Siêu âm thai tuần 32 rất quan trọng vì đây là lúc để các bác sĩ sản khoa kiểm tra sự phát triển toàn diện của bé cũng như có lời khuyên dành cho mẹ bầu.
Các chỉ số thai nhi tuần 32
Vào tuần 32, thai nhi có cân nặng từ 1,5-1,8kg. Lúc này chiều dài đo từ đỉnh đầu tới gót chân của bé sẽ khoảng 42,2cm. Vì thế, tử cung của mẹ đã trở nên chật chội đối với bé. Nước ối cũng sẽ giảm dần để bé di chuyển dần xuống dưới đáy tử cung, chuẩn bị chào đời. Lớp lông tơ bọc quanh da đã bắt đầu biến mất. Lúc này, cơ thể trẻ đã phát triển gần như đầy đủ và hoàn thiện. Chỉ trừ phổi sẽ trưởng thành vào tầm 34 tuần.
Vào tuần thai 32, thai nhi đã có thể nhắm mở mắt, nheo mắt và luyện tập điều tiết mắt. Nếu có ánh sáng mạnh xuyên qua bụng mẹ, bé đã có thể tự tránh đi hoặc nhắm mắt lại. Bộ não của thai nhi 32 tuần tuổi cũng gần như hoàn thiện. Thế nên lúc này bé có rất nhiều biểu cảm đa dạng như ngáp, nhăn mặt, cười, thè lưỡi… Mẹ có thể biết được điều này khi siêu âm tuần 32.
Dựa vào các chỉ số thai nhi tuần 32, bác sĩ có thể đưa ra được các kết luận chính xác về sự phát triển của thai nhi. Nếu tốc độ phát triển thai có bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp can thiệp kịp. Từ đó có thể phòng tránh được các nguyên nhân gây suy thai, ngạt sau sinh. Đồng thời giúp mẹ bầu xác định được ngày sinh bé cụ thể và chính xác hơn.
Siêu âm thai 32 tuần có gì khác biệt?
Khi siêu âm tuần 32, ngoài được đo cân nặng, huyết áp thì mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm thai 4D. Phương pháp này sẽ đưa ra được những hình ảnh thai nhi chính xác nhất. Nó giống như lần diện kiến con bằng hình ảnh đầu tiên của mẹ bầu.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Đây là bước quan trọng để kiểm tra kỹ hơn về sức khỏe của mẹ. Với thai phụ có cân nặng vượt mức tăng thông thường, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu.
Ở lần khám thai tuần thứ 32, bác sĩ sẽ khảo sát lượng nước ối nhiều hay ít. Ngoài ra chất lượng và đặc điểm của nước ối cũng được kiểm tra. Đồng thời, bác sĩ cũng kiểm tra sự lưu thông máu trong dây rốn. Đây là bước để khẳng định sự phát triển của thai nhi có bình thường không. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể xác định ngôi thai thuận hay nghịch. Từ đó, bác sĩ đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu về việc phương pháp sinh.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu mang thai và siêu âm tuần 32
Khi thấy xuất hiện triệu chứng đầy hơi, ợ nóng, táo bón, chóng mặt, chuột rút, sưng phù tay chân…thì mẹ bầu nên điều chỉnh chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, mẹ còn phải có thời khóa biểu ngủ nghỉ đúng giờ. Với việc đi đứng nằm ngồi, mẹ bầu cũng nên từ tốn, chậm rãi. Bởi vì chiếc bụng to sẽ khiến mẹ dễ mất cân bằng và té ngã rất nguy hiểm. Nhưng dù có khệ nệ, mẹ bầu cũng hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng. Khi thai nhi 32 tuần tuổi, mẹ có thể đi bộ, tập yoga cho bà bầu, thiền, bơi lội…
Ở giai đoạn này mẹ bầu đôi khi sẽ đau bụng hoặc cảm giác vùng bụng trước căng thành cơn. Cũng có trường hợp ở giai đoạn này mẹ bị xuất huyết bất thường. Ngoài ra, thai nhi cũng có những phản ứng bất thường như đạp nhiều hơn hoặc ít hơn. Chưa hết, mẹ bầu có thể xuất hiện các cơn co thắt kéo dài 30-45giây/cơn và khoảng 6 cơn/1h. Khi gặp phải các biểu hiện trên, mẹ bầu nên đi bác sĩ. Bởi vì mẹ bầu có thể bị sinh non.
Tạm kết
Siêu âm tuần 32 là một bước rất quan trọng để kiểm tra toàn diện sức khỏe của bé. Ngoài ra đây cũng là dịp các bác sĩ theo dõi kỹ tình trạng của mẹ bầu. Từ đó sẽ có hướng điều chỉnh hoặc đưa ra lời khuyên thích hợp cho mẹ bầu. Nếu có gì thắc mắc về thai nhi và sức khỏe của bản thân, mẹ hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ. Nhất là cách xử trí nếu xuất hiện những triệu chứng dọa sinh non. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và sẵn sàng đón bé yêu.
Xem thêm
Khám thai tuần 32 – Các chỉ số quan trọng của bé mẹ cần đặc biệt lưu tâm
Siêu âm thai kỳ và 5 lưu ý quan trọng mẹ bầu cần chuẩn bị khi đi siêu âm
Siêu âm thai 22 tuần – mốc quan trọng để kiểm tra tình trạng thai nhi
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!