Sinh thường và sinh dịch vụ khác nhau như thế nào? Mẹ bầu có nên đầu tư sinh dịch vụ không?

Sinh thường và sinh dịch vụ khác nhau như thế nào? Mẹ bầu có nên đầu tư sinh dịch vụ không?

Sinh thường và sinh dịch vụ khác nhau như thế nào? Nếu chọn sinh dịch vụ, sản phụ được trực tiếp chọn bác sĩ đỡ sinh, được ưu tiên đăng ký phòng dịch vụ và được tự quyết định số ngày mình ở lại, bên cạnh đó gói sinh dịch vụ cho phép một người thân trong gia đình có thể cùng mẹ vào phòng sinh để cổ vũ tinh thần khi mẹ vượt cạn. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:

  • Sự khác nhau giữa sinh thường và sinh dịch vụ
  • Chi phí sinh thường và sinh dịch vụ chênh lệch như thế nào?
  • Sinh dịch vụ có được bảo hiểm?
  • Mẹ bầu có nên đầu tư sinh dịch vụ hay không?

Sự khác nhau giữa sinh thường và sinh dịch vụ

Mẹ nên đẻ dịch vụ hay đẻ thường? Hiện nay, hầu như tất cả các bệnh viện đều cung cấp gói sinh dịch vụ theo nhu cầu của nhiều bà bầu. Cả 2 gói sinh này đều dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, tuy nhiên, ở gói sinh dịch vụ, mẹ sẽ được cung cấp nhiều tiện ích hơn, chẳng hạn như:

Được chọn bác sĩ đỡ sinh

Sinh thường và sinh dịch vụ khác nhau như thế nào? Mẹ bầu có nên đầu tư sinh dịch vụ không?

Ưu điểm đầu tiên của gói sinh dịch vụ đó là sản phụ được trực tiếp chọn bác sĩ đỡ sinh thay vì chỉ được đỡ sinh bởi bác sĩ trực hoặc nữ hộ sinh. Điều này khá quan trọng vì mọi sự an toàn hay nguy hiểm của mẹ bầu khi bước vào phòng sinh đều phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ bác sĩ và y tá, nhất là đối với những ca sinh có nhiều chuyển biến bất thường. Khi được chọn bác sĩ uy tín và giàu kinh nghiệm đỡ sinh cho mình, mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

Khám phá thêm:

Được ưu tiên đăng ký phòng dịch vụ theo nhu cầu

Thông thường, các bệnh viện sẽ cho sản phụ nằm lại viện 3 ngày đối với mẹ sinh thường và 5 ngày đối với mẹ sinh mổ. Ở gói sinh dịch vụ, mẹ sẽ được ưu tiên đăng ký phòng dịch vụ và được tự quyết định số ngày mình ở lại tùy theo sức khỏe và nhu cầu của bản thân.

Ngoài ra, các bệnh viện thường sẽ dùng phòng chung cho nhiều sản phụ nên nếu mẹ không thích ở chung thì có thể đăng ký phòng dịch vụ để được ở riêng. Một số phòng dịch vụ giá cao còn có phòng riêng không chỉ dành cho sản phụ mà cho cả người thân ở lại nữa.

Được cho người thân vào phòng sinh cùng sản phụ

Thông thường, các bệnh viện sẽ không cho người thân vào phòng sinh cùng với sản phụ vì không gian nhỏ hẹp. Tuy nhiên gói sinh dịch vụ cho phép một người thân trong gia đình có thể cùng mẹ vào phòng sinh để cổ vũ tinh thần khi mẹ vượt cạn. Điều này giúp mẹ chủ động hơn trong việc nhờ người chăm sóc cũng như khiến mẹ cảm thấy an tâm và có động lực hơn khi có người thân bên cạnh.

sinh-thuong-va-sinh-dich-vu

Đầy đủ các vật dụng tiện ích

Đối với gói sinh dịch vụ, sản phụ được cung cấp sẵn các vật dụng cần thiết khi đi sinh như phích nước nóng, chăn, gối,… Đặc biệt, một số phòng sinh dịch vụ còn có trang bị tủ lạnh, tivi, điều hòa nhiệt độ,… mang đến cảm giác thoải mái tối đa cho bà bầu khi đi sinh.

Chi phí sinh thường và sinh dịch vụ chênh lệch như thế nào?

Tổng chi phí sinh thường tại các bệnh viện công sẽ rơi vào khoảng 10 triệu, bao gồm các chi phí như:
  • Chi phí cho cuộc sanh hoặc mổ lấy thai
  • Khám, xét nghiệm, siêu âm
  • Thuốc
  • Các vật tư y tế như bông băng,…

Nếu mẹ sinh mổ thì chi phí sẽ cao hơn do mẹ sau sinh mổ cần phải được chăm sóc nhiều hơn và thời gian lưu trú tại bệnh viện cũng lâu hơn. Đối với gói sinh dịch vụ, tiện ích mẹ nhận được sẽ nhiều hơn nên giá thành chắc chắn cũng sẽ cao hơn. Chẳng hạn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, gói sinh dịch vụ trọn gói sẽ rơi vào khoảng 20 triệu cho mẹ sinh thường và 30 triệu cho mẹ sinh mổ.

Sinh dịch vụ có được bảo hiểm?

Nhiều mẹ bầu thắc mắc liệu chọn sinh dịch vụ có được hưởng BHYT hay không. Như thắc mắc của mẹ bầu trên trang của BV Từ Dũ:

“Sắp tới em chọn sinh dịch vụ ở Từ Dũ. Em có BHYT phòng khám đa khoa của tỉnh. Vậy em chọn sinh dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không ạ?”

Trả lời từ ThS Đinh Thị Hoài Thanh – P.TCKT

Nếu bạn có thẻ BHYT:

1/ Trường hợp có giấy chuyển tuyến hợp lệ thì được thanh toán 100% trên mức hưởng

2/ Trường hợp không có giấy chuyển tuyến thì tùy theo lúc bạn nhập viện tại khoa Cấp cứu của BV:

+ Nếu trong tình trạng cấp cứu, bạn vẫn được hưởng tỷ lệ đúng tuyến là 100% trên mức hưởng của bạn; Hoặc

+ Nhập viện không phải trong tình trạng cấp cứu, đồng thời không có giấy chuyển tuyến, mẹ chỉ được hưởng tỷ lệ trái tuyến là 60% trên mức hưởng của bạn.

Ngoài ra, mẹ bầu phải tự thanh toán phần cùng chi trả và chi phí ngoài phạm vi thanh toán của BHYT; gồm có tiền phòng dịch vụ, tiền công sinh mổ dịch vụ theo yêu cầu…(nếu bạn có đăng ký các dịch vụ này).

(Nguồn: Từ Dũ)

Khám phá thêm:

Bảng giá sinh Từ Dũ cho mẹ tham khảo:

  • Sinh thường 1-2 triệu đồng
  • Sinh mổ 1-4 triệu đồng

Chi phí chưa bao gồm chi phí nằm phòng dịch vụ và chi phí tiền công. Nếu đăng ký sinh mổ dịch vụ, tiền công sinh thường dịch vụ là 1.500.000đ và tiền công sinh mổ dịch vụ là 2.500.000đ.

(Nguồn: tuoitrexahoi.vn)

Mẹ bầu có nên đầu tư sinh dịch vụ hay không?

Chi phí đi sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của mẹ bầu. Đương nhiên gói sinh dịch vụ sẽ mang lại cho mẹ những tiện ích tốt nhất, giúp mẹ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn trong quá trình vượt cạn cũng như sau khi sinh. Tuy nhiên, mức giá của gói sinh dịch vụ tại các bệnh viện không phải lúc nào cũng phù hợp với túi tiền của các gia đình.

sinh-thuong-va-sinh-dich-vu

Nhiều mẹ bầu cho rằng, sinh thường và đặc biệt là sinh bảo hiểm là việc làm đày đọa bản thân. Cả đời người phụ nữ chỉ đẻ có 2, 3 lần, tội gì mà không đầu tư những gì tốt nhất cho con, hơn nữa bản thân người mẹ khi sinh dịch vụ cũng đỡ vất vả và mệt mỏi hơn. Giá thành của các gói sinh dịch vụ tuy có đắt hơn đôi chút nhưng cả mẹ và bé đều được chăm sóc kỹ càng từ các y bác sĩ tốt nhất.

Tuy nhiên, cũng không ít mẹ bầu cho rằng sinh dịch vụ là lãng phí và không cần thiết. Với số tiền sinh dịch vụ cao hơn từ vài triệu đến vài chục triệu, mẹ có thể chịu khổ vài ngày sinh thôi và để dành số tiền đó tẩm bổ sau sinh để có nguồn sữa tốt cho con, hoặc để mua những thứ thiết thực hơn như bỉm, sữa,… cho bé.

Kết luận

Như vậy, sinh thường và sinh dịch vụ đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu điều kiện kinh tế cho phép, mẹ có thể lựa chọn sinh dịch vụ để được chăm sóc tốt nhất và được yên tâm tịnh dưỡng trong phòng riêng sau khi sinh. Đối với trường hợp những gia đình không có đủ điều kiện kinh tế thì sinh thường vẫn rất tốt, cả mẹ và bé đều được đảm bảo an toàn trong và sau khi sinh, chỉ là mẹ sẽ hơi bất tiện một chút trong những ngày nằm viện sau sinh mà thôi.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!