Việc thai ngoài tử cung bao lâu thì đau bụng còn tùy thuộc vào cơ địa từng người. Tuy nhiên đa số sản phụ thường bị đau bụng rất sớm, ngay từ khi mới bắt đầu có thai.
Thế nào là thai ngoài tử cung?
Thông thường, sau khi trứng và tinh trùng thụ tinh tạo thành hợp tử, chúng sẽ di chuyển về phía tử cung và làm tổ tại đây. Hiện tượng mang thai ngoài tử cung xảy ra khi thai không làm tổ trong tử cung của người mẹ mà lại làm tổ và phát triển ở bên ngoài.
Các vị trí làm tổ của thai ngoài tử cung có thể là ở vòi tử cung (chiếm đa số trường hợp, khoảng 95 – 98% trên tổng các ca mang thai ngoài tử cung), buồng trứng (0,7 – 1%), trong ống cổ tử cung (0,5 – 1%), ổ bụng (hiếm gặp nhất).
Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?
Thai ngoài tử cung là hiện tượng thai nghén bất thường và có thể gây nguy hiểm cho sản phụ nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân là do khi làm tổ bên ngoài tử cung, túi thai có thể bị vỡ bất kỳ lúc nào. Khi bị vỡ, máu trong túi thai sẽ chảy ồ ạt vào ổ bụng, gây nguy hiểm cho mẹ bầu. Mẹ bầu mang thai ngoài tử cung không được điều trị kịp thời sẽ có khả năng vô sinh sau này hoặc thậm chí là có thể tử vong.
Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung là việc làm vô cùng quan trọng để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.
Thai ngoài tử cung bao lâu thì đau bụng?
Đau bụng là một trong những triệu chứng đặc trưng khi mẹ bầu mang thai ngoài tử cung, một số mẹ còn đau bụng kèm theo triệu chứng táo bón. Vậy thai ngoài tử cung bao lâu thì đau bụng?
Thực chất câu trả lời còn tùy thuộc vào cơ địa của từng mẹ. Nhiều mẹ đã bị đau bụng âm ỉ ngay từ khi mới bắt đầu có thai, trễ nhất là khoảng tuần thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ.
Trường hợp mẹ đau bụng dữ dội, đau vã mồ hôi, mặt xanh xao, nhợt nhạt, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, có thể kiệt sức và ngất đi,… thì túi thai có thể đã bị vỡ. Lúc này mẹ cần được nhập viện phẫu thuật ngay lập tức, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Một số dấu hiệu khác giúp mẹ nhận biết thai ngoài tử cung
Ra máu âm đạo
Nhiều bà bầu chưa biết mình mang thai mà thấy ra máu âm đạo thì lầm tưởng đó là máu kinh. Tuy nhiên đó lại có thể là máu báo thai ngoài tử cung.
Điểm khác nhau để mẹ phân biệt đó là máu báo thai ngoài tử cung thường ra từng ít một chứ không nhiều như máu kinh nguyệt, chúng kéo dài liên tục, máu loãng và có màu đỏ thẫm, nâu sẫm hoặc màu cà phê.
Khó chịu khi đi vệ sinh
Khi mang thai, bàng quang và ruột rất dễ bị ảnh hưởng. Tình trạng mang thai ngoài tử cung thậm chí còn khiến mẹ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, nếu mẹ cảm thấy tiểu buốt, đại tiện đau hoặc gặp khó khăn khi đi vệ sinh,… thì đó cũng có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung.
Xét nghiệm nồng độ hCG
Với những mẹ bầu mang thai bình thường, nồng độ hCG sẽ tăng dần theo tuổi thai. Thai càng lớn thì lượng hCG trong máu càng cao. Tuy nhiên với những mẹ bầu mang thai ngoài tử cung thì nồng độ hCG sẽ tăng rất chậm, thậm chí là không tăng.
Nếu chị em thấy mình có dấu hiệu mang thai nhưng thử que lại chỉ thấy 1 vạch thì không loại trừ trường hợp bạn đã mang thai ngoài tử cung.
Siêu âm
Ngoài xét nghiệm nồng độ hCG thì phương pháp giúp mẹ chẩn đoán chính xác nhất trường hợp mang thai ngoài tử cung đó là siêu âm thai. Nếu bạn trễ kinh, thử que 2 vạch nhưng siêu âm vẫn không thấy túi thai trong buồng tử cung thì có thể thai đã làm tổ bên ngoài tử cung rồi.
Vì vậy, khám thai lần đầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp thai ngoài tử cung.
Mang thai ngoài tử cung điều trị như thế nào?
Không có cách nào để giữ lại thai ngoài tử cung. Một khi đã chẩn đoán mẹ mang thai ngoài tử cung thì mẹ cần phải đưa ra quyết định hủy thai càng sớm càng tốt.
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố gồm tình trạng lâm sàng, vị trí thai ngoài tử cung, kích thước túi thai,… mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung khác nhau. Có tổng cộng 3 phương pháp:
- Điều trị bằng thuốc: Áp dụng cho những khối thai mới hình thành, kích thước nhỏ chỉ khoảng 3 – 4 cm, sức khỏe mẹ bầu ổn định và không phát hiện dấu hiệu chảy máu trong ổ bụng
- Phẫu thuật: Áp dụng cho trường hợp thai ngoài tử cung đã bị vỡ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng
- Theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung: Một số trường hợp các tế bào nuôi thai không đủ, khối thai sẽ tự ngưng phát triển và tiêu đi hoàn toàn mà không cần phẫu thuật.
Kết luận
Vừa rồi là những thông tin giải đáp cho thắc mắc thai ngoài tử cung bao lâu thì đau bụng cũng như các dấu hiệu khác để mẹ nhận biết mình mang thai ngoài tử cung. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu này, mẹ cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời nhé.
Xem thêm
- Thai ngoài tử cung có giữ được không? Mẹ bầu nên xử lý thế nào?
- Vỡ thai ngoài tử cung, mẹ bầu đối diện với nguy cơ bị thiệt mạng
- Hi hữu thai phụ đồng thời mang thai ngoài tử cung và thai trong tử cung
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!