Tập cho bé ngủ riêng là công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn của các bà mẹ. Đa số các bé khi mới bắt đầu ngủ riêng thường tỏ ra sợ hãi hoặc khóc lóc khiến mẹ vô cùng bối rối. Đây là điều hết sức bình thường. Nếu các mẹ đang rơi vào tình huống này thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm ra phương pháp tập cho bé ngủ riêng thích hợp nhất nhé!
Lợi ích của việc cho bé ngủ riêng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của việc cho bé ngủ riêng. Rằng chất lượng giấc ngủ của trẻ ngủ riêng tốt hơn hẳn so với những bé ngủ chung phòng với cha mẹ. Ngoài ra, thói quen này cũng rèn được cho con tính độc lập, không vòi vĩnh từ nhỏ và tự tin hơn, tạo đà cho thói quen học tập tốt và sự thành công của bé sau này.
Đối với người mẹ thì việc cho bé ngủ riêng cũng giúp mẹ có được giấc ngủ sâu hơn, đồng thời đảm bảo được sự riêng tư, duy trì hạnh phúc gia đình.
Khi nào nên tập cho bé ngủ riêng?
Các gia đình ở Việt Nam thường cho con ngủ riêng khá muộn. Nhiều bố mẹ vẫn để bé ngủ chung phòng với mình bởi suy nghĩ ngủ cùng con sẽ thêm gắn kết tình cảm với con, có thể chăm sóc con tốt hơn.
Và kết quả là phần lớn các bé thường không hợp tác, tỏ ra sợ hãi, khóc lóc khi bắt đầu ngủ riêng. Do đó, cần phải tạo cho trẻ thói quen này từ sớm.
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, trẻ từ 3 tuổi trở đi không nên ngủ chung giường với cha mẹ. Bởi vì lúc này bé đã có khả năng nhận biết giới tính, bé sẽ thích gần gũi với người khác giới hơn. Do vậy, việc ngủ chung với cha mẹ có thể tác động tới tâm lý tình cảm của bé khi cha mẹ có hành động thân mật.
Nếu như ở các nước phương Tây, nhiều vị phụ huynh thường cho con họ ngủ riêng ngay từ lúc chào đời thì ở Việt Nam, với sự khác biệt văn hóa rất lớn, nên điều này rất hiếm. Vì vậy, không thể đưa ra một mốc chính xác áp dụng với tất cả các bé rằng khi nào thì bố mẹ nên tập cho bé ngủ riêng. Thường thì ở độ tuổi lên 3, bé có thể tách khỏi bố mẹ để ngủ một mình.
Cách tập cho bé ngủ riêng
Thói quen ngủ riêng của bé nên được hình thành dần dần và có sự chuẩn bị từ trước. Dưới đây là những bước cha mẹ cần chuẩn bị trước khi tập cho bé ngủ riêng:
Chuẩn bị tâm lý
Đầu tiên, cha mẹ cần giải thích, trao đổi với con rằng ngủ riêng là điều hết sức bình thường và tự nhiên mà con người nào cũng phải trải qua, rằng con người khi đã “lớn” thì đều cần phải ngủ riêng. Hãy dùng những lời lẽ dịu dàng và nhẹ nhàng để giải thích và thuyết phục bé.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý. Sẽ có những bé không chịu hợp tác ngay từ đầu, phải mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần mới có thể ngủ riêng. Cha mẹ cần giữ thái độ cương quyết và đặt cho con những giới hạn nhất định để việc tập cho bé ngủ riêng sớm thành công.
Chuẩn bị phòng ngủ cho bé
Một điều không kém quan trọng nữa cần chuẩn bị đó là không gian ngủ riêng của bé. Phòng ngủ đẹp, trang trí dễ thương, hợp với sở thích và tính cách của bé sẽ góp phần làm cho giờ đi ngủ của bé trở nên dễ dàng hơn cũng như khiến bé giảm bớt lo lắng hay sợ hãi từ đó sớm quen với việc ngủ riêng hơn. Cha mẹ có thể hỏi ý kiến của bé khi lựa chọn phong cách trang trí phòng cũng như để bé tham gia một phần vào công đoạn này.
Bên cạnh đó, phòng ngủ của bé cần phải thật an toàn và thoải mái với bé. Nhiều bé có thói quen lăn qua lăn lại khi ngủ, cha mẹ cần chuẩn bị tấm chắn an toàn để bé không rơi xuống đất. Đối với nệm, không nên chọn loại nệm quá mềm dễ ảnh hưởng không tốt đến cột sống của bé, cũng không được quá cứng để đảm bảo bé có thể ngủ một cách thoải mái.
Trên giường của bé nhất thiết không được để nhiều loại đồ chơi, thú nhồi bông bởi chúng không an toàn với bé. Ngoài ra, trong phòng bé cũng không nên lắp đặt quá nhiều thiết bị điện tử. Ánh sáng trong phòng cũng nên ở mức vừa phải và tương đương với độ sáng ở phòng ngủ trước kia của bé.
Thiết lập thói quen đi ngủ dần dần
Bé sẽ không thể thích nghi với phòng ngủ mới hay chiếc giường mới một cách nhanh chóng. Đặc biệt, việc không có cha mẹ ở bên sẽ khiến bé lo lắng bất an. Vì thế, trong vài ngày đầu tiên, cha mẹ hãy ngủ cùng bé trong căn phòng mới trước khi để bé ngủ một mình ở đây. Hoặc chí ít, hãy đưa bé vào giấc ngủ bằng cách đọc cho bé nghe một vài câu chuyện, hát ru bé cho đến khi bé ngủ thiếp đi mới rời khỏi phòng của bé. Thỉnh thoảng, đừng quên ghé qua kiểm tra xem bé có ngủ ngon không.
Sau này, khi bé đã quen, cha mẹ chỉ cần ghé qua trò chuyện một lát, chúc bé ngủ ngon rồi có thể rời khỏi phòng trước khi bé ngủ.
Hãy nhớ, dù bé có lén trở lại phòng của cha mẹ lúc nửa đêm hay cứng đầu không chịu hợp tác thì trong cả quá trình, cha mẹ cũng nên tránh việc mắng mỏ, la hét hoặc cằn nhằn bé. Đối với bé, ngủ riêng là một bước tiến lớn, khả năng thực hiện thành công cần thời gian và thời gian này tùy thuộc vào khả năng thích nghi của từng bé.
Giúp bé đối mặt với chướng ngại tâm lý
Chướng ngại tâm lý lớn nhất đối với trẻ khi ngủ riêng chắc hẳn là nỗi sợ hãi. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu xem bé đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi gì, nỗi lo lắng gì. Khi bé nói với cha mẹ về những con quái vật trong phòng, hãy lắng nghe con nói. Đừng xem thường nỗi sợ hãi đó, hãy tìm cách giúp trẻ phân tâm để không còn chú ý đến việc phòng ngủ có gì bằng một số cách như:
- Đặt các “siêu nhân” bằng gấu bông lên giường ngủ của con để “bảo vệ” con.
- Cho bé ôm thú nhồi bông khi ngủ.
- Để đèn ngủ trong phòng bé.
- Trò chuyện với bé trước khi đi ngủ.
- Luôn chúc bé ngủ ngon.
Khen ngợi và khuyến khích bé
Ngủ riêng là một sự thay đổi lớn lao đối với bé, vì thế, đừng tiếc những lời khen ngợi hoặc phần thưởng nào đó cho sự cố gắng này. Đối với trẻ nhỏ, một món đồ chơi hay một món đồ ăn yêu thích sẽ là những “ưu đãi” hấp dẫn.
Trường hợp nào không nên cho bé ngủ riêng?
Mặc dù lợi ích của việc ngủ riêng đã rõ ràng, nhưng một số trường hợp các bé không thể ngủ riêng:
- Bé sinh ra có thể trạng yếu ớt, mang bệnh nguy hiểm, cần sự chăm sóc và theo dõi của người lớn.
- Bé bị ốm.
- Tâm lý của trẻ chưa sẵn sàng, cha mẹ hãy dần dần lặp lại các bước trên để giúp bé, đừng vội bắt bé ngủ riêng ngay.
- Điều kiện ngủ riêng chưa phù hợp như không gian ngủ riêng của bé chưa được an toàn, thoải mái. Hãy chủ động chuẩn bị không gian riêng cho con.
Hi vọng với những lời khuyên này, việc tập cho bé ngủ riêng khi nào mới đúng thời điểm và tập cho trẻ ngủ riêng làm sao để đạt hiệu quả sẽ không quá khó khăn đối với các bố mẹ.
Xem thêm:
Thời điểm phù hợp cho bé ra ngủ riêng và những lưu ý cho mẹ
Loay hoay phương pháp luyện cho con ngủ riêng với Phương Vy Idol
Bé khó ngủ thiếu chất gì? Làm sao để trẻ ngủ ngon?