Thai lưu để lâu có nguy hiểm không? Thai bị chết lưu nhưng không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Thế nào là thai lưu?
- Thai lưu để lâu có nguy hiểm không?
- Những phương pháp xử lý thai lưu an toàn
- Sau khi lấy thai lưu cần kiêng gì?
Thế nào là thai lưu?
Theo y học, thai lưu được giải thích là hiện tượng em bé chết trong bụng mẹ quá 48 giờ và có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Về cơ bản, thai chết lưu thường được chia thành hai nhóm:
- Thai dưới 20 tuần tuổi.
- Sau 20 tuần tuổi: Nhóm này tiếp tục được chia thành thai lưu sớm (20 – 27 tuần tuổi) và thai lưu muộn (28 – 36 tuần tuổi). Sau 37 tuần tuổi thì được gọi là thai lưu đủ tháng.
Có thể bạn chưa biết:
Mẹ cần nhận biết dấu hiệu thai lưu 5 tuần để ngăn ngừa biến chứng có thể mất khả năng làm mẹ
Dấu hiệu thai lưu sớm là gì? Có cách gì ngăn chặn hay không?
Thai bị chết lưu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Về phía thai nhi: Có nhóm máu bất đồng với mẹ, bị dị tật bẩm sinh, bị nhiễm khuẩn, dị tật di truyền từ bố hoặc mẹ,…
- Từ phía người mẹ: Mắc các bệnh mãn tính như suy thận, viêm gan, tiểu đường,…; thiếu dinh dưỡng, làm việc trong môi trường độc hại; bị dị dạng tử cung; sử dụng nhiều chất kích thích; độ tuổi mang thai quá lớn (40 tuổi trở lên); mắc các chứng bệnh nội tiết như basedow, thiểu năng giáp,…
Tuy nhiên, có đến 20 – 50% thai lưu không rõ nguyên nhân chính xác.
Thai lưu có cứu được không? Đây là trường hợp thai không còn phát triển nhưng đang còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ, vì thế không có phương pháp nào giúp thai lưu phục hồi sự sống.
Thai lưu để lâu có nguy hiểm không?
Thai lưu bao lâu thì phải lấy ra? Các mẹ bầu bị thai lưu cần được xử lý càng sớm càng tốt. Bởi nếu để lâu có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng:
1. Nhiễm trùng
Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với người bị thai chết lưu là tình trạng vỡ ối sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Từ đó, thông qua nơi màng ối bị rách, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản về sau.
2. Băng huyết
Các trường hợp thai chết lưu lại trong dạ con quá lâu (3 – 4 tuần trở lên) còn có thể gây ra tình rối loạn đông máu, dẫn đến băng huyết nặng ở thai phụ. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ.
3. Ảnh hưởng tinh thần
Không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thai lưu còn gây tổn thương tinh thần của người phụ nữ và gia đình, đặc biệt là đối với người gia đình hiếm muộn, đang trông chờ tin vui. Thế nên, việc thăm khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng trước khi mang thai và kiểm soát thai trong suốt các giai đoạn thai kỳ là điều hết sức quan trọng.
Khám phá thêm:
Những phương pháp xử lý thai lưu an toàn
Như vậy, câu trả lời cho thắc mắc thai lưu để lâu có nguy hiểm không là có, và để hạn chế những mối đe dọa đó, thai chết lưu cần được kịp thời can thiệp xử lý. Tùy thuộc vào số tuần tuổi của thai nhi mà các trường hợp thai lưu sẽ có cách giải quyết khác nhau, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
Thông thường, thai lưu dưới 7 tuần sẽ tự tiêu biến mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Đối với những thai chết lưu lớn hơn thì thai phụ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thực hiện xử lý.
1. Gây khởi phát chuyển dạ
Ngay khi phát hiện, thai chết lưu cần được đẩy ra ngoài càng sớm càng tốt. Theo đó, biện pháp chuyển dạ tự nhiên luôn được khuyến khích hàng đầu. Tuy nhiên, nếu sau 2 tuần thai lưu thai phụ vẫn không thể tự chuyển dạ, thì bác sĩ sẽ can thiệp dùng thuốc kích thích chuyển dạ hoặc thực hiện thủ thuật bấm ối khởi phát chuyển dạ. Việc giữ thai chết lưu lâu trong cơ thể chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, rối loạn, gây nguy hiểm cho người mẹ.
2. Nong cổ tử cung – Hút thai
Đây là biện pháp xử lý đẩy thai lưu ra ngoài khá nhanh chóng. Nếu lựa chọn cách hút thai, mẹ cần tới các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị tối tân, vô trùng để thực hiện.
Nếu không đảm bảo những điều kiện kể trên, người mẹ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng, chảy máu sau nạo. Một số trường hợp hút thai không hết có thể còn sót rau thai hoặc mô thai, gây nhiễm trùng làm tổn thương tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Việc sử dụng kháng sinh sau khi thực hiện thủ thuật này là rất cần thiết.
3. Mổ lấy thai chết lưu
Việc tiến hành mổ lấy thai lưu không được khuyến khích bởi có khả năng làm tổn thương tử cung rất cao. Dù vậy, thủ thuật này vẫn cần thiết trong trường hợp sức khỏe người mẹ không đảm bảo để thực hiện gây khởi phát chuyển dạ hay hút thai. Mặt khác, thai lưu quá lớn sẽ khiến việc đưa ra từ đường dưới gặp nhiều khó khăn.
Những điều cần chú ý sau khi lấy thai lưu
Kiêng quan hệ tình dục trong vòng 1 tháng: Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là chị em không được quan hệ tình dục trong vòng ít nhất một tuần. Điều này sẽ tránh được việc có thai ngoài ý muốn cũng như hạn chế những tổn thương không cần thiết cho cổ tử cung của bạn.
Việc nạo phá thai sẽ gây rối loạn nội tiết tố, làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và tác động không tốt tới sức khỏe sinh sản. Do nội tiết tố bị mất cân bằng, nếu giai đoạn này phụ nữ không bảo vệ vùng kín cẩn thận sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập tăng nguy cơ bị viêm, nhiễm trùng và có thể gây xuất huyết.
Không làm việc nặng: Mẹ sau khi lấy thai lưu cần kiêng vận động mạnh, nghỉ ngơi điều độ, cố gắng suy nghĩ tích cực để giữ cho mình một tinh thần thoải mái giúp việc hồi phục diễn ra nhanh hơn.
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng đã giúp bạn giải đáp thắc mắc thai lưu để lâu có nguy hiểm không cũng như các biện pháp xử lý thai chết lưu an toàn. Để phòng ngừa thai lưu và các nguy cơ khác có thể gặp, cần nghiêm túc thực hiện việc thăm khám trước và trong thời gian mang thai. Chúc mẹ có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh!
Xem thêm:
- Nguy cơ thai chết lưu – Những dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu cần chú ý
- Có thai lại sau thai lưu – Những vấn đề mẹ bầu cần biết
- Giải thích sự tiết sữa non của thai lưu, làm gì khi có sữa non sau thai lưu?