Thoái hóa đốt sống cổ gây nên những tổn thương ở vùng cổ và vai gáy. Vậy đâu là nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả cho căn bệnh ngày một phổ biến này?
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ còn có tên gọi là thoái hóa cột sống cổ. Đây là tình trạng bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống cổ thường gặp ở người trung niên. Tuy nhiên gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Nhiều trường hợp dưới 40 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi đã mắc phải căn bệnh này.
Cơ thể con người có 7 đốt sống cổ và được ký hiệu từ C1 – C7. Từ vị trí C2 trở xuống, giữa 2 đốt sống sẽ có các đĩa đệm. Chúng được cấu tạo từ các nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn. Bao xung quanh là các hệ dây chằng, gân cơ bám vào giúp khớp linh hoạt. Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng tụ canxi ở các dây chằng dọc cổ. Chúng khiến các lỗ ra của rễ thần kinh bị hẹp đi. Điều này gây ra tình trạng đau nhức, cử động khó khăn ở cổ, vai và gáy bệnh nhân.
Các biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Biểu hiện của bệnh rất dễ nhận biết và có xu hướng nặng dần lên. Triệu chứng khởi phát thường là những cơn đau nhói cổ. Người bệnh khi đó sẽ cảm thấy đau buốt ở vùng sau gáy và khiến cử động khó khăn. Thường các cơn đau sẽ giảm dần sau vài ngày. Việc nghỉ ngơi, hạn chế cử động sẽ giúp cơn đau tan nhanh hơn.
Nếu bệnh không được chữa dứt điểm từ sớm sẽ dẫn tới tình trạng mãn tính. Biểu hiện là các cơn đau kéo dài, không dứt dù nghỉ ngơi. Tổn thương cũng sẽ lan sang các khu vực xung quanh vùng cổ. Biểu hiện của chúng là việc cơn đau lan sang vai, gáy, đầu, 2 cánh tay. Người bệnh đôi khi bị tê cứng vai gáy sau khi ngủ dậy.
Bệnh thoái hóa cột sống cổ cũng ảnh hưởng tới vận động khéo léo của chi trên. Người bệnh khi đó khó cử động tay, cầm nắm vật dụng không chắc chắn, dễ rơi. Có trường hợp người bệnh bị tê tay, thậm chí liệt cách tay và bàn tay. Người bệnh cũng sẽ khó xoay trở vùng cổ, khi cúi cảm thấy đau đớn.
Một số người bệnh cảm giác khó chịu đột ngột như có luồng điện đi từ cổ xuống xương sống. Đây là biểu hiện bệnh thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng hay còn gọi là dấu hiệu Lhermitte. Tình trạng này có thể nhanh chóng kết thúc hoặc kéo dài một cách đáng sợ. Chúng tác động mạnh hơn khi bệnh nhân cúi đầu về phía trước.
Những nguyên phổ biến gây nên tình trạng thoái hóa đốt sống cổ
Trước đây thoái hóa cột sống cổ chủ yếu xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi. Đây là biểu hiện tự nhiên của cơ thể. Các đĩa liên đốt dần bị lão hóa, các thân đốt do tưới máu kém nên dễ xuất hiện bệnh.
Tuy nhiên hiện nay thoái hóa cột sống cổ đang có xu hướng trẻ hóa rất nhanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố công việc và lối sống, sinh hoạt thiếu khoa học. Nhân viên văn phòng, thợ cắt tóc, thợ cấy, nha sĩ, tài xế xe đường dài… những người làm việc ở một tư thế kéo dài thường rất dễ bị thoái hóa cổ.
Nghiện sử dụng các thiết bị thông minh là nguyên nhân mới và phổ biến gây nên căn bệnh này. Những ai thường cúi gập đầu xuống trong thời gian dài để nhìn màn hình rất dễ mắc bệnh. Ngoài ra, những người từng bị chấn thương cổ không được chữa dứt cũng dễ bị thoái hóa cổ
Các phòng ngừa và điều trị
Phòng ngừa thoái hóa cổ đơn giản, hiệu quả
Do bệnh chủ yếu đến từ yếu tố sinh hoạt, công việc nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Các cách đơn giản và hiệu quả nhất gồm:
- Tránh ngồi lâu hoặc làm việc lâu trong một tư thế. Theo các chuyên gia, bạn nên nghỉ giải lao từ 10-15 phút sau khoảng 1 tới 2 giờ làm việc.
- Bạn cũng nên tập các động tác nhẹ nhàng như cúi xuống, ngẩng đầu lên, xoay cổ. Lưu ý là chỉ nên áp dụng với trường hợp chưa bị tổn thương hay thoái hóa cổ.
- Khi nằm ngủ nên sử dụng các loại gối vừa đủ độ cao. Không nên nằm kê đầu quá cao theo thói quen trước đây. Ngoài ra bạn nên chú ý thay đổi tư thế da dạng khi ngủ để máu huyết lưu thông.
- Khi thấy đau cổ, vai, gáy nên nghỉ ngơi ngay. Tuyệt đối không nên tự vặn vẹo cổ, vai gáy để tự chữa. Tốt nhất bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám và chữa trị đúng cách.
Điều trị thoái hóa cột sống cổ phụ thuộc vào tình trạng bệnh
Khi được chẩn đoán bị thoái hóa cổ, bạn cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Mục tiêu của việc điều trị là giảm đau và hạn chế tổn thương. Tùy theo mỗi bệnh nhân, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp
- Điều trị nội khoa. Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc để chữa bệnh. Trong đó phổ biến gồm chống viêm và giảm đau không Steroid. Nếu triệu chứng đau nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được tiêm Corticosteroid. Ngoài ra thuốc giãn cơ, thuốc chống động kinh cũng được sử dụng tùy tình trạng.
- Vật lý trị liệu. Thông qua các bài tập để giúp kéo dài và tăng cường sức cơ ở cổ và vai. Các phương pháp như kéo dãn cơ, xoa bóp vùng cổ vai gáy có hiệu quả giảm đau rất tốt. Tuy nhiên bạn cần được thực hiện đúng cách theo hướng dẫn của các chuyên gia.
- Phẫu thuật sẽ được thực hiện nếu điều trị bảo tồn thất bại. Hoặc các dấu hiệu và triệu chứng thần kinh như yếu ở tay cần phẫu thuật để giải phóng chèn ép tạo thêm chỗ cho tủy sống và rễ thần kinh.
Tạm kết
Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống hằng ngày. Hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa và nguy cơ biến chứng đa dạng, khó lường. Để phòng ngừa bệnh, chúng ta cần sinh hoạt và làm việc một cách khoa học, đúng tư thế. Ngoài ra bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra khi xuất hiện các cơn đau vai, cổ, gáy. Nếu phát hiện bệnh, cần tiến hành chữa trị đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Xem thêm
- 6 Bài tập cổ cho dân văn phòng chống thoái hoá đốt sống và hết đau mỏi
- Thoát vị đĩa đệm – Bệnh không của riêng người già!
- Giảm đau lưng sau sinh bằng 5 cách đơn giản nhưng hiệu quả này
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!