Ngày nay càng có nhiều cặp vợ chồng tìm đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF. Khi thực hiện IVF, việc chuyển phôi đông lạnh kích thích thời gian mang thai diễn ra nhanh hơn là lựa chọn của đa số cặp đôi. Trong bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về quy trình chuyển phôi trữ và 1 số lưu ý để chuyển phôi thành công nhé.
Các bước thực hiện IVF cơ bản
IVF – thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách cho trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài cơ thể để tạo thành phôi. Sau thời gian nuôi cấy, phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ và bắt đầu quá trình mang thai.
Quy trình IVF cơ bản gồm có các bước:
- Khám sức khỏe sinh sản: siêu âm, xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm tinh dịch đồ, thử máu để kiểm tra tổng quát sức khỏe sinh sản của 2 vợ chồng.
- Kích trứng để lấy đủ số lượng nang trứng đạt yêu cầu. Có thể dùng thuốc kích trứng đường uống/tiêm hoặc cả 2.
- Chọc hút trứng: Bác sĩ dùng kim chọc hút chọc và hút tất cả dịch nang noãn có chứa trứng rồi chuyển đến phòng thí nghiệm. Lúc này người chồng cũng được lấy tinh trùng để chuẩn bị cấy phôi hoặc lấy mẫu tinh trùng đông lạnh trữ đông trước đó.
- Tạo phôi: Trứng, tinh trùng được chuyển đến phòng thí nghiệm để thụ tinh và tạo phôi, phôi được nuôi cấy bên ngoài 2 – 5 ngày rồi chuyển ngay sau khi tạo phôi (chuyển phôi tươi) hoặc trữ đông chờ đến khi người vợ đủ sức khỏe (chuyển phôi trữ đông).
- Chuyển phôi: Số phôi khỏe mạnh nhất được đưa vào buồng tử cung để chuẩn bị làm tổ và phát triển thành thai khi niêm mạc tử cung đạt điều kiện.
- Thử thai: Sau 2 tuần từ khi chuyển phôi, người mẹ được chỉ định thử máu để kiểm tra nồng độ Beta HCG.
Vì sao phôi được trữ đông thay vì chuyển phôi tươi?
Phôi đông lạnh là những phôi được trữ lạnh sau quy trình tạo phôi thay vì được đưa ngay vào cơ thể người mẹ. Trữ phôi là quá trình đưa phôi xuống -196 độ C dưới ni tơ lỏng và duy trì ở điều kiện này bằng cách dùng 1 số chất bảo quản đông lạnh cho tới khi được sử dụng để chuyển lại tử cung người mẹ. Phôi có thể được trữ trong thời gian dài tùy theo điều kiện và nhu cầu của bệnh nhân.
Phôi được đông lạnh vì các lý do sau:
- Chu kỳ chuyển phôi tươi thất bại
- Mỗi lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, thường có nhiều hơn 1 trứng được thụ tinh thành công. Sau mỗi lần lặp lại thụ tinh trong ống nghiệm, việc kích thích buồng trứng nhiều lần phần nào ảnh hưởng đến chất lượng trứng
- Người mẹ bị quá kích buồng trứng, nội mạc tử cung mỏng, tử cung nhiều nhân xơ có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi (phôi không thể bám dính vào buồng tử cung)…
Việc trữ đông phôi mang lại nhiều lợi ích cho các cặp vợ chồng tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm:
- Giúp các gia đình có cơ hội chuyển phôi nhiều lần với các phôi còn dư, từ đó tăng tỷ lệ mang thai tích lũy sau các lần chuyển phôi.
- Tiết kiệm chi phí điều trị, hạn chế số lần kích thích buồng trứng, đảm bảo sức khỏe cho người vợ
- Tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng có thêm thời gian chuẩn bị về mọi mặt (công việc, cuộc sống, tiền bạc..) trước khi chuyển phôi.
Quy trình chuyển phôi trữ trong thực hiện IVF
Thực hiện 1 số xét nghiệm nội tiết, siêu âm đánh giá tử cung và buồng trứng
Để tăng cơ hội thành công khi dùng phôi đông lạnh, người nhận phôi phải có buồng tử cung bình thường. Có 3 xét nghiệm có thể được dùng để đánh giá tình trạng buồng tử cung:
- Siêu âm bơm nước buồng tử cung: buồng tử cung sẽ thấy rõ qua siêu âm sau khi bơm nước muối vào trong buồng
- HSG – chụp x quang tử cung và vòi trứng
- Nội soi buồng tử cung.
Nếu có bất thường ở buồng tử cung được phát hiện thì sẽ tiến hành chữa trị trước khi tiến hành chuyển phôi đông lạnh.
Chuẩn bị nội mạc tử cung
Trước khi chuyển phôi đông lạnh, người mẹ cần đảm bảo lòng tử cung bình thường, nội mạc tử cung đủ độ dày cần thiết và chất lượng tốt, nếu nhiều nhân xơ có thể tiến hành phẫu thuật bóc nhân xơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phôi làm tổ và phát triển sau khi được đưa vào buồng tử cung.
Có nhiều phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung như theo dõi chu kỳ tự nhiên (không dùng thuốc), sử dụng thuốc nội tiết (đường uống, tiêm, miếng dán…). Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp nhất. Thông thường thuốc đường uống được áp dụng phổ biến vì nhiều ưu điểm như đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả cao. Thuốc thường sử dụng là estrogen và progesterone.
- Estrogen có tác dụng kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung và ức chế việc rụng trứng tự nhiên, thường bắt đầu được uống vào đầu kỳ kinh (ngày có kinh thứ 2 hoặc thứ 3). Thời gian và liều sử dụng tùy thuộc đáp ứng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ điều chỉnh khi theo dõi sự phát triển của nội mạc nhờ siêu âm qua ngã âm đạo và xét nghiệm máu.
- Khi nội mạc tử cung đủ độ dày cần thiết (thường là >8mm) và chất lượng tốt, progesterone sẽ được bổ sung để tạo nội tiết thích hợp cho sự làm tổ của phôi. Thời gian sử dụng progesterone tùy thuộc vào giai đoạn của phôi được chuyển, thường là 2 – 5 ngày trước khi chuyển phôi.
Rã đông phôi là bước tiếp theo của quy trình chuyển phôi trữ
Tùy theo phương pháp đông lạnh mà bác sĩ lựa chọn phương pháp rã đông thích hợp. Quá trình rã đông sẽ được tiến hành trên từng phôi riêng biệt cho đến khi đạt đủ số lượng phôi cần để chuyển. Số phôi rã đông sẽ được cân nhắc để đảm bảo mang lại tỷ lệ thành công cao nhất và nguy cơ đa thai thấp nhất.
Phôi sau khi rã đông sẽ được nuôi cấy trong môi trường nuôi cấy và tủ cấy cho đến khi thực hiện chuyển phôi.
Chuyển phôi
Thủ thuật chuyển phôi tương đối nhẹ nhàng, bác sĩ dùng dụng cụ bộc lộ cổ tử cung và đưa phôi vào buồng tử cung qua một catheter mềm cực nhỏ nhằm không gây tổn thương cho niêm mạc tử cung. Khi chuyển phôi người vợ phải nhịn tiểu.
Chuyển phôi kéo dài khoảng 5 phút hoặc lâu hơn nếu tư thế cổ tử cung của người mẹ bất thường. Sau khi chuyển phôi người vợ sẽ được chỉ định dùng estrogen và progesterone để hỗ trợ sự phát triển của phôi.
Trước khi chuyển phôi, người vợ vẫn ăn uống bình thường và cần nằm nghỉ 30 – 60 phút sau khi chuyển; sau đó nên đi lại, sinh hoạt như bình thường, không nên nằm bất động vì sẽ làm giảm tỉ lệ có thai và tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Thử thai
Sau 12 – 14 ngày từ khi chuyển phôi, người mẹ được chỉ định thử máu để kiểm tra nồng độ Beta hCG.
- Nếu beta hCG ở mức > 25 IU/l thì được xác định là có thai
- Beta hCG tăng gấp 1,5 lần sau 2 ngày: thai đang phát triển người mẹ tiếp tục uống thuốc đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.
- Beta hCG sau 2 ngày không tăng hoặc không giảm: Tiếp tục theo dõi
- Nếu beta hCG âm tính: thai sinh hóa, nồng độ này cao hay thấp còn phụ thuộc vào mỗi người.
Trong trường hợp phôi không làm tổ thành công, bác sĩ sẽ tiếp tục lặp lại quy trình chuyển phôi trữ ở các chu kỳ tiếp theo.
Một số trường hợp có thể ra ít huyết trước ngày thử thai. Khi đó, cần liên lạc ngay với bác sĩ điều trị và vẫn thực hiện xét nghiệm beta-hCG vì vẫn có thể có thai.
Thay lời kết
Thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi sự chuẩn bị nhiều mặt của cả 2 vợ chồng và không chắc chắn sẽ thành công ở lần thực hiện đầu tiên. Nếu không thực hiện chuyển phôi tươi được vì nhiều lý do thì các chị em hoàn toàn có thể chuyển phôi trữ đông. Phôi được đông lạnh không ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công và sự phát triển của thai nhi cũng như em bé sau này. Hy vọng rằng chị em đã có thêm 1 số thông tin hữu ích cho hành trình chuẩn bị làm mẹ của mình. Chúc chị em thành công.
Xem thêm
- QUY TRÌNH THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (IVF) – Các cặp đôi hiếm muộn cần biết
- Nên làm IVF ở đâu? Top những bệnh viện làm thụ tinh nhân tạo tốt nhất Việt Nam
- Bao nhiêu ngày sau chuyển phôi có thể thử que để xác định mang thai?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!