Lịch sinh hoạt cho bé 8 tháng cần sắp xếp thế nào để phù hợp với sự phát triển của bé, luôn là đề tài các mẹ muốn biết. Tuy nhiên, mẹ không nên cứng nhắc với bé theo lịch trình, hãy tôn trọng những nhu cầu ăn uống của bé.
- Mục đích xây dựng lịch sinh hoạt cho bé 8 tháng
- 1 số lưu ý khi xây lịch sinh hoạt của bé 8 tháng
Mục đích xây dựng lịch sinh hoạt cho bé
Người lớn chúng ta cũng nhận thấy rằng việc sắp xếp mọi thứ theo trình tự thời gian quen thuộc mỗi ngày sẽ khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Trẻ em cũng vậy, thay vì bị động và phải nương theo trẻ, mẹ có thể dự đoán được 1 ngày của mình và bé sẽ như thế nào, đồng thời tạo cho con thói quen nhất định và đều đặn.
Lịch sinh hoạt khoa học sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, hơn nữa mẹ cũng đỡ vất vả hơn khi giao bé cho người khác trông hay khi con đi nhà trẻ. Trẻ nhỏ dễ chịu hơn khi biết trước những việc sắp xảy ra với mình, người lớn theo đó cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
- Giúp các mẹ hình dung cụ thể về sinh hoạt thường ngày của bé trong khoảng 8 tháng tuổi.
- Giúp mẹ biết được giấc ngủ của con vào ban ngày và ban đêm thay đổi như thế nào theo lứa tuổi của con. Từ đó điều chỉnh lịch sinh hoạt sao cho phù hợp với tháng tuổi của bé và giúp con dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
- Mục đích xây dựng lịch sinh hoạt cho bé (Nguồn ảnh: unsplash)
Mẹ nên lưu ý điều gì khi thiết lập lịch sinh hoạt cho con?
Khi thiết lập giờ giấc sinh hoạt cho bé, mẹ cần phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng để bé dần quen với những khung giờ này. Ngoài ra mẹ cũng cần theo dõi việc ăn, ngủ, nghỉ của trẻ trong khoảng 2-3 tháng để nắm bắt nhịp sinh hoạt và lên kế hoạch phù hợp cho bé.
- Cần thực hiện theo lịch sinh hoạt tham khảo ít nhất từ 1 tuần trở lên. Do đó, trong thời gian này, mẹ hãy sắp xếp để không có các hoạt động đặc biệt khiến lịch sinh hoạt của bé sơ sinh bị xáo trộn như đi du lịch, thăm viếng họ hàng, v.v.
- Áp dụng lịch sinh hoạt này cho con khi bé đang trong trạng thái sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật.
- Đừng quên rằng lịch sinh hoạt này chỉ là phương hướng tham khảo để tạo ra một lịch sinh hoạt phù hợp nhất với bé của mẹ.
Lịch sinh hoạt cho bé 8 tháng tuổi
Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho – Bác sĩ Nhi sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết “Giai đoạn 8 tháng, bé đã có thể ăn bữa sáng, trưa và chiều mỗi ngày, cùng với khoảng 700 ml – 1000 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức. Mẹ có thể tìm hiểu và tham khảo các thực đơn dinh dưỡng để làm đa dạng các loại thức ăn cho bé. Về giấc ngủ, thời gian này trẻ ngủ khoảng 14 giờ trong ngày bao gồm cả giấc ngủ ban đêm và các giấc ngủ ngắn vào ban ngày”.
Đặc điểm giai đoạn này
Con hoạt động thể chất rất nhiều vào những tháng này bởi các kỹ năng mà trẻ đang phải hoàn thành như trườn, bò, đứng và đi. Con càng năng hoạt động vào ban ngày bao nhiêu thì sẽ tốt cho giấc ngủ của con bấy nhiêu. Do đó, mẹ cần chú ý xây dựng lịch sinh hoạt với các hoạt động kĩ năng thể chất nói trên xen kẽ. Thời gian này giấc ngủ ngày của con cũng đang ngắn dần và giờ giấc sinh hoạt của bé cũng có thể thay đổi.
- Con hoạt động thể chất rất nhiều vào những tháng này (Nguồn ảnh: unsplash)
Đặc điểm giấc ngủ của bé
- Trong lịch sinh hoạt cho bé 8 tháng, mẹ cần con ngủ 2 giấc ngày/ngày
- Bé 8 tháng sinh hoạt thế nào? Thời gian con có thể thức tối đa là từ 3-4 tiếng đồng hồ
- Thời gian tối đa cho một giấc ngủ ngày của con là 2 tiếng. Không nên ngủ quá thời gian này để khỏi ảnh hưởng tới giấc ngủ đêm của con.
Thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi mà mẹ có thể tham khảo:
|
Giờ |
Hoạt động |
Lưu ý |
7 giờ sáng |
Thức giấc |
– Kéo rèm, bật đèn cho phòng sáng
– Thực hiện các hoạt động buổi sáng như rửa mặt, thay bỉm.
– Tập cho con thói quen thức dậy là ngồi bô luôn để cho con ý thức được chuyện đi vệ sinh. Giúp con sớm bỏ bỉm khi bước vào 1 tuổi rưỡi – 2 tuổi. |
7.30-8.30 giờ sáng |
Ăn sữa + Ăn dặm
(Có thể cho ăn dặm trước rồi bú sau.
Với bé ăn dặm BLW thì ăn sữa trước rồi ngồi tập ăn dặm sau cũng không sao) |
– Vuốt ve bé trong khi cho con ăn sữa
– Bé không cần vỗ ợ hơi sau khi ăn nữa
– Tập ăn theo một giờ cố định
– Sữa vẫn là thức ăn chính nhưng thức ăn dặm nên tăng dần về lượng cũng như độ thô |
8.30 – 9.30 sáng |
Hoạt động cho bé |
– Đi dạo ở những nơi không khí trong lành
– Tập các bài thể dục cho bé
– Chơi với con hoặc để bé tự chơi
(Cần tạo ra các trò chơi để bé vận động cho các kĩ năng trườn, bò, đứng và tập đi càng nhiều càng tốt) |
9.30 -10.30 sáng |
Ngủ sáng |
– Giấc này đang ngắn dần
– Không nên để bé ngủ quá 1 tiếng rưỡi
– Một số bé đã có thể bỏ giấc này. Nếu con không thức được đến giấc trưa tiếp theo thì mẹ nên đẩy giờ ăn sớm lên và cho bé đi ngủ tầm 11 giờ-11 giờ rưỡi
– Khi ngủ dậy nên cho bé tập ngồi bô luôn để con hình thành thói quen đi vệ sinh |
10.30-12.30 giờ trưa |
Ăn dặm + sữa |
– Tăng dần lượng ăn và độ thô của thức ăn dặm
– Sau khi bé ăn thì cho con tập ngồi bô |
12.30 – 2.30 chiều |
Ngủ trưa |
– Con chỉ nên ngủ từ 1,5- 2 tiếng
– Cần đánh thức con dậy trước 3 giờ chiều
– Sau giấc ngủ tập cho con ngồi bô |
2.30 – 3.00 chiều |
Ăn sữa |
– Vuốt ve bé trong khi cho con ăn
– Cho bé ăn trong môi trường yên tĩnh để con tập trung vào việc ăn sữa |
3.00 – 5.00 chiều |
Hoạt động dành cho bé |
– Tập các bài thể dục cho bé
– Chơi với con hoặc để bé tự chơi
(Cần tạo ra các trò chơi để bé vận động cho các kĩ năng trườn, bò, đứng và tập đi càng nhiều càng tốt) |
5.00 chiều – 5.30 chiều |
Ăn dặm bữa chiều |
– Thức ăn dặm tăng từ từ về lượng và độ thô
– Cho bé tập ngồi bô sau bữa ăn |
5.30 chiều- 6.00 chiều |
Tắm trước khi đi ngủ |
Tắm rửa nhẹ nhàng, mát-xa để giúp bé thư giãn trước khi đi vào giấc ngủ |
6.00 chiều – 7.00 tối |
Cho bé đi ngủ giấc tối |
– Cho bé ăn sữa trước khi ngủ trong phòng ánh sáng vàng mờ
– Để bé ăn thật no theo nhu cầu
– Tránh để bé thiếp đi trong lúc ăn sữa
– Có thể hát ru, mát-xa hoặc vuốt ve bé nhẹ nhàng. Cần dành ít nhất 30 phút để giúp con thư giãn trước khi đi vào giấc ngủ tối |
7.00 tối – 7.00 sáng hôm sau |
Ngủ giấc đêm |
Cho bé ngủ trong phòng tối hoặc càng ít ánh đèn càng tốt |
7 điều cần lưu ý về thói quen sinh hoạt của trẻ
- 7 điều cần lưu ý về thói quen sinh hoạt của trẻ (Nguồn ảnh: unsplash)
- Tầm 1 tuổi 3 tháng, hầu hết trẻ đã bỏ giấc ngủ sáng. Nếu ban đêm con khó đi vào giấc ngủ, mẹ có thể tập cho bé không cần ngủ giấc sáng nữa.
- Con đã tăng dần lượng thức ăn dặm vào những tháng này. Do đó, sau bữa ăn mẹ nên tập cho bé uống sữa bằng cốc hoặc ống hút.
- Hầu hết trẻ nên ngủ xuyên đêm khi bước sang tháng thứ 9.
- Nếu giảm bữa sữa và sữa mẹ cũng ít đi thì nên tăng lượng và bữa sữa vào ban ngày cho con, không tăng bữa đêm.
- Một số trẻ thức giấc sớm từ lúc 5 giờ sáng. Nếu mẹ không thấy quá mệt thì có thể bắt đầu lịch sinh hoạt của một ngày mới luôn cho con khi đó (có thể điều chỉnh giờ ngủ buổi sáng kéo dài ra).
- Bé khóc vào ban đêm không phải lúc nào cũng có nghĩa là con đói. Bé sơ sinh thường mơ ngủ và khóc 1 tiếng 1 lần. Do đó, nếu bé khóc, hãy đợi từ 2-3 phút rồi mới can thiệp và không giải quyết bằng cách cho bé bú.
- Nếu muốn duy trì cho con bú mẹ được lâu thì có thể phải thêm 1-2 bữa sữa về đêm.
Dựa trên thời gian biểu cho bé 8 tháng kết hợp với đặc điểm phát triển thể chất của bé, mẹ có thể tự xây dựng cho bé nhà mình một lịch sinh hoạt thật phù hợp với điều kiện của gia đình. Từ đó giúp con ổn định về nề nếp ăn và ngủ được tốt hơn.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!