Trẻ 9 tháng biếng ăn là một tình trạng khá phổ biến ở nhiều gia đình có con nhỏ, các ông bố bà mẹ luôn phải đau đầu vì không biết con đang thực sự gặp phải khủng hoảng gì? Hiểu rõ những nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn chính là chìa khóa giúp cha mẹ cải thiện vấn đề ăn uống nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Nguyên nhân làm trẻ 9 tháng biếng ăn
Nếu mẹ không hiểu đúng tâm sinh lý và những nguyên nhân dẫn đến vấn đề về ăn uống của trẻ trong giai đoạn này thì mức độ biếng ăn của con sẽ càng trở nên nghiêm trọng, có thể trở thành biếng ăn tâm lý, ảnh hưởng đến thể chất và sự phát triển của trẻ.
Con mọc răng hoặc đang trong tuần wonder week
Trẻ 9 tháng biếng ăn có thể là do con đang mọc răng nên cảm thấy đau nướu, khó chịu khiến trẻ lười nhai. Một số bé còn nóng sốt kèm theo tiêu chảy nên vị giác thay đổi.
Ngoài ra, khi bé được 9 tháng tuổi cũng là lúc con rơi vào tuần khủng hoảng – wonder week. Đây cũng là giai đoạn con phát triển thêm một số kỹ năng khác như tập đứng, tập đi nên có thể vì quá mải mê, hào hứng với việc luyện tập nên nhịp sinh học và thói quen ăn uống của con cũng bị ảnh hưởng.
Sự thay đổi trong cách chế biến thức ăn
Thời điểm này, bé chuyển dần từ ăn bột, cháo nhuyễn sang cháo hạt vỡ, cháo nguyên hạt, cơm nhão hoặc một số loại tinh bột khác như bún, phở, nui. Ngoài ra, thức ăn không còn được xay nhuyễn mà chế biến dưới dạng băm nhỏ, thái hạt lựu để trẻ tập làm quen với việc nhai nuốt và xử lý thức ăn thô.
Việc thay đổi cách chế biến bữa ăn từ loãng đến đặc dần và lượng thức ăn cũng như số bữa ăn tăng lên có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ chưa thực sự thích ứng được trong thời gian đầu. Không ít trẻ khi chuyển sang chế độ ăn mới thường khó làm quen hơn và có thể dẫn đến tình trạng chán ăn, biếng ăn trong một vài ngày.
Bé gặp một số vấn đề về sức khỏe
Ngoài nguyên nhân sinh lý và tâm lý, con cũng có thể đang gặp một số vấn đề về sức khỏe dễ phát sinh trong giai đoạn này. Mẹ hãy cho con thăm khám sớm để biết được đúng nguyên nhân và cách điều trị.
Mách mẹ cách chăm sóc trẻ 9 tháng biếng ăn
Mẹ đừng quá lo lắng khi bỗng nhiên thấy phong độ của con giảm sút nếu nguyên nhân bé biếng ăn xuất phát từ những vấn đề sinh lý kể trên. Chính trẻ cũng chưa thực sự làm quen được với những thay đổi về thể chất của bản thân. Tuy nhiên tình trạng chán ăn cũng không thực sự đáng lo ngại vì thời gian sẽ không kéo dài quá lâu, nhiều nhất chỉ trong 1 tuần mà thôi.
Điều chỉnh cách chuẩn bị đồ ăn phù hợp với thời kỳ biếng ăn của trẻ
Mẹ hãy kiên nhẫn và quan tâm đến trẻ trong giai đoạn nhạy cảm này. Đối với những bé đang mọc răng, đồ ăn nên loãng hơn thường ngày, được chế biến bằng nguyên liệu mềm, có vị thanh mát, dễ tiêu hóa để bé có thể ăn tốt hơn. Các bữa ăn hàng ngày vẫn cần được duy trì đều đặn và con sẽ ăn uống bình thường trở lại khi thời kỳ này qua đi.
Tăng độ thô của thức ăn là một thay đổi cần thiết trong thực đơn ăn dặm của trẻ. Một số trẻ phải ăn bột quá lâu cũng thường không còn hứng thú nữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn này mẹ cũng không nên vội vã chuyển đổi thức ăn đột ngột. Hãy giới thiệu xen kẽ và thay đổi dần cách nấu nướng để trẻ làm quen.
Ngoài ra, các món ăn vẫn cần được đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết nhưng nên được chế biến hấp dẫn, thơm ngon, bắt mắt để trẻ hào hứng hơn với thực đơn ăn dặm mới.
Điều chỉnh thói quen chăm sóc
Bố mẹ cần thay đổi và điều chỉnh cách thức chăm sóc hợp lý và khoa học hơn khi bé biếng ăn:
- Không tạo tâm lý sợ ăn và không ép trẻ ăn nhiều. Mỗi trẻ có một nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Thay vì nhồi nhét con ăn nhiều, ăn liên tục khiến trẻ sợ hãi, khóc lóc, hãy quan tâm đến chất lượng bữa ăn để con có thể hào hứng khi được ăn trong không khí vui vẻ và thoải mái nhất
- Hãy để con được đói: cho trẻ ăn đúng giờ và đúng bữa. Thời gian bữa ăn không kéo dài quá 30 phút, các bữa ăn không quá gần nhau và không cho trẻ ăn vặt trước bữa chính dù chỉ là 1 chiếc bánh quy
- Thiết lập quy tắc bàn ăn: ngồi ghế ăn, không xem tivi, điện thoại, không đồ chơi, không ăn rong. Nguyên tắc này cần được cả gia đình thống nhất và không thỏa hiệp với trẻ dù bất cứ lý do gì
- Mẹ cũng nên quan tâm đến khẩu vị của bé trong ăn uống để có thể giới thiệu song song món con thích cùng các thực phẩm khác. Điều này vừa giúp trẻ không kén ăn mà lại vẫn được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cần thiết
Trẻ đang ốm hoặc mới ốm dậy, có thể phải điều trị bằng thuốc làm vị giác thay đổi khiến con mệt mỏi, chán ăn. Vì vậy, các món ăn giàu chất sắt, vitamin và khoáng chất không chỉ bổ sung thêm năng lượng, giúp sức khỏe con sớm hồi phục mà còn góp phần tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ trong mỗi bữa ăn.
Tạm kết
Trong suốt hành trình nuôi con của mình, mẹ sẽ phải cùng trẻ trải qua 1 hoặc vài giai đoạn biếng ăn và điều này có thể làm cả 2 mỏi mệt nếu mẹ không hiểu rõ nguyên nhân và bé không được chăm sóc đúng cách. Hãy luôn đồng hành với con trong thời điểm nhạy cảm này để bé có thể sớm lấy lại phong độ của mình nhé!
Xem thêm:
- Những gợi ý hiệu quả dành cho ba mẹ có con 10 tháng tuổi đang biếng ăn
- Trẻ 8 tháng biếng ăn làm bố mẹ lo lắng, hãy tham khảo các giải pháp sau
- Trẻ 16 tháng biếng ăn phải làm sao?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!