Thai gò nhiều có sao không? Mẹ hãy yên tâm nếu đây chỉ là cơn gò nhẹ, không xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác như đau lưng hay chảy máu âm đạo. Để biết thêm thông tin chi tiết về hiện tượng thai gò, mời các mẹ cùng đọc bài viết và tìm hiểu:
- Thai gò là gì?
- Hiện tượng thai gò nhiều có nguy hiểm không?
- Thai 39 tuần gò nhiều có phải sắp sinh?
- Phân biệt các cơn co thắt trong thai kỳ
Thai gò là gì? Nguyên nhân thai gò
Tại sao em bé gò trong bụng mẹ? Hiện tượng thai gò là bình thường trong quá trình mang thai. Nó xảy ra khi cơ tử cung thắt chặt và uốn cong. Các cơn gò tử cung xuất hiện do nhiều nguyên nhân:
- Tử cung bị gây áp lực: Thai nhi bị chèn giữa khoang chậu, bàng quang và trực tràng. Khi thai còn nhỏ mẹ không cảm nhận rõ áp lực này nhưng từ quý thứ 2, khi em bé lớn dần và tử cung phình to gây áp lực lên các bộ phận khác thì hiện tượng thai gò sẽ xuất hiện
- Em bé phát triển hơn: Từ cuối quý 2, con lớn hơn nhiều nên vận động cũng khó khăn hơn, mỗi lần xoay mình của bé có thể làm xuất hiện các cơn gò nhẹ
- Mẹ bị táo bón: Táo bón làm mẹ bầu bị căng tức bụng, hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức, tử cung theo đó cũng bị ảnh hưởng
- Cảm xúc của mẹ: Tất cả các trạng thái cảm xúc của mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý thai nhi và gây ra hiện tượng gò cứng bụng. Do đó mẹ nên giữ tinh thần thật thoải mái và tránh xúc động hay thay đổi tâm lý đột ngột.
Bạn có thể chưa biết:
Thai gò nhiều có sao không?
Bé gò nhiều có sao không? Trên thực tế, những cơn gò là phổ biến trong thai kỳ, nhất là trong 2 tam cá nguyệt sau khi thai nhi đã lớn và tử cung của mẹ đã tăng kích thước lên đáng kể. Điều mẹ cần làm là phân biệt tính chất các cơn gò và chú ý đến các dấu hiệu khác để biết đây chỉ là cơn gò sinh lý bình thường hay cơn gò chuyển dạ.
Trong trường hợp là cơn gò sinh lý Braxton Hicks thì đây là hiện tượng bình thường, cơn gò này không tăng dần theo thời gian và không làm thay đổi cổ tử cung. Khi xuất hiện cơn gò tử cung, mẹ có thể áp dụng 1 số mẹo dưới đây để giảm đau:
- Tắm nước ấm hoặc uống 1 ly nước ấm để làm dịu cơn đau. Mẹ có thể tắm bồn, tắm vòi hoa sen nhưng lưu ý là chỉ nên tắm nhanh và phải tắm với nước ấm
- Dùng chai nước ấm bọc trong khăn mềm để chườm nhẹ lên bụng
- Hít thở chậm, thay đổi tư thế nằm
- Ngủ vài giấc ngắn trong ngày
- Massage thư giãn, nghe nhạc nhẹ nhàng
- Không nên xoa bụng để tránh ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa các kiểu thai gò chuyển dạ và không chuyển dạ. Có đến 6 loại cơn co thắt trong từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn, mỗi kiểu gò sẽ có số cơn khác nhau. Thậm chí đến sau khi sinh mẹ vẫn có thể bị co thắt bụng.
Khi nào mẹ nên đến gặp bác sĩ?
Đa phần các trường hợp thai gò là bình thường và mẹ không cần quá lo lắng. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu gò như dưới đây thì mẹ nên nhập viện để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi và hỗ trợ:
- Cơn gò xuất hiện thường xuyên mặc dù không xuất phát từ các nguyên nhân nêu trên
- Khi mẹ nghỉ ngơi, thay đổi tư thế hoặc uống nhiều nước cơn gò cũng không có dấu hiệu dừng lại
- Các cơn gò ngày càng nhiều, tăng dần về cường độ
- Mỗi cơn gò cách nhau khoảng 5 phút
- Xuất hiện thêm các dấu hiệu như đau lưng, chuột rút, ra máu/dịch ối
Nếu cơn gò có các đặc điểm trên xuất hiện trước tuần 37, mẹ cần nhập viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu sinh non.
Thai 39 tuần gò nhiều có phải sắp sinh?
Bên cạnh những nguyên nhân thông thường như kích thước thai lớn, mẹ bị táo bón, mẹ xoa bụng quá nhiều và tâm lý căng thẳng ở giai đoạn cuối thai kỳ, tình trạng mang thai 39 tuần gò nhiều cũng là dấu hiệu sắp sinh nên mẹ bầu cần lưu ý.
Nếu thai 39 tuần ít đạp gò nhiều và cơn gò cứng bụng xuất hiện liên tục, âm ỉ ở bụng dưới, không thuyên giảm khi mẹ đổi vị trí, ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng như chảy máu âm đạo hay còn gọi là “máu báo”, đau lưng, căng cơ vùng xương chậu, chuột rút… đó là tín hiệu “báo động” cho bạn biết bé cưng đang muốn ra ngoài.
Nếu mẹ cảm giác thai gò cứng bụng nhiều thì hãy tìm cách xác định liệu đó có phải là cơn gò chuyển dạ thực sự hay không. Cơn gò báo hiệu bé sắp chào đời sẽ khiến thai phụ sẽ thấy các cơn đau tăng dần lên, kéo dài hơn, tần suất cũng dồn dập.
6 loại co thắt tử cung mẹ thường gặp
Thai bao nhiêu tuần thì gò và các cơn gò diễn ra như thế nào?
Braxton Hicks
Đây là cơn gò được đặt tên theo một bác sĩ người Anh. Những cơn co Hraxton Hicks thường là cơn gò “khởi động”. Nó thường xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ hai. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy thai gò nhiều nhưng không đau, tử cung gò cứng và thắt chặt đột ngột. Mất nước hay mất sức có thể khiến mẹ gặp cơn gò này nhiều hơn. Mẹ thường cảm nhận được chúng vào ban đêm, nhất là sau một ngày mệt mỏi. Những cơn co này hoàn toàn bình thường. Bạn không cần quá lo lắng.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Xuân Minh – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, cơn gò Braxton Hicks hay còn gọi là cơn gò sinh lý sẽ xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ, thường không đều và không có tính chu kỳ. Đây là những bước đầu để tử cung luyện tập cho ngày sinh và rèn luyện khả năng chịu đựng của mẹ. Để cảm thấy dễ chịu hơn, mẹ bầu nên uống nhiều nước, chuyển tư thế, dành thêm thời gian nghỉ ngơi và nên nằm nghiêng sang trái.
Trong 1 số trường hợp, mẹ bầu bị đau tức không phải do cơn gò tử cung mà do tăng nhu động ruột vì tử cung chèn ép lên cơ quan tiêu hóa. Những cơn đau này thường không đáng ngại và mẹ có thể đi bộ, thay đổi tư thế để thấy dễ chịu hơn.
Co thắt chuyển dạ sớm
Những cơn co thắt này có thể hơi khó chịu. Cảm giác như bị chuột rút nhẹ đến trung bình khi có kinh nguyệt. Thông thường, cơn gò này không liên tục. Chúng có thể cách nhau 7 – 10 phút, thậm chí 20 phút trở lên. Bạn có thể đang ngủ thì cảm thấy cơn gò này. Để xem mẹ đang co thắt chuyển dạ sớm hay co thắt Braxton Hicks, mẹ có thể canh thời gian giữa các cơn gò.
Thai gò nhiều có sao không? Khi bạn gặp những cơn gò này, nên cố gắng ở nhà càng lâu càng tốt. Có thể nhờ chồng bạn tạo một không gian nghỉ ngơi với ánh sáng nhẹ và nhạc nhẹ nhàng. Nếu không cảm thấy tốt hơn, mẹ có thể làm mình xao nhãng bằng những hoạt động như đi bộ, nấu ăn, xem bộ phim yêu thích.
Bạn có thể chưa biết:
Cơn gò braxton hicks khác với cơn gò chuyển dạ thật như thế nào?
Co thắt chuyển dạ tích cực
Đã đến lúc bạn cần xách đồ đến bệnh viện!
Khi co thắt chuyển dạ tích cực, các cơn co thắt cách nhau khoảng 4 – 5 phút, kéo dài khoảng 30 giây đến 1 phút. Đây thường là thời điểm bác sĩ khuyên bạn nên đến bệnh viện. Dần dần các cơn co thắt sẽ mạnh hơn, đều đặn và gần nhau hơn. Thông thường bạn sẽ đau ở cả phía trước và phía sau tử cung.
Các cơn co thắt chuyển tiếp
Em bé đang trên đường ra khỏi bụng mẹ!
Trong lúc này, cổ tử cung có thể mở tới 8 – 10 cm. Đây thường là lúc khó nhất trong quá trình sinh. Các cơn co thắt chuyển tiếp kéo dài tối đa 2 phút và rất mạnh, có các khoảng nghỉ ngắn ở giữa. Thông thường, mẹ sẽ cảm nhận được cả áp lực lớn trong âm đạo và trực tràng. Trong quá trình này, bạn có thể run, nôn, ớn lạnh và muốn hét lên.
Nhiều bà mẹ sẽ không muốn ai đụng vào, cũng không muốn nói chuyện trong lúc đang gò tử cung. Nhưng nếu bạn cần sự hỗ trợ, bạn có thể nhờ chồng khích lệ hoặc tạo áp lực mạnh trên lưng để cảm thấy đỡ đau hơn.
Cơn co thắt đẩy em bé ra
Đây là thời điểm em bé đã sắp chào đời!
Trong lúc đẩy em bé ra, bạn sẽ có cảm giác muốn rặn cùng với những cơn co thắt (hoặc giữa các cơn co thắt). Đó sẽ là cảm giác như cần đi đại tiện. Thông thường, sẽ không có nhiều khoảng nghỉ giữa những cơn co thắt này. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái và bớt áp lực khi rặn.
Bạn có thể nhờ chồng khích lệ mình hoặc giữ một chân trong lúc bạn rặn. Có thể nói những câu như: “Em đang làm rất tốt”, “Em rất mạnh mẽ”.
Các cơn cơ thắt sau sinh
Các cơn co thắt sau sinh rất cần thiết để đẩy nhau thai ra ngoài. Tử cung cũng sẽ tiếp tục co lại về kích thước trước khi mang thai. Cho con bú cũng kích hoạt các cơn gò tử cung sau sinh. Nếu mẹ đau trong hai đến ba ngày sau sinh thì hoàn toàn bình thường.
Trên đây là 6 cơn gò mẹ thường gặp trong khi mang thai và sau sinh để mẹ tự phán đoán thai gò nhiều có sao không? Nếu chưa gần ngày sinh mà mẹ gặp nhiều cơn gò Braxton Hicks thì đó sẽ là dấu hiệu mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nguồn tham khảo: Phân biệt cơn gò chuyển dạ, cơn gò sinh lý và thai máy – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
- Giảm đau lưng sau sinh bằng 5 cách đơn giản nhưng hiệu quả này
- Quan hệ sau sinh thường bị đau có phải là dấu hiệu bất thường?
- 8 cách giảm đau tự nhiên khi lâm bồn này sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng “vượt cạn” !