Thai sinh hoá sau chuyển phôi được gọi là mang thai hóa học (chemical pregnancy), là hiện tượng bị sảy thai sớm trước khi siêu âm để thấy được túi thai trong tử cung. Đây là những nội dung bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Hiện tượng thai sinh hoá sau chuyển phôi là gì?
- Dấu hiệu của thai sinh hoá sau chuyển phôi
- Nguyên nhân gây thai sinh hoá sau chuyển phôi
- Cách xử lý thai sinh hoá sau chuyển phôi
- Cách phòng tránh tình trạng thai sinh hoá sau chuyển ph
Hiện tượng thai sinh hoá sau chuyển phôi là gì?
Chuyển phôi là bước cuối cùng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm IVF, giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh có con. Thông thường, sau 14 ngày nếu nồng độ beta HCG > 25IU/I thì 90% mẹ sẽ mang thai. Càng về sau nồng độ này càng cao. Nhưng không ít trường hợp tới ngày thứ 20 lại bị hỏng thai, hay còn gọi là thai sinh hóa sau chuyển phôi.
Trong giới chuyên môn, thai sinh hóa còn được gọi là mang thai hóa học (chemical pregnancy). Thai sinh hóa sau chuyển phôi là hiện tượng bị sảy thai sớm trước khi siêu âm để thấy được túi thai trong tử cung.
Thai sinh hóa thường xuất hiện ở giai đoạn sớm nhất của thai kỳ (tuần 2 – 3). Vì vậy, nhiều phụ nữ không hề phát hiện mình mang thai mà nghĩ rằng mình đang có kinh nguyệt thất thường. Hoặc có những trường hợp mới vui mừng vì có dấu hiệu mang thai thì đã sảy thai.
Có thể bạn chưa biết
Dấu hiệu của thai sinh hoá sau chuyển phôi
Vì sảy thai sinh hóa thường diễn ra rất sớm ở giai đoạn đầu của thai kỳ nên biểu hiện không quá rõ ràng. Thường chị em chỉ cảm thấy co thắt dạ dày và bị chảy máu âm đạo. Tình trạng này thường diễn ra trong thời gian ngắn, nên không kéo theo biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn. Do đó, chị em sẽ khó nhận biết mình bị thai sinh hóa sau chuyển phôi.
Nếu sau khi thụ tinh nhân tạo, chị em thấy mình bị trễ kinh, đau bụng và chảy máu âm đạo bất thường thì nên đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân gây thai sinh hoá sau chuyển phôi
Thai sinh hóa sau chuyển phôi là điều không ai muốn. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này, để có phương án phòng tránh tốt hơn trong lần chuyển phôi sau nhé!
1. Cơ thể mẹ bất thường
Mẹ bị rối loạn nội tiết tố, có nhiễm sắc thể bất thường, nhiễm trùng âm đạo trước khi chuyển phôi, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho phôi thai. Hoặc mẹ mắc phải một số căn bệnh như bệnh tim, thận, thiểu năng tử cung, đái tháo đường, rối loạn đông máu…
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, nếu cấu trúc bộ phận sinh sản của mẹ bất thường thì cũng sẽ là nguyên nhân gây sảy thai sinhh hóa. Mẹ có tử cung không bình thường, niêm mạc tử cung quá mỏng có thể khiến thai không bám được và tự tuột ra, hoặc là bám vào nhân xơ, sẹo mổ cũ nên bị sảy ngay ra ngoài.
2. Quá trình phôi thai làm tổ gặp sự cố
Sau khi thụ tinh, phôi thai tốt nhất sẽ được đưa vào tử cung người mẹ. Lúc này sẽ diễn ra quá trình phân chia tế bào. Một số sẽ phát triển thành phôi, một số thành nhau thai và mô khác. Nhưng một số trường hợp, tế bào phát triển thành phôi lại thất bại dù tế bào vẫn phát triển thành nhau thai trong túi ối.
Do đó, chỉ số beta HCG vẫn tăng nhưng phôi thai không phát triển. Sau đó, cơ thể tự sản sinh hormone để phá thai và đào thải phôi thai ra ngoài.
3. Phôi thai bất thường
+ Dị tật bẩm sinh nghiêm trọng
+ Bị chứng rối loạn nhịp tim có thể sẽ làm nhịp tim bị tăng, chậm hoặc làm ngưng đột ngột khiến phôi thai không tiếp tục phát triển.
+ Phôi thai không hoàn hảo, có bất thường trong sự phối hợp giữa các gen, thiếu một số gen… sẽ khiến phôi thai không phát triển được, bị thoái hóa và tự hủy.
Cách xử lý thai sinh hoá sau chuyển phôi
Hầu hết các trường hợp thai sinh hóa sau chuyển phôi không thể can thiệp. Điều bạn có thể làm chính là thường xuyên kiểm tra, theo dõi nồng độ HCG.
Sảy thai sinh hóa tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chị em, nhưng lại ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý khi mất con. Tuy nhiên, chị em hãy cố gắng ổn định lại tâm lý vì sảy thai sinh hóa không để lại di chứng. Đồng thời không ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo.
Có thể bạn chưa biết
Cách phòng tránh tình trạng thai sinh hoá sau chuyển phôi
Không thể xác định chính xác nguyên nhân gây thai sinh hóa, nhưng chị em có thể chủ động hạn chế tình trạng này bằng cách:
+ Ăn uống đủ chất dinh dưỡng
+ Nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, lo âu
+ Giữ vệ sinh sạch sẽ trong thai kỳ
+ Tránh va chạm vùng dưới, nhất là không nên quan hệ liền khi vừa sảy thai sinh hóa
+ Trước khi lên kế hoạch mang thai tiếp, hãy khám tiền sản để kiểm tra sức khỏe. Để điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh lý nền.
+ Nên điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tử cung, u xơ buồng trứng… trước khi mang thai.
+ Nên khám bác sĩ sớm nếu có dấu hiệu mang thai như trễ kinh, que thử thai 2 vạch.
Kết luận
Tóm lại, thai sinh hóa sau chuyển phôi tuy không gây biến chứng nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý phụ nữ. Nếu có triệu chứng thai sinh hóa, chị em nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Hãy ổn định tâm lý sớm và thực hiện một số lưu ý để làm giảm nguy cơ thai sinh hóa trong lần mang thai tiếp theo.
Xem thêm:
-
Tư thế nằm ngủ sau khi chuyển phôi giúp chị em thụ thai thành công
-
Bao nhiêu ngày sau chuyển phôi có thể thử que để xác định mang thai?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!