Thai máy khi nào và cách đếm thai máy giúp mẹ nhận biết bé yêu khỏe mạnh
Thai máy khi nào? Làm thế nào để biết đó là thai máy? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về hiện tượng bé đạp cho những mẹ bầu đang hồi hộp lo lắng chờ đợi “cú máy” đầu tiên của bé yêu.
Thai máy khi nào?
Những cử động của thai nhi trong bụng mẹ (dù là xoay mình, đạp, … ) đều được xem là thai máy. Bé có thể thực hiện điều này ngay từ tuần thứ 8-9 của thai kỳ. Nhưng lúc này kích thước con còn rất nhỏ nên mẹ khó mà cảm nhận được. Chỉ khi thai nhi lớn dần lên, vào tầm tuần thứ 14-16 trở đi, mẹ mới bắt đầu nhận biết được những cú máy đầu tiên của bé.
Tuy vậy, mỗi một mẹ bầu sẽ có trải nghiệm về lần đầu con đạp khác nhau. Những mẹ mang thai con so thường thấy bé đạp muộn hơn (từ tuần 20 trở đi) so với mẹ đã mang thai lần 2, lần 3.
Đặc biệt là cân nặng, hình dáng của mẹ bầu cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận biết bé máy. Các chuyên gia sản khoa bật mí rằng, những mẹ nhỏ người và hơi gầy thường dễ dàng nhận ra các chuyển động đầu tiên của con sớm hơn so với các mẹ khác.
Vậy nên nếu mẹ trong vòng 20 tuần đổ lại mà mẹ chưa thấy bé máy thì cũng đừng lo lắng quá nhé. Chỉ cần các xét nghiệm thai kỳ vẫn ổn thì có nghĩa là con đang lớn lên khỏe mạnh. Và chẳng mấy chốc mẹ sẽ thấy bé nghịch ngợm không ngừng trong bụng mình thôi.
Cách theo dõi thai máy để nhận biết sức khỏe của thai nhi
“Thai máy” là dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh. Nếu bé di chuyển ít hơn hoặc mẹ nhận thấy sự thay đổi trong hình thái chuyển động, đôi khi đó là một dấu hiệu cảnh báo bé đang không khỏe. Thai nhi sẽ an toàn hơn nếu mẹ nhận được sự chăm sóc và điều trị kịp thời.
Dưới đây là các bước theo dõi thai máy mà mẹ cần ghi nhớ kĩ:
Tốt nhất là đếm cử động thai sau ăn no. Nên đếm cử động thai 2 – 3 lần trong ngày, vào những giờ cố định. Mẹ cần lưu ý là khi thai ngủ, cử động thai sẽ giảm hoặc không có. Thời gian thai nhi ngủ khoảng 20-40 phút, thông thường không quá 90 phút.
Bước 1: Đi tiểu để bàng quang trống trước khi đếm cử động thai. Đặt tay lên bụng để cảm nhận những cử động của thai.
Bước 2: Đếm số đợt thai nhi cử động trong vòng một giờ.
Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ. Nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai, mẹ bầu phải nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ tiếp theo, có ít hơn 10 cử động thai, cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi tình trạng thai bằng những phương pháp khác.
Thai máy và thai nấc khác nhau như thế nào?
Theo nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, nấc được được gây ra lúc thai nhi chưa cân gằng được nhịp nuốt và thở. Khi nuốt (hay thở), thai nhi hít vào (hoặc đẩy ra) một ít nước ối. Quá trình này khiến cơ hoành co thắt, dẫn tới nấc. Trong khi một số người mẹ nhận ra những cử động nhịp nhàng thì một số khác lại không thấy như vậy.
Tuy nhiên mẹ hãy yên tâm, hiện tượng thai nhi bị nấc trong bụng mẹ là hoàn toàn bình thường. Cách nhận biết thai nhi bị nấc là cảm giác như có những cú giật đều ở bụng dưới. Nếu cảm nhận được bé đang nấc, mẹ sẽ thấy bụng mình như bị giật giật, đặt tay lên bụng sẽ có cảm giác như nghe thấy tiếng tim đang đập hoặc tiếng gõ đều đều vọng ra từ trong bụng.
Khi nào thai máy bất thường?
Thai nhi đạp quá ít, chuyển động chậm lại, không chuyển động hay bé máy quá nhiều đều là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của bé.
Nếu mẹ nhận thấy thai đạp nhiều bất thường (hơn 20 lần liên tục trong một khoảng thời gian ngắn) thì mẹ cần phải thận trọng. Tình trạng căng thẳng của người mẹ hay một số yếu tố kích thích tiêu cực như đồ uống có cồn, thuốc lá, … có thể khiến thai nhi đạp nhiều hơn bình thường.
Còn trường hợp tính từ khi mẹ thức dậy cho đến 2-3 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn thế mà thai nhi vẫn đạp không đủ 10 lần thì điều này rất nguy hiểm. Hầu như việc thai nhi ngừng đạp trong vòng hơn 12 tiếng đồng hồ cũng có nghĩa là cơ hội sống sót của con đã ít dần đi.
Do đó, càng đến gần ngày dự sinh mẹ càng cần phải cẩn trọng với chuyện thai nhi đạp ít hay đạp nhiều. Ghi chép lại tất cả số lần con đạp sau mỗi bữa ăn sẽ giúp mẹ xử lý nhanh chóng khi có tình huống báo hiệu nguy hiểm đối với con.
Xem thêm:
- Bác sĩ bật mí có tận 10 kiểu Thai đạp mẹ bầu không thể ngờ tới trong thai kỳ
- 7 sự thật thú vị về những cú đạp của bé trong bụng mẹ
- Cử động của thai nhi như thế nào là bình thường? Những điều mẹ bầu cần biết về “thai máy”!