản
Bệnh ngoài da ở trẻ em – 4 căn bệnh phổ biến bố mẹ chớ coi thường