Sau sinh là khoảng thời gian các mẹ cần nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể để vừa nhanh lại sức, vừa chăm con. Đặc biệt, tháng đầu tiên sau khi sinh, chuyện ăn gì, uống gì rất quan trọng. Những món ăn nào nên ưu tiên trong thực đơn cho bà đẻ trong tháng? Thực phẩm nào cần mẹ sinh mổ, sinh thường cần tránh?
Những lưu ý khi chọn thực đơn cho bà đẻ trong tháng
- Mẹ cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cơ bản: chất béo, đạm, chất xơ, tinh bột và đường. Lúc này, cơ thể người mẹ rất yếu, cần được cung cấp nhiều dinh dưỡng. Nếu thiếu một trong bốn nhóm chất này, cơ thể không thể hồi phục nhanh, dễ thiếu sữa cho con.
- Bổ sung các món ăn lợi sữa, luân phiên thay đổi thực đơn để tránh bà đẻ bị ngán. Mẹ nên bổ sung nước, sữa, nước ép quả hoặc hạt. Đặc biệt, phải luôn luôn có các món canh trong bữa ăn.
- Thức ăn nên được chế biến khi còn tươi để đảm bảo độ thơm ngon, dinh dưỡng.
- Không nên cho bà đẻ ăn quá nhiều và ăn liên tục các thực phẩm như chân giò hầm, thịt rang nghệ, trứng,… Những thực phẩm này nếu bổ sung thừa sẽ gây tác dụng ngược. Mẹ tăng cân quá nhanh, mẹ dư sữa, em bé chậm tăng cân, dễ táo bón.
- Tuyệt đối tránh xa các món dễ gây tắc sữa, mất sữa. Ví dụ như lá lốt, măng, tre, đồ chua, đồ tái, đồ sống,…
- Hạn chế ăn những món nhiều dầu mỡ, đồ xào nấu, đồ chua cay. Những món ăn này tuy ngon miệng nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa.
- Không ăn đồ cay nóng, thực phẩm đã để qua đêm để tránh ảnh hưởng đến sữa và hệ tiêu hóa của con.
- Tránh xa trà, cà phê, những thức uống chứa cafein.
- Cần sự tư vấn từ bác sĩ nếu muốn dùng thuốc trong thời kỳ ở cữ.
Tuy nhiên, mẹ sau sinh không nên kiêng khem quá mức. Kiêng khem quá mức dễ dẫn đến thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và con.
Gợi ý món ăn bổ dưỡng cho thực đơn cho bà đẻ trong tháng
Thực đơn bữa sáng
Bữa sáng cho bà đẻ nên là những món thanh đạm, nêm gia vị vừa phải, dễ ăn. Nên bổ sung thêm sữa hoặc nước ép để có đầy đủ sữa cho em bé, vừa nhẹ bụng lại thoải mái.
Gợi ý một số món:
- Mì gạo nấu thịt băm cà chua + 1 ly sữa tươi không đường (hoặc ít đường)
- Cháo thịt băm + 1 ly nước cam
- Cháo gà + 1 ly nước ép hoa quả
- Bánh mì sandwich trứng + 1 ly sữa
- Mì gạo thịt bò + hoa quả tráng miệng
- Bún sườn non + 1 ly sinh tố hoa quả
- Bánh đa nấu thịt + 1 ly sữa tươi không đường (ít đường).
Thực đơn bữa trưa
Bữa trưa nên bổ sung đầy đủ cả 4 nhóm chất. Số lượng thức ăn nhiều hơn, phong phú hơn để vừa lợi sức, vừa lợi sữa. Mẹ nên tránh các món xào hoặc những món nhiều dầu mỡ.
Các món ăn có thể nêm nếm gia vị cho vừa miệng để bà đẻ ăn ngon hơn. Không thể thiếu được món canh nhé!
Gợi ý một số món:
- Chân giò hầm
- Thịt lợn rang nghệ
- Tôm rim, tôm hấp
- Ruốc heo, ruốc gà
- Trứng rán với thịt băm
- Gà hấp, gà rang nghệ
- Thịt kho nhạt
- Trứng luộc
- Đậu rán
- Đỗ luộc
- Măng tây hấp
- Các món canh: mồng tơi nấu mướp, rau ngót thịt băm, khổ qua nhồi thịt, xương ninh bí đỏ
- Tráng miệng bằng hoa quả như: xoài, chôm chôm, thanh long, táo, chuối…
Thực đơn cho bữa tối
Bữa tối bà đẻ cũng nên ăn nhẹ nhàng để không nặng bụng, dễ tiêu hóa, ngủ ngon hơn. Tất nhiên là vẫn phải có đủ 4 nhóm chất quan trọng và có món canh. Đồ ăn cho bữa tối nên thiên về những món hấp, luộc.
Gợi ý một số món:
- Bí ngô nấu sườn
- Xương ninh cà rốt, su hào
- Tôm hấp
- Thịt luộc
- Nem rán
- Chim bồ câu hầm
- Chả lá lốt
- Nem rán
- Thịt gà rang gừng
- Thịt bò xào
- Tim lợn hấp
- Sườn rim
- Cá rán giòn
- Đậu sốt cà chua
- Bí luộc
- Các món canh: canh bầu, rau ngót thịt nạc
- Tráng miệng bằng hoa quả như: nho, táo, chè long nhãn, cam,..
Những món ăn trong thực đơn cho bà đẻ trong tháng trên đây khá đơn giản, dễ ăn lại rất bổ dưỡng. Gia đình nên chú ý và thay đổi món thường xuyên để giúp bà đẻ ăn ngon miệng, vui vẻ hơn. Nếu bạn biết nhiều món ngon lạ miệng lại bổ dưỡng hơn, hãy chia sẻ cùng với chúng tôi nhé!
Xem thêm:
- Thực đơn mẹ cho con bú cần chú ý bổ sung những gì?
- Gợi ý 20 mâm cơm ở cữ ngon mắt, ngon miệng cho mẹ, lợi sữa cho bé
- Mẹ sau sinh ăn ngũ cốc có tốt không?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!