Trẻ em hay chảy máu cam là bệnh gì? Theo các chuyên gia nhi khoa, đây là dấu hiệu của việc trẻ có thể bị thiếu vitamin hoặc mắc các bệnh bất thường như dưới đây.
Hiện tượng trẻ em hay chảy máu cam là bệnh gì?
Chảy máu cam là hiện tượng thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 2-12 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra chảy máu cam, trong đó phổ biến nhất là do thời tiết hanh khô, viêm mũi, thiếu vitamin…
Nhưng nếu trẻ thường xuyên bị và diễn biến nghiêm trọng, theo các chuyên gia, đó có thể là dấu hiệu của các bệnh như rối loạn đông máu, hay khối u mũi (có thể là u lành hoặc u ác), bệnh bạch cầu,… Do đó trẻ cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số bệnh liên quan tới biểu hiện trẻ em hay bị chảy máu cam
1. Rối loạn đông máu
Bệnh này còn được gọi là Hemophilia. Khi mắc bệnh, người bệnh không chảy máu nhanh hơn bình thường mà chảy máu lâu hơn bình thường do mang gen thiếu yếu tố đông máu.
Không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng nếu Hemophilia chưa “ập đến”. Tức là triệu chứng bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc thiếu hụt yếu tố với các triệu chứng như:
- Có máu trong nước tiểu
- Có máu trong phân
- Vết thâm tím sâu, lớn, không giải thích được
- Bị chảy máu quá nhiều
- Chảy máu nướu răng
- Bị chảy máu mũi thường xuyên, đau cứng khớp, gây khó chịu
Bệnh được chẩn đoán dựa vào lâm sàng và xét nghiệm cầm máu. Tuy là căn bệnh khó chữa nhưng hiện nay đã có loại thuốc giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai.
2. Trẻ bị khối u ở mũi
Với những trường hợp này, bệnh có thể biểu hiện ở 2 dạng là khối u lành tính và khối u ác tính.
Khối u lành tính – Polyp mũi ở trẻ
Trong mũi trẻ sẽ xuất hiện một khối u lành tính có hình dạng tương tự như giọt nước, những khối u này thường thấy ở hốc mũi và được hình thành từ lớp niêm mạc mũi – xoang.
Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất khi trẻ mắc bệnh là trẻ hay quấy khóc, chán ăn, chảy nước mũi thường xuyên và một số biểu hiện khác như:
- Một khối u nằm trong hốc mũi của trẻ khi được nội soi mũi
- Trẻ bị nghẹt mũi, khó thở, trẻ thở khò khè bằng miệng khi ngủ
- Thường xuyên chảy nước mũi, đôi khi nước mũi có màu xanh hoặc vàng đậm, ngửi có mùi hôi hoặc có hiện tượng chảy máu mũi
- Suy giảm khả năng ngửi hoặc mất đi khả năng ngửi
- Trẻ nhức đầu âm ỉ
- Ngủ ngáy, nhiệt độ cơ thể tăng cao, sốt cũng có thể là triệu chứng của polyp mũi
Để biết chính xác bệnh lý cũng như mức độ bệnh polyp mũi mà trẻ đang mắc phải, trước hết phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán bệnh lý rồi đề ra phương pháp điều trị phù hợp.
Khối u ác tính
Trường hợp khối u ác tính còn gọi là ung thư xoang hàm. Bệnh lúc đầu thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Nhưng khi khối u lớn, vách mũi xoang bị phá hủy, u lan rộng ra mũi sẽ gây nghẹt mũi và chảy máu cam ở trẻ. Khi u phá hủy thành trên của xoang hàm, mắt bị đẩy lên trên và lồi ra ngoài.
Cách điều trị:
Các bác sĩ thường điều trị ung thư xoang hàm bằng phẫu thuật cắt bỏ khôi u và xương hàm. Xạ trị chỉ có kết quả tạm thời và phải dùng kết hợp với phẫu thuật.
3. Bệnh bạch cầu
Ở trẻ em, hầu hết các bệnh bạch cầu là cấp tính với số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường được sản xuất trong tủy xương.
Trẻ bị bệnh bạch cầu có thể bị bầm tím và chảy máu rất dễ dàng, chảy máu cam thường xuyên hoặc bị chảy máu trong một thời gian dài bất thường dù với một vết cắt nhỏ vì bệnh bạch cầu phá hủy khả năng sản xuất tiểu cầu (có chức năng đông máu) của tủy xương.
Do đó, khi phát hiện trẻ có các triệu chứng bất thường trên, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bác sĩ để được kiểm tra bệnh và sớm có liệu pháp điều trị thích hợp.
Kết luận
Các bệnh trên đây thường đi kèm với dấu hiệu của chảy máu cam. Tuy nhiên trẻ cũng có thể chỉ do thiếu vitamin hoặc mất cân bằng độ ẩm trong mũi mà thôi. Các bố mẹ cần bình tĩnh. Trước hết là nên đưa trẻ đi khám để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Xem thêm:
- Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không? Phải sơ cứu như nào mới đúng?
- Xử lý chảy máu cam tại nhà như thế nào là đúng cách và khoa học?
- Mách bố mẹ 4 điều nên biết để xử lý khi trẻ bị chảy máu cam
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!