Theo thống kê, cứ hễ 7 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị tiểu đường thai kỳ. Chẳng những ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ, bệnh lý này còn nguy hại đến sự phát triển của bé. Vậy tại sao mang thai dễ bị tiểu đường? Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bà bầu hiểu rõ hơn về chứng tiểu đường thai kỳ.
Định nghĩa về tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng bà bầu bị rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào. Thông thường, chứng tiểu đường thai kỳ sẽ bắt đầu xuất hiện từ tháng thứ ba. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 3 – 7% thai phụ bị tiểu đường và có chiều hướng tăng nhanh. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là những thay đổi sinh lý trong cơ thế của người mẹ.
Tiểu đường khi mang thai chỉ xuất hiện một khoảng thời gian ngắn. Sau khi em bé chào đời, tình trạng này sẽ hết. Tuy nhiên, các bà bầu không nên vì thế mà lơ là. Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ gây ra những biến chứng bất lợi. Thậm chí, mẹ và bé có nguy cơ bị tiểu đường type 2 sau này.
Lý do tại sao mang thai dễ bị tiểu đường?
Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên một vài nghiên cứu cho thấy, sự bài tiết các hoóc-môn do nhau thai tiết ra như Estrogen, Lactogen, Progesteron, Prolactin gây kháng insulin. Từ đó, đường huyết sẽ bị tăng. Bởi vì nồng độ của hoóc-môn tăng theo trọng lượng thai, tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện từ tuần 24 – 28 của thai kỳ.
Đường huyết tăng cao trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ gây ra dị tật cho thai. Trong các tháng tiếp theo, đường huyết tăng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Nếu nghiêm trọng hơn, thai sẽ bị to dẫn đến tăng tỉ lệ tử vong khi sinh.
Những thai phụ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao
- Thai phụ trên 25 tuổi
- Thai phụ quá cân hoặc bị béo phì
- Yếu tố di truyền
- Tiền căn sinh con trên 4kg hoặc đã được chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ lần trước
- Buồng trứng đa nang
- Được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn dung nạp glucose
Triệu chứng phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ
Các dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ không quá rõ rệt. Do vậy, bà bầu sẽ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Thông thường, bà bầu mắc bệnh sẽ mệt mỏi, đi tiểu nhiều, khát nước nhiều, tăng huyết áp… Cách tốt nhất để phát hiện tiểu đường thai kỳ sớm là tầm soát ở tuần thai 24 – 28. Đối với thai phụ thuộc nhóm có nguy cơ cao, nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ngay từ khi mang thai.
Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai
Có nhiều cách để phòng người chứng tiểu đường thai kỳ. Trong đó, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là quan trọng nhất. Các bà bầu nên ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn mỡ động vật hoặc thay bằng dầu thực vật. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày.
30 phút vận động vừa phải mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ khuyên rằng, bạn không nên giảm cân khi mang thai. Tuy nhiên, nếu thừa cân, bạn nên điều chỉnh cân nặng trước khi lên kế hoạch có em bé.
Xem thêm:
- Gợi ý chế độ ăn uống khoa học cho mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
- Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không đối với mẹ bầu và thai nhi?
- Đối phó với tiểu đường thai kỳ, 5 việc mẹ bầu cần làm ngay lập tức